Bầu cử Ecuador và số phận của Julian Assange
(Cadn.com.vn) - Ngày 2-4, người dân Ecuador đi bỏ phiếu vòng 2 để chọn người kế nhiệm Tổng thống Rafael Correa giữa 2 nhân vật: ứng viên cánh tả Lenin Moreno được ông Correa ủng hộ, và ứng viên bảo thủ Guillermo Lasso. Người chiến thắng trong cuộc bầu cử sẽ quyết định số phận của nhà sáng lập Wikileaks Julian Assange, người sống tại đại sứ quán Ecuador ở London (Anh) từ năm 2012.
Ông Lasso, nhà kinh doanh và ứng cử viên đối lập hàng đầu, đã thề sẽ "yêu cầu" Assange rời Đại sứ quán trong vòng 30 ngày, bởi vì sự có mặt của ông tại đại sứ quán là gánh nặng cho người nộp thuế ở Ecuador. Trong khi đó, ông Moreno cho biết, ông Assange vẫn được chào đón, mặc dù có điều kiện.
Ông Moreno đã giành chiến thắng trong vòng bầu cử đầu tiên, và cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy ông sẽ giành được 52,4% số phiếu trong khi ông Lasso chỉ có 47,6%. Tuy nhiên, với 16% cử tri vẫn chưa quyết định, kết quả là rất khó đoán trước.
Nhóm luật pháp của ông Assange cực kỳ lo lắng. Luật sư Jennifer Robinson, thành viên nhóm pháp lý, cho biết: "Chúng tôi rất quan ngại rằng bất kỳ ứng cử viên nào cũng có thể đe dọa làm suy yếu sự bảo vệ mà nhà nước Ecuador đã ban hành cho ông Assange. Ecuador đã công nhận ông là người tị nạn và họ có nghĩa vụ bảo vệ ông ấy dù kết quả bầu cử như thế nào". Hiện nhóm đang tìm kiếm trợ giúp pháp lý từ các tòa án nhân quyền liên Châu Mỹ và Châu Âu. Tuy nhiên, theo ông Arturo Moscoso, luật sư và học giả người Ecuador, "Không có tổ chức, không có luật và không ai có thể ngăn cản tổng thống từ bỏ quyền tị nạn chính trị. Tị nạn của ông Assange được ban hành theo một sắc lệnh của tổng thống và dễ dàng bị loại bỏ", ông Moscoso cho biết.
Ông Lenin Moreno (trái) và ông Guillermo Lasso sẽ quyết định tương lai của nhà sáng lập Wikileaks. |
Chính quyền Anh cũng không kém phần quyết đoán khi tuyên bố, nếu ông Assange rời khỏi Đại sứ quán trong bất kỳ tình huống nào, ông ta sẽ bị bắt và dẫn độ đến Thụy Điển, nơi ông bị cáo buộc tội hãm hiếp từ năm 2010, cáo buộc mà ông Assange một mực phủ nhận. Sau nhiều năm bế tắc giữa Thụy Điển và Ecuador, Assange cuối cùng đã bị các công tố viên Thụy Điển thẩm vấn bên trong đại sứ quán vào cuối năm ngoái. Các công tố viên Thụy Điển cho biết, "hiện đang phân tích báo cáo và sau đó sẽ quyết định những biện pháp điều tra tiếp theo". Có khả năng, ông Assange sẽ bị dẫn độ tới Stockholm để điều trần về việc liệu ông có bị giam giữ hay không.
Daniel Roos, một luật sư hình sự ở Helsingborg, cho biết: "Công tố viên sẽ phải thuyết phục tòa án quận Stockholm rằng ông Assange gây nguy hiểm khi bay, hoặc có nguy cơ thông đồng". Nếu bị kết tội gây nguy hiểm khi bay, ông Assange sẽ sẽ bị giam cùng những người khác. Mọi tiếp xúc với thế giới bên ngoài cần được nhà chức trách nhà tù cho phép. Còn nếu bị kết tội có nguy cơ thông đồng, ông Assange sẽ bị cách ly 23 giờ/ngày, chỉ được phép nói chuyện với luật sư.
Ông Assange luôn khẳng định, ông tị nạn không phải để tránh việc bị dẫn độ sang Thụy Điển mà vì ông sợ bị đưa đến Mỹ để truy tố về việc công bố các tài liệu mật của WikiLeaks. Tháng trước, cuộc điều tra về WikiLeaks đã được mở rộng bao gồm những rò rỉ gần đây về các tài liệu của CIA, điều mà các luật sư của ông Assange cho rằng đây là căn cứ vững chắc để Ecuador tiếp tục cho phép ông tị nạn. "Chúng tôi hy vọng sẽ có sự thay đổi trong cách tiếp cận của chính quyền tân Tổng thống Trump", Robinson nói. Mặc dù WikiLeaks đã công bố những tài liệu mật của đảng Dân chủ qua đó giúp ông Trump trở thành ông chủ Nhà Trắng nhưng rõ ràng chính quyền mới không hề có quan điểm khác về vấn đề Assange.
Nói cách khác, hy vọng duy nhất của ông Assange là ông Moreno chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Ecuador.
An Bình
(Theo Guardian, BBC)