Bầu cử Mỹ 2020: Cuộc chiến còn dai dẳng

Thứ tư, 11/11/2020 15:26

Chính quyền Tổng thống đương nhiệm Donald Trump đang khiến quá trình chuyển đổi quyền lực trở nên hỗn loạn và gay cấn hơn bao giờ hết với việc ông chủ Nhà Trắng ngăn chặn các quan chức chính phủ hợp tác với nhóm của Tổng thống đắc cử Joe Biden và Bộ trưởng Tư pháp William Barr ngày 10-11 cho phép Bộ này điều tra các cáo buộc về gian lận bầu cử.

Việc Tổng thống Donald Trump bất ngờ sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper đang làm bùng nổ nhiều tranh cãi.

Theo AP, một số đảng viên Cộng hòa, bao gồm cả Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mitch McConnell, đã tập hợp phía sau ủng hộ nỗ lực chống lại kết quả bầu cử của Tổng thống Trump. Một số ít thành viên trong GOP thừa nhận chiến thắng của ông Biden hoặc lên án động thái liên quan mới nhất của ông Trump: sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper. Các diễn biến đặt ra nghi ngờ về việc liệu nước Mỹ có chứng kiến kiểu chuyển giao quyền lực suôn sẻ giống như lâu nay hay không?

Cử tri đoàn dự kiến sẽ chính thức xác nhận chiến thắng của ông Biden vào ngày 14-12 và ứng viên đảng Dân chủ sẽ tuyên thệ nhậm chức vào cuối tháng 1. Nhưng vào ngày 10-11, Bộ trưởng Barr đã ủy quyền cho các thẩm phán điều tra các cáo buộc “đáng kể” về các hành vi bất thường của cử tri và gian lận bầu cử, mặc dù không có bằng chứng cụ thể nào. Trên thực tế, các quan chức bầu cử của cả hai đảng chính trị đã công khai tuyên bố rằng, việc bỏ phiếu diễn ra tốt đẹp và các nhà quan sát quốc tế cũng xác nhận rằng không có bất thường nghiêm trọng nào.

Hiện ông Biden thúc đẩy kế hoạch xây dựng chính quyền, tập hợp một nhóm chuyên gia để đối phó với đại dịch Covid-19 đang bùng phát. Nhưng các cơ quan liên bang cho biết, sự khởi đầu của quá trình chuyển giao quyền lực đã bị đình trệ. Và Nhà Trắng đã chuyển sang “đàn áp” những người không được coi là đủ trung thành khi ông Trump tiếp tục từ chối công nhận thua cuộc. Trong dòng thông báo trên Twitter và Facebook đêm 10-11, Tổng thống Trump cho biết sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper và giám đốc Trung tâm Chống khủng bố quốc gia Christopher C. Miller sẽ là quyền Bộ trưởng Quốc phòng.

Kênh CNBC cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ đã không bình luận về việc này khi được phỏng vấn. Nhưng theo kênh này: “Trong một mâu thuẫn bất thường với ông Trump, ông Esper nói với các phóng viên từ hồi tháng 6 rằng ông sẽ không kích hoạt Đạo luật Chống nổi loạn, một luật có từ năm 1807 có thể cho phép chính quyền ông Trump triển khai quân đội phản ứng với tình trạng bất ổn dân sự bắt nguồn từ các cuộc biểu tình chống bạo lực cảnh sát diễn ra trên toàn quốc”. Trước đó, NBC đưa tin ông Esper đã soạn sẵn đơn từ chức, chuẩn bị cho một cú sa thải bất ngờ từ chính quyền Tổng thống Trump.  Tờ USA Today cho rằng, động thái sa thải Esper diễn ra trong bối cảnh ông Trump đang muốn thể hiện việc nắm quyền đương thời, bất kể ông đang chống lại kết quả bầu cử. USA Today dẫn các nguồn tin khác cho biết thêm, ông Trump cũng đang cân nhắc sa thải giám đốc Cục Điều tra liên bang (FBI) Christopher Wray và giám đốc Cục Tình báo trung ương (CIA) Gina Haspel.

Theo luật, ông Trump phải rời Nhà Trắng vào tháng 1-2021 nếu không tái đắc cử hoặc thậm chí kiện tụng kéo dài, chưa tìm được tổng thống mới. Hiện, theo các nguồn tin AP, Tổng thống Trump vẫn vắng mặt tại Nhà Trắng. Ông dự kiến sẽ không nhượng bộ nhưng có khả năng miễn cưỡng rời Nhà Trắng vào cuối nhiệm kỳ, theo một số người xung quanh ông.

Nhưng cuộc chiến đang chứng kiến diễn biến kịch tính hơn nữa khi các nguồn tin cho biết đến lượt ông Biden tính chuyện kiện chính quyền ông Trump. Nhóm chuyển giao quyền lực của ông Biden đang xem xét hành động pháp lý nhằm vào sự chậm trễ của Cơ quan Dịch vụ tổng hợp (GSA) trong việc công nhận ông thắng cử như dự đoán của truyền thông Mỹ. GSA, một cơ quan của chính phủ Mỹ sẽ là cơ quan công nhận người thắng cử một khi chiến thắng này rõ ràng để tiến trình chuyển giao quyền lực có thể bắt đầu. Dù vậy, điều này cho đến giờ vẫn chưa xảy ra dù các cơ quan truyền thông Mỹ đồng loạt dự đoán ông Biden thắng cử hôm 7-11.

Theo Reuters, luật pháp Mỹ không quy định rõ khi nào GSA phải đưa ra tuyên bố. Nhưng theo phía đảng Dân chủ, việc trì hoãn công nhận kết quả bầu cử của GSA là không thể biện minh được ngay cả khi Tổng thống Donald Trump không chịu nhận thua.

KHẢ ANH