Bầu cử ở Venezuela: Cuộc đọ sức giữa ông Maduro với Mỹ

Thứ hai, 21/05/2018 12:31

Bầu cử lần này ở Venezuela được xem là cuộc chạy đua giữa đương kim Tổng thống Nicolas Maduro và “phe thân Mỹ” trong bối cảnh Nhà Trắng liên tục tung sức ép nhằm vào Caracas.

Binh sĩ và người dân Venezuela xếp hàng chờ bỏ phiếu. Ảnh: Reuters

Venezuela ngày 20-5 bắt đầu cho cuộc bầu cử tổng thống quan trọng, trong đó, nhà lãnh đạo đương nhiệm Nicolas Maduro dự kiến sẽ dễ dàng giành chiến thắng, bất chấp sự tẩy chay của phe đối lập chính thống. Các điểm bầu cử trên khắp Venezuela mở cửa vào lúc 6 giờ (giờ địa phương).

An ninh được thắt chặt tuyệt đối tại Venezuela. Hơn 300.000 quân được triển khai. Từ tối 18-5, Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela Vladimir Padrino Lopez ban hành sắc lệnh đóng tất cả các cửa khẩu biên giới trên bộ của quốc gia Nam Mỹ này. Sắc lệnh này, có hiệu lực đến chiều 21-5 và  là một trong hàng loạt biện pháp an ninh mà Caracas triển khai trong tuần này để đảm bảo không xảy ra các sự việc đáng tiếc.

Thách thức từ ông Trump…

Venezuela buộc phải chú trọng cho công tác an ninh do hàng loạt các hành động mang tính cô lập và tuyên bố mang tính can thiệp của các chính phủ theo đường lối cánh hữu trong khu vực, đứng đầu là Mỹ.

Trước thềm sự kiện lịch sử này, Caracas cáo buộc Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào nhiều quan chức hàng đầu trong chính quyền Caracas để phá hoại cuộc bầu cử. Trong một tuyên bố, chính quyền Tổng thống Maduro gọi các biện pháp trừng phạt mới một phần trong “chiến dịch gây hấn có hệ thống” của chính quyền Tổng thống Donald Trump và không có cơ sở pháp lý. Cùng với biện pháp trừng phạt mới, Washington cũng tiếp tục tăng cường sức ép lên chính phủ của ông Maduro khi cáo buộc vị tổng thống này thu lợi từ hoạt động buôn lậu ma túy.

Thực tế, bầu cử lần này ở Venezuela được xem là cuộc chạy đua giữa đương kim Tổng thống Maduro và “phe thân Mỹ” trong bối cảnh Nhà Trắng liên tục tung sức ép nhằm vào Caracas. Ông Maduro - lãnh đạo đảng Xã hội cầm quyền - đối mặt với hai ứng viên: Javier Bertucci của liên minh Hy vọng vì Thay đổi và cựu Thống đốc bang Lara Henri Falcon – đại diện cho hai chính đảng là Tiến bộ cải cách (AP) và Phong trào Chủ nghĩa xã hội (MAS).

Hai đối thủ của ông Maduro đều có khuynh hướng thân Mỹ. Trong tuyên bố tranh cử, ông Bertucci nhấn mạnh sẽ xóa bỏ Căn cước ái quốc (thẻ căn cước có kèm mã QR để biết tình trạng kinh tế - xã hội của chủ thẻ để hưởng những quyền lợi từ các Sứ mệnh xã hội do chính phủ thúc đẩy) và chấp nhận viện trợ nhân đạo của Mỹ. Trong khi ông Falcon khẳng định nếu được bầu sẽ USD hóa nền kinh tế và gặp gỡ với Tổng thống Trump.

…và ở trong nước

Theo thăm dò mới nhất, Tổng thống Maduro sẽ dễ dàng tái đắc cử. Đối với câu hỏi dự báo về kết quả bầu cử, 71% số người được hỏi cho rằng, đương kim Tổng thống Maduro sẽ đắc cử, 17% chọn lựa cựu Thống đốc bang Falcon trong khi ông Javier Bertucci, 48 tuổi, chỉ được 8% dự báo chiến thắng.

Tuy nhiên, thách thức trên vai nhà lãnh đạo tương lai của Venezuela sẽ rất lớn. Nền kinh tế nước này đang quay cuồng trong một cuộc khủng hoảng tàn khốc. Mặc dù đang nắm giữ lượng dự trữ dầu lớn nhất thế giới, nước này đang phải đối mặt với sự hủy hoại, trong đó Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, nền kinh tế đã giảm 45%GDP kể từ khi ông Maduro lên nắm quyền vào năm 2013. Tình trạng lạm phát, thiếu lương thực và thuốc men trở nên nghiêm trọng. Tội phạm gia tăng. Hệ thống nước, mạng lưới điện và giao thông trì trệ gây ra sự bất mãn ngày càng tăng và làm bùng nổ tình trạng bất ổn bạo lực ở Venezuela.

Nhiều người cho rằng, lý do chính dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng của Venezuela là do giá dầu thô giảm vì nước này đã quá ỷ lại vào hoạt động khai thác và xuất khẩu dầu thô, vốn chiếm đến 80% thu nhập của nền kinh tế đất nước.

KHẢ ANH