Bầu cử Thống đốc Jakarta - Phép thử tôn giáo ở Indonesia

Thứ năm, 16/02/2017 09:09

(Cadn.com.vn) - Ngày 15-2, người dân thủ đô Jakarta của Indonesia đi bầu thống đốc mới, trong bối cảnh thống đốc đương nhiệm theo Thiên chúa giáo Basuki Tjahaja Purnama đang vướng vào một vụ xét xử gây tranh cãi về tội báng bổ đạo Hồi. Cuộc đua giữa ông Purnama và hai đối thủ Hồi giáo đặt ra câu hỏi về việc liệu Indonesia, quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới, sẽ vẫn là một xã hội Hồi giáo ôn hòa. Kết quả bầu cử thậm chí có thể xác định ai sẽ là tổng thống tiếp theo của Indonesia trong cuộc bầu cử năm 2019.

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo thủ

Indonesia là nhà của hơn 200 triệu người Hồi giáo - chiếm khoảng 87% dân số nước này. Nhưng Indonesia nhìn chung là đất nước ôn hòa, khoan dung đối với các tôn giáo khác. "Nền chính trị Hồi giáo của Indonesia khác với Trung Đông, chẳng hạn như các nhà lãnh đạo phi Hồi giáo có thể lãnh đạo đa số người Hồi giáo, hôn nhân giữa tôn giáo này với tôn giáo khác được chấp nhận", nhà nghiên cứu Tobias Basuki thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược Indonesia cho biết. Tuy nhiên theo các chuyên gia, trong những năm gần đây, Indonesia đang ngày càng trở nên bảo thủ hơn.

Ông Purnama vừa là người theo đạo Cơ đốc và là người gốc Hoa, những đặc điểm khiến ông gặp trở ngại trong chiến dịch tranh cử. Ông cũng đang bị xét xử vì tội phỉ báng đạo Hồi, sau khi cáo buộc các đối thủ sử dụng kinh Koran để lừa dối cử tri. Cáo buộc này đang khiến ông gặp rắc rối trong suốt thời gian qua khi cùng lúc phải đối phó với các cuộc biểu tình lan rộng và cuộc chiến pháp lý tại tòa án. Trong lần xét xử hồi tháng 12-2016, ông Purnama phủ nhận tội danh, cho rằng bình luận của ông chỉ nhằm vào các nhà chính trị đã sử dụng kinh Koran để chống lại ông. "Rõ ràng rằng ông bị buộc tội báng bổ vì lý do chính trị", Phó giáo sư Greg Fealy chuyên về các vấn đề Châu Á-Thái Bình Dương của Đại học Quốc gia Australia cho biết. Theo ông Fealy, nếu ông Purnama thua trong cuộc bầu cử, các đảng chính trị của Indonesia sau này sẽ ít khả năng có các ứng viên đến từ dân tộc và tôn giáo thiểu số.

Ông Purnama cùng vợ và con đi bỏ phiếu ở Jakarta. Ảnh: AFP

Quyết định vị trí tổng thống tương lai

Chiến dịch tranh cử khốc liệt chống lại ông Purnama còn nhắm đến mục tiêu khác là Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Năm 2014, ông Widodo sử dụng vị trí thống đốc Jakarta làm bệ phóng chính trị và đã trở thành tổng thống chỉ sau 2 năm làm thống đốc. "Thống đốc Jakarta được xem là bước đệm để trở thành Tổng thống", ông Basuki nhận định. Ông Purnama là đồng minh lâu năm của ông Widodo và là bạn đồng hành của nhà lãnh đạo Indonesia trong cuộc bầu cử thống đốc Jakarta năm 2012. Sau đó, ông Purnama trở thành cấp phó của ông Widodo khi ông làm thống đốc Jakarta giai đoạn năm 2012-2014. Ứng viên nào giành được vị trí thống đốc Jakarta sẽ có nền tảng vững chắc có thể thách thức ông Widodo trong cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2019.

Cựu Trung tướng Prabowo Subianto là đối thủ chính của ông Widodo trong cuộc bầu cử năm 2014 và dự kiến sẽ tranh cử một lần nữa vào năm 2019. "Nếu thống đốc Jakarta đến từ phe đối lập, điều đó sẽ cản trở ông Widodo không chỉ trong cuộc bầu cử năm 2019 mà còn sau đó", ông Basuki cho biết.

Vòng hai

Cạnh tranh với ông Purnama trong cuộc chạy đua thống đốc Jakarta năm nay là 2 đối thủ: ông Susilo Bambang Yudhoyono, 38 tuổi, một cựu quan chức quân đội và là con trai của cựu Tổng thống Bambang Yudhoyono và cựu Bộ trưởng Giáo dục Anies Baswedan, 47 tuổi.

Theo kết quả kiểm nhanh 40% số phiếu của Cty bỏ phiếu SMRC, ông Purnama giành 42,57% số phiếu, dẫn trước ông Baswedan (40,23%), trong khi ông Yudhoyono về thứ ba với 17%. Nhiều khả năng, bầu cử thị trưởng tại Jakarta sẽ phải trải qua vòng 2 bởi không có ứng cử viên nào giành đủ 50% số phiếu cần thiết. Kết quả chính thức được công bố từ ngày 8 đến 10-3. Vòng 2 sẽ diễn ra vào tháng 5 tới.

An Bình
(Theo CNN)