Bất cập tuyến y tế cơ sở

Thứ sáu, 31/07/2015 11:03

* Bài 1: Khi nguồn lực bị cào bằng

(Cadn.com.vn) - Nhu cầu của người dân đến trạm y tế (TYT) các xã để khám chữa bệnh đông hơn rất nhiều so với các TYT phường ở Trung tâm Đà Nẵng. Tuy nhiên, việc đầu tư nguồn lực từ nhân sự, kinh phí lại cào bằng như nhau là một bất cập lớn.

BS ở TYT xã đã mỏng lại luôn quá tải. 

Nơi tất bật, nơi tĩnh lặng

Đầu giờ sáng nhưng nhiều người dân đã tranh thủ tới TYT xã Hòa Phong (H. Hòa Vang) để khám, chữa bệnh. Các nhân viên y tế tất bật khi số lượng người đến khám chữa mỗi lúc một đông. Mặc dù ở Hòa Phong rất gần BV Hòa Vang nhưng người dân vẫn kéo lên trạm xá xã khám chữa bệnh. Ước tính mỗi ngày có từ 100-120 lượt người tới TYT Hòa Phong khám, chữa bệnh, trong khi trạm chỉ có 1 bác sĩ (BS).

Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở nhiều TYT khác như Hòa Nhơn, Hòa Tiến, Hòa Liên... Trưởng trạm xá xã Hòa Tiến, bà Đinh Thị Hương cho biết, tổng số cán bộ biên chế làm việc tại trạm là 6 người, trong đó có 1 BS, 2 y sĩ, 2 nữ hộ sinh, 1 dược sĩ trung học, tuy vậy số lượt người dân tới khám chữa luôn tăng cao. Số liệu cho thấy năm 2014 có hơn 15,2 ngàn/lượt người tới trạm khám, trên tổng số dân của xã là 17,1 ngàn người. Như vậy tính tỷ lệ lượt người tới khám so với nhân lực hiện có của trạm luôn quá tải.

Lý giải vì sao các TYT xã lại có lượng người tới khám, chữa bệnh đông, BS Nguyễn Đại Vĩnh- Giám đốc TTYT Hòa Vang nói: “Các TYT có vai trò quan trọng, thiết yếu trong khám, điều trị bệnh ban đầu tại cơ sở. Với các bệnh đơn giản, người dân thường tới các TYT để khám một phần vì gần nhà, phần vì các TYT cũng có thể giải quyết được các bệnh đơn giản như vậy. Hơn nữa, nếu xuống các bệnh viện ở trung tâm sẽ xa, tốn thời gian chờ đợi, trong khi với nhiều trạm xá, các BS đã có công tác lâu lăm, người dân đã quen thuộc. Chẳng hạn ở TYT xã Hòa Phong, BS Chiêm là người địa phương, đã có nhiều năm ở trạm, người dân đã quen thuộc nên đau ốm gì cũng tới khám trước tiên”.

Trong khi đó, nghịch lý lại diễn ra ở các TYT khu vực trung tâm TP. Theo số liệu từ TTYT Q. Hải Châu, toàn bộ 13 TYT của quận khám chữa khoảng 79 ngàn lượt người trong tổng số 206 ngàn dân của quận trong năm 2014. Nhiều TYT phường tỷ lệ lượt người khám chữa bệnh rất thấp trên tổng số dân. Đơn cử P. Thuận Phước chỉ có 2,8 ngàn lượt/19,6 ngàn dân; P. Thạch Thang là 4,8 ngàn/17,3 ngàn dân; P. Bình Thuận là 2,2 ngàn lượt/13,8 ngàn dân...

Theo BS Ngô Thị Kim Yến- Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, chức năng của TYT ngoài khám chữa bệnh ban đầu cho người dân còn thực hiện công tác y tế dự phòng, các chương trình mục tiêu y tế quốc gia như phòng chống HIV/AIDS, tiêm chủng mở rộng, vệ sinh an toàn thực phẩm, chống bệnh phong, rối loạn tâm thần... Ở các TYT khu vực trung tâm thành phố do đặc thù có nhiều bệnh viện lớn tuyến trên, do đó người dân thường đến bệnh viện khám chữa bệnh chứ ít đến TYT. Tuy vậy, việc triển khai công tác y tế dự phòng, các chương trình mục tiêu y tế quốc gia ở đây lại chịu nhiều áp lực, căng thẳng hơn so với các TYT xã, bởi lẽ dân số các phường trung tâm rất đông.

Nhu cầu tới khám chữa bệnh ban đầu ở các TYT xã luôn lớn hơn rất nhiều các trạm khu vực trung tâm TP.

Gấp đôi lương bác sĩ vẫn “né” trạm

Xuất phát từ các đặc thù nêu trên dẫn tới nhiệm vụ của các trạm cũng có những đặc trưng khác nhau. Trong khi đó, việc đầu tư về nhân lực cũng như kinh phí lại bị cào bằng giữa các trạm. Hiện mỗi trạm được phân bổ 6 biên chế, mỗi biên chế được cấp chi phí 18 triệu đồng/năm. Ở nhiều trạm vùng ven, nông thôn, lượng người tới khám đông đúc, BS lại quá mỏng nên luôn trong tình trạng quá tải. Trong khi đó, nhiệm vụ của các trạm mang đặc thù khác nhau, chẳng hạn có những trạm tập trung chủ yếu để khám chữa bệnh cho người dân, các chi phí đòi hỏi cũng tốn kém hơn nhưng vẫn đầu tư cào bằng nguồn kinh phí 18 triệu đồng/biên chế/năm là bất hợp lý, khiến các trạm rất khó xoay xở.

Rõ ràng, bất cập lớn nhất của các trạm hiện nay chính là việc đầu tư về nguồn lực chưa đúng trọng tâm, trọng điểm, không phản ánh hết được đặc trưng nhiệm vụ của các trạm.

Chưa dừng ở đó, bất cập với các trạm hiện nay là quá thiếu BS, song việc phân bổ BS lại cũng chưa hợp lý giữa khu vực trung tâm TP và vùng ven. Số liệu cho thấy nhiều trạm hiện “trắng” BS. Đơn cử Thanh Khê chỉ có 1/10 trạm có BS, Ngũ Hành Sơn có 1/4 trạm có BS, Sơn Trà 2/7 trạm có BS, Cẩm Lệ 1/6 trạm có BS.

BS Nguyễn Đại Vĩnh cho biết, việc thu hút BS về trạm rất khó khăn, mặc dù TP đã tạo nhiều ưu đãi, kể cả việc tăng gấp đôi lương. Trong số 25 BS ở 56 trạm trên toàn TP chỉ có 3 BS thuộc diện thu hút, phần lớn là các BS từ cơ sở học thêm lên và BS đã về hưu được hợp đồng trở lại. Lý do BS ngại về trạm bởi điều kiện làm việc chưa đảm bảo, không có cơ hội phát triển, chế độ đãi ngộ còn kém hấp dẫn...

Hải Quỳnh

 Kỳ TớI: Nghịch lý y học cổ truyền