Bầu cử Mỹ 2020: Cuộc đua ngày càng gay cấn

Thứ sáu, 06/11/2020 13:00

Cục diện bầu cử Mỹ chưa khi nào như năm nay. Những con số nhảy múa liên tục đang cho thấy những màn rượt đuổi quyết liệt, kịch tính và vẫn chưa thể đi đến hồi kết. Ngay cả các hãng truyền thông lớn ở Mỹ, vẫn luôn có những công bố giống nhau và chính xác về số phiếu đại cử tri trong các cuộc đua vào Nhà Trắng, cũng có những tuyên bố khác nhau. Trong diễn biến đầy kịch tính, vào cuối ngày 5-11, các hãng truyền thông lớn của phương Tây đã bất ngờ điều chỉnh kết quả sơ bộ của ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden, theo đó mở ra cánh cửa ở lại Nhà Trắng rộng hơn cho ông Trump.

Những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump đã biểu tình ở Michigan, phản đối kết quả kiểm phiếu ở bang này, vốn mang về chiến thắng cho ứng viên phe Dân chủ Joe Biden. Ảnh: Getty Images

Phe Dân chủ đang thất thế trong cuộc đua ở Quốc hội

Các bang chiến địa vẫn đang nỗ lực kiểm phiếu.

Giấc mơ của đảng Dân chủ về một làn sóng xanh trong các cuộc đua vào Quốc hội - đóng vai trò như một sự phản đối ông Trump và đảng Cộng hòa - đã tan vỡ.

Hy vọng giành quyền kiểm soát Thượng viện của đảng Dân chủ dường như đang tắt dần khi ngày bầu cử khép lại. Họ được dự đoán sẽ giành được 2 ghế ở Colorado và Arizona, nhưng lại mất 1 ghế ở Alabama. Các cuộc đua vào Thượng viện ở Bắc Carolina và Michigan vẫn chưa được quyết định, và một cuộc đua khác ở Georgia sẽ diễn ra thông qua một cuộc bỏ phiếu vào tháng 1-2021. Nhưng Lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mitch McConnell cho biết, ông cảm thấy “tốt” về các cuộc tranh cử còn lại. Các đảng viên Cộng hòa hiện kiểm soát Thượng viện 53-47. Ông McConnell và đồng minh của Tổng thống Trump, Lindsey Graham, đều được bầu lại vào các ghế của họ lần lượt ở Kentucky và Nam Carolina. Đảng Cộng hòa cũng giữ các ghế Thượng viện khác ở Maine, Montana, Texas và Iowa. Đảng Dân chủ cũng chứng kiến một sự thụt lùi bất ngờ cho đảng Dân chủ trong các cuộc đua vào Hạ viện. Đảng này hy vọng giành được 15 ghế trong Hạ viện Quốc hội mà họ hiện đang kiểm soát nhưng hiện phải đối mặt với đa số giảm sau khi 7 người đương nhiệm thua cuộc và không đánh bại được ứng cử viên đảng Cộng hòa.

Cơ hội nào cho ông Trump?

Trong các bài viết của mình, các hãng truyền thông lớn của Mỹ, trong đó có CNN, NBC và NYT, đã điều chỉnh kết quả của ông Biden xuống còn 253 phiếu chứ không phải 264. Theo đó, 11 phiếu đại cử tri của bang Arizona – bang vẫn đang kiểm phiếu – không được tính cho ứng viên này.

Theo hãng nghiên cứu Edison, tại bang Arizona - bang chiến địa trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, số phiếu ở hạt Maricopa - hạt lớn nhất bang – vẫn chưa kiểm xong. Thậm chí, kết quả sơ bộ của hãng Reuters cho thấy, ông Biden chỉ còn lại 243 phiếu đại cử tri. Theo các chuyên gia, con số này cho thấy ngoài 11 phiếu đại cử tri của bang Arizona mà ông Biden không được tính còn có 10 phiếu đại cử tri của bang Wisconsin. Tuy nhiên, số liệu của hãng tin Fox News vẫn cho thấy ông Biden giành được 264 phiếu đại cử tri.

Không tính Arizona, hiện còn 5 bang chưa công bố kết quả kiểm phiếu, trong đó có 3 bang chiến địa là Pennsylvania (20 phiếu), Bắc Carolina (15 phiếu) và Georgia (16 phiếu), cùng Alaska (3 phiếu) và Nevada (6 phiếu). Tổng thống Trump đang dẫn trước tại cả 3 bang chiến địa trên cùng Alaska. Vì vậy, hiện vẫn chưa thể nói rõ ông Trump hay ông Biden sẽ giành chiến thắng. Ông Biden đang có lợi thế hơn trong cuộc đua tích lũy 270 phiếu đại cử tri đoàn cần thiết để giành được Nhà Trắng. Ông Biden có 243 phiếu, trong khi ông Trump có 214. Nhưng cơ hội vẫn còn đó cho ông Trump. Nếu ông Trump thua ở Wisconsin, ông phải giành được Georgia, Bắc Carolina, Pennsylvania và Arizona hoặc Nevada để chiếm ưu thế. Nhóm chiến dịch tranh cử của Trump thậm chí hy vọng ông vẫn có thể lội ngược dòng để chiếm được Arizona.

Ông Biden đang có lợi thế ở Arizona và CBS cho rằng việc này “có khả năng” là chiến thắng cho đảng Dân chủ. Nhưng Thống đốc đảng Cộng hòa Doug Ducey của bang Arizona cho biết, các kết quả thay đổi rất nhiều theo từng giờ.  “Với hàng trăm nghìn phiếu bầu vẫn còn tồn đọng, điều quan trọng là chúng tôi phải kiên nhẫn trước khi tuyên bố bất kỳ việc lên xuống nào của các lá phiếu”, ông Doug Ducey nhận xét ám chỉ những chỉ trích nhằm vào hãng Fox News khi hãng này đã tuyên bố chiến thắng sớm ở bang này cho ông Biden vào đêm bầu cử.

Nước Mỹ sẽ ra sao nếu ông Trump không nhận thua?

Đã có những cáo buộc gian lận, đã có những tuyên bố về việc sẽ viện đến Tòa án Tối cao và cả những yêu cầu kiểm phiếu lại từ ông Trump. Nhiều người đang đặt ra viễn cảnh nếu ông Biden thắng, ông Trump kiên quyết không nhận thua và tiếp tục ngồi trong Nhà Trắng, nước Mỹ sẽ ra sao? Dù khả năng này không cao nhưng với tính khí của ông Trump, giới chuyên gia cho biết, cũng không thể loại trừ hoàn toàn. Nếu ông Trump từ chối nhượng bộ trước Ngày nhậm chức, nước Mỹ sẽ ở trong một chương mới và đen tối nhất của lịch sử. Nhưng điều này có khả năng xảy ra như thế nào? Và liệu có ai có thể ngăn chặn?

Trên thực tế, rất nhiều cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ từng tranh cãi về kết quả bầu cử. Tuy nhiên, chưa có ai làm quá đến mức không chịu rời Nhà Trắng sau khi thua. Mặc dù khả năng xảy ra điều này vẫn còn thấp, nhưng việc ông Trump tuyên bố chiến thắng có nghĩa là xác suất không phải là không có. “Chúng tôi sẽ giành được chiến thắng này, và theo như tôi nghĩ, chúng tôi đã giành được nó”, ông Trump nói từ Nhà Trắng vào sáng sớm 4-11 (giờ Mỹ), ngay cả khi nhiều bang vẫn chưa có kết quả. Sau đó, ông tiếp tục tuyên bố cuộc bầu cử là “một sự gian lận đối với cử tri Mỹ”.

Lo ngại kịch bản nào?

Vì vậy, hãy giả sử điều tồi tệ nhất: ông Biden được chính thức tuyên bố là người chiến thắng theo kết quả kiểm phiếu của tiểu bang, nhưng ông Trump sẽ không nhượng bộ và ông ấy nói điều gì đó như: “Thực ra, tôi đã thắng và sẽ phục vụ 4 năm nữa”. Theo tờ Vox, tại thời điểm đó, ông Biden có một lựa chọn: hoàn thành lễ nhậm chức, sau đó đưa trục xuất ông Trump ra khỏi Nhà Trắng với sự giúp đỡ của Cơ quan Mật vụ. Hiến pháp Mỹ quy định rõ khi nào một nhiệm kỳ tổng thống kết thúc và bắt đầu. Tu chính án 20 viết: “Nhiệm kỳ tổng thống và phó tổng thống kết thúc vào giữa trưa ngày 20-1, và nhiệm kỳ những người kế nhiệm của họ sẽ bắt đầu”. Nếu ông Biden được chính thức công nhận người chiến thắng với số phiếu đại cử tri tối thiểu 270, dù ông Trump không chấp nhận, ông Biden vẫn sẽ đọc diễn văn nhậm chức như luật quy định. Nếu ông Trump cố thủ trong Nhà Trắng, ông Biden sẽ viện đến vũ lực.

Nghĩ đơn giản rằng, sau trưa ngày 20-1, nếu có đủ số phiếu 270, ông Biden sẽ là tổng thống còn ông Trump thì không. Với quyền lực tổng thống, ông Biden có quyền ra lệnh cho Sở Mật vụ dùng vũ lực trục xuất ông Trump ra khỏi Nhà Trắng như một kẻ xâm nhập. Trong khi đó, quân đội Mỹ - tổ chức không liên hệ với Sở Mật vụ - đã khẳng định sẽ không can dự vào quá trình bầu cử. Tuy nhiên, viễn cảnh có một nhà lãnh đạo mới buộc phải trục xuất nhà lãnh đạo cũ sẽ gây ra hình ảnh xấu hổ cho nước Mỹ và quan trọng hơn là nguy hiểm cho nền dân chủ của quốc gia.

Nhưng kịch bản trên sẽ không tồi tệ như trường hợp xấu nhất trên thực tế: một cuộc khủng hoảng hiến pháp. Nếu Quốc hội không công nhận người chiến thắng, ông Trump có thể ở lại Nhà Trắng. Theo thông lệ, Quốc hội Mỹ công nhận kết quả bỏ phiếu đại cử tri 2 tuần trước ngày tổng thống mới nhậm chức. Nếu ông Trump quyết ở lại Nhà Trắng, đồng thời các vụ kiện pháp lý khiến Quốc hội trì hoãn công nhận kết quả, mọi thứ sẽ phức tạp hơn rất nhiều vì chưa từng có tiền lệ. “Nếu tổng thống từ chối nhận thua hoặc rời Nhà Trắng, sẽ không ai làm gì được cho đến khi kết quả được công bố”, một chuyên gia luật nhận định. Nói cách khác, ông Trump có thể ở lại Nhà Trắng sau ngày chuyển giao 20-1.

Tình hình sẽ phức tạp hơn nếu ông Trump đệ đơn kiện lên tới Tòa án Tối cao, nơi có 3 thẩm phán do ông đề cử. Họ có thể ra phán quyết có lợi cho ông. Nếu Tòa án Tối cao phán quyết ông Trump thắng, còn Quốc hội phán quyết ông Biden thắng, nước Mỹ sẽ lâm vào một cuộc khủng hoảng hiến pháp nghiêm trọng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, kịch bản này rất khó xảy ra.

KHẢ ANH