Bầu cử Mỹ năm 2020: Ông Trump khó có thể “lật ngược thế cờ”

Thứ hai, 16/11/2020 10:03

Truyền thông Mỹ dự báo ông Joe Biden sẽ “rộng đường” trở thành tân ông chủ Nhà Trắng, trong bối cảnh cả 50 bang đã chốt kết quả bầu cử tổng thống Mỹ 2020.

Ông Trump vui vẻ vẫy chào đám đông người biểu tình ủng hộ ông ở Washington trên đường đi đến câu lạc bộ golf tại Sterling, bang Virginia hôm 14-11. Ảnh: AP

Thẩm phán New York bác kế hoạch thu hẹp chương trình DACA

Ngày 14-11, thẩm phán liên bang tại New York Nicholas Garaufis đã bác bỏ các biện pháp hạn chế của Nhà Trắng đối với Chương trình Hành động trì hoãn trục xuất những người nhập cư trái phép vào Mỹ từ khi còn nhỏ (DACA).

Thẩm phán Garaufis cho rằng quyền Bộ trưởng An ninh nội địa Chad Wolf đã không đảm nhiệm vị trí này một cách hợp pháp khi ban bố các quy định mới cho chương trình DACA vào tháng 7 vừa qua. Theo thẩm phán Garaufis, việc bổ nhiệm quyền Bộ trưởng An ninh nội địa đã không diễn ra theo đúng trình tự. Theo đó, phán quyết của tòa sẽ ngay lập tức đình chỉ những biện pháp hạn chế mà chính quyền Tổng thống Donald Trump áp đặt đối với chương trình DACA, trong khi Chính phủ Mỹ đánh giá bước đi tiếp theo.

Năm 2017, Tổng thống Trump đã cố gắng hủy bỏ DACA, vốn bảo vệ khoảng 649.000 người nhập cư trái phép (chủ yếu sinh ra tại Mexico và các nước Mỹ Latinh) khỏi nguy cơ bị trục xuất và đủ điều kiện làm việc trong 2 năm. Tuy nhiên, đến tháng 6 vừa qua, Tòa án Tối cao Mỹ đã ra phán quyết ủng hộ DACA, cho rằng động thái hủy bỏ DACA của Tổng thống Trump là trái luật. Dù vậy, phán quyết này không ngăn cản Nhà Trắng tiếp tục tìm cách chấm dứt chương trình trên. Sau phán quyết, ông Wolf, người vẫn chưa được Thượng viện thông qua việc bổ nhiệm quyền Bộ trưởng An ninh nội địa, đã áp đặt các hạn chế mới đối với chương trình này, trong đó những người đăng ký mới sẽ không được chấp thuận, trong khi những người xin gia hạn sẽ chỉ được phép kéo dài tối đa là 1 năm, thay vì 2 năm như quy định cũ.

Ông Biden: 306 phiếu, ông Trump: 232 phiếu

Tính đến ngày 13-11 (theo giờ Mỹ), 50 bang về cơ bản đã hoàn tất quá trình kiểm phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020. Theo đó các phương tiện truyền thông dự báo ông Joe Biden của đảng Dân chủ giành được tổng cộng 306 phiếu đại cử tri, trong khi đương kim Tổng thống Donald Trump của đảng Cộng hòa có 232 phiếu.

Theo hãng tin Reuters (Anh), AFP (Pháp) và trang realclearpolitics.com, kết quả kiểm gần như 100% phiếu bầu trong cuộc bầu cử diễn ra hôm 3-11 tại North Carolina cho thấy đương kim Tổng thống Trump là người giành chiến thắng tại bang chiến trường này, qua đó có thêm được 15 phiếu đại cử tri.

Trong khi đó, Bloomberg cùng ngày đưa tin hy vọng "lật ngược thế cờ" trong cuộc bầu cử năm nay của Tổng thống Trump gần như không còn, khi kết quả kiểm hơn 99% số phiếu tại bang dao động Georgia đã mang lại chiến thắng cho ông Biden. Ông Biden giành được 49,5% số phiếu bầu tại Georgia, trong khi Tổng thống Trump có 49,2% số phiếu. Đây là một thất bại bất ngờ của ông Trump, vì từ năm 1994 tới nay, các ứng viên đảng Cộng hòa chưa bao giờ “để mất” bang chiến trường quan trọng này với 16 phiếu đại cử tri.

Cuộc chiến pháp lý không đạt kết quả mong muốn

Cho đến nay, Tổng thống Trump vẫn chưa thừa nhận thất bại, khẳng định cuộc bầu cử năm nay có gian lận và quyết theo đuổi cuộc chiến pháp lý tại một số tiểu bang. Tuy nhiên, cho đến nay, 3 bang chiến địa đã bác bỏ các vụ kiện từ chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump, khiến cuộc chiến pháp lý hậu bầu cử Mỹ của ông gặp khó.

Một tòa phúc thẩm liên bang ở Pennsylvania đã bác bỏ yêu cầu từ chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump nhằm ngăn chặn khoảng 9.300 phiếu bầu gửi qua bưu điện đến sau ngày bầu cử 3-11. Khi ra phán quyết cho phép tiếp nhận phiếu bầu gửi đến ngày 6-11, tức 3 ngày sau ngày bầu cử chính thức, các thẩm phán đã lưu ý tới “sự gián đoạn trên diện rộng” và “những thách thức chưa từng có tiền lệ” mà nước Mỹ đang phải đối mặt trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát. Thẩm phán Brooks Smith cho rằng, lệnh cấm tiếp nhận phiếu bầu sau ngày 3-11 theo yêu cầu của Tổng thống Trump đã vi phạm “nguyên tắc không thể chối cãi trong nền dân chủ của Mỹ rằng: phiếu bầu hợp lệ của mọi công dân đều phải được kiểm đếm”.

Phe Cộng hòa đã yêu cầu Tòa án Tối cao Mỹ xem xét lại quyết định này. Tuy nhiên, ngay cả khi tòa án chấp nhận yêu cầu và loại bỏ 9.300 phiếu bầu đến muộn, kết quả bầu cử ở Pennsylvania vẫn không thay đổi. Ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đang dẫn trước ông Trump khoảng 60.000 phiếu bầu trong tổng số khoảng 6,8 triệu phiếu tại bang Pennsylvania. Chỉ riêng tại Pennsylvania, chiến dịch của ông Trump và phe Cộng hòa đã nộp hơn 15 đơn kiện trong một nỗ lực nhằm giành được 20 phiếu đại cử tri, nhưng cho đến nay vẫn chưa đưa ra bằng chứng nào về cáo buộc gian lận bầu cử.

Tại bang Michigan, hôm 13-11, một thẩm phán đã bác yêu cầu của phe Cộng hòa về việc ngăn xác nhận kết quả bầu cử tại khu vực thành phố Detroit. Thẩm phán cũng bác bỏ cáo buộc cho rằng đã xảy ra gian lận ở Detroit và làm mất uy tín bầu cử. Đây là lần thứ ba một thẩm phán ở Michigan từ chối can thiệp vào việc kiểm phiếu trên toàn bang, nhằm đảo ngược chiến thắng với cách biệt hơn 140.000 phiếu của ông Biden.

Tại bang Arizona, một thẩm phán cũng bác bỏ đơn kiện từ chiến dịch của ông Trump, trong đó phe Cộng hòa muốn kiểm tra lại các phiếu bầu tại thành phố Phoenix. Tuy nhiên, chính các luật sư của ông Trump cũng thừa nhận rằng, số lượng phiếu ít ỏi mà các bên đang tranh cãi không đủ để làm thay đổi kết quả bầu cử.

Cty luật Porter Wright Morris & Arthur có trụ sở tại bang Ohio ngày 9-11 đã đại diện cho chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump đệ đơn kiện tại bang Pennsylvania nhằm khiếu nại kết quả bầu cử. Tuy nhiên, trong đêm 12-11, công ty này đột ngột rút khỏi vụ kiện và gửi thông báo tới tòa. Sự rút lui của Wright Morris trong vụ kiện tại Pennsylvania đã giáng thêm một đòn vào nỗ lực thay đổi kết quả bầu cử của Tổng thống Trump. Cty luật nổi tiếng này từng bị chỉ trích vì tham gia chiến dịch thách thức pháp lý của ông Trump.

Phản đối điều tra gian lận bầu cử

16 công tố viên liên bang kêu gọi Bộ trưởng Tư pháp Mỹ hủy lệnh điều tra cáo buộc gian lận bầu cử do yêu cầu này "phi thực tế".

"Lệnh điều tra được xây dựng và công bố mà không tham khảo các chuyên gia phi đảng phái trong lĩnh vực này tại Bộ Tư pháp. Bản ghi nhớ cuối cùng đã đẩy các công tố viên chuyên nghiệp vào vấn đề chính trị đảng phái", bức thư do nhóm 16 công tố viên gửi Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr hôm 13-11 viết.

Bộ trưởng Barr hôm 9-11 gửi bản ghi nhớ cho các công tố viên liên bang, đề nghị điều tra "những cáo buộc cụ thể" về tình trạng gian lận trong cuộc bầu cử năm nay. Yêu cầu này đi ngược với chính sách của Bộ Tư pháp Mỹ, bởi cơ quan này quy định "không tiến hành các cuộc điều tra công khai, cho đến khi xác nhận kết quả bầu cử bị ảnh hưởng bởi gian lận". "Chúng tôi kêu gọi ngài hủy bỏ bản ghi nhớ", các công tố viên viết trong thư với dòng chữ được in đậm.

Nhóm công tố viên thuộc 15 trong 44 khu vực pháp lý được Cục Dân quyền của Bộ Tư pháp Mỹ lựa chọn để giám sát cuộc bầu cử hôm 3-11. Trong thư, họ cho biết không tìm thấy bằng chứng nào về điểm bất thường "có khả năng tác động đến kết quả bầu cử liên bang" tại những địa phương mình phụ trách. Do đó, họ không thể thực hiện yêu cầu trong bản ghi nhớ.

AN BÌNH