Bầu cử Tổng thống Ai Cập: Chiến thắng “không mong muốn”

Thứ sáu, 30/05/2014 12:01

(Cadn.com.vn) - Một chặng đường gian nan đang chờ đợi vị cựu Bộ trưởng Quốc phòng Abdel-Fattah Al-Sisi khi ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống bước ngoặt ở Ai Cập.

Báo Time dẫn kết quả sơ bộ do nhật báo nhà nước Ai Cập Al-Ahram công bố cho biết, ông Sisi giành được 95% số phiếu bầu trong khi chính trị gia cánh tả Hamdeen Sabahi chỉ giành đuợc 5%. Con số kỷ lục này mang về cho ông Sisi một chiến thắng được gọi là “long trời lở đất”. Tuy nhiên, số cử tri đi bầu thấp - chỉ khoảng 30% - làm xói mòn hình ảnh vị cứu tinh của quân đội và phủ bóng lên chặng đường mà vị cựu tướng này háo hức tìm kiếm.

Bầu cử được tổ chức vào thời điểm gần đánh dấu 1 năm đảo chính lật đổ Tổng thống đầu tiên được dân bầu cử Mohamed Morsi và trong bối cảnh Ai Cập đang bế tắc nghiêm trọng. Cựu tướng Sisi tranh cử với niềm tin chiến thắng rất lớn nhưng cũng cần có nhiều cử tri đi bỏ phiếu để thể hiện một sự ủng hộ mang tính quyết định. Và số cử tri đi bầu thấp phủ bóng đen lên ánh hào quang chiến thắng của ông Sisi, người lật đổ tổng thống Morsi và là người điều hành đất nước trong suốt hơn 10 tháng kể từ khi đảo chính.

Tỷ lệ cử tri đi bầu cử thấp đang phủ bóng đen lên ánh hào quang chiến thắng của ông Sisi.  Ảnh: Reuters

Có lẽ, điều tồi tệ hơn cho ông Sisi, về mặt chính trị, là quyết định kéo dài bầu cử sang ngày thứ 3 do lo ngại về khả năng tỷ lệ cử tri đi bầu thấp. Động thái này chỉ càng cho thấy sự trống rỗng đáng sợ của rất nhiều địa điểm bỏ phiếu trên toàn quốc, và quan trọng hơn là phô bày một xã hội đang bị chia rẽ sâu sắc. Sự chia rẽ này càng nhắc nhở ông Sisi về “bóng ma đảo chính” sau khi Tổng thống Hồi giáo Morsi nắm quyền với những chính sách “quá mạnh bạo”. Nhưng căng thẳng tăng cao sau đó là do các cuộc đàn áp mà ông Sisi nhằm vào  những người ủng hộ ông Morsi trong Tổ chức Anh em Hồi giáo (MBO).

Một cuộc thăm dò ý kiến hiếm hoi mới công bố cho thấy, chỉ có 54% người dân Ai Cập ủng hộ ông Sisi - tỷ lệ ngang bằng với người bị lật đổ, Morsi chỉ một năm trước đó. Con số này cho thấy, MBO vẫn còn nhận được sự ủng hộ đáng kể - 38% - mặc dù bị chính phủ lâm thời của ông Sisi liệt vào danh sách khủng bố vào tháng 12-2013. Và giờ đây, “tính hợp pháp” là cái mà người ta nhắc đến khi nói về chiến thắng của ông Sisi. “Tôi không chắc chắn chúng tôi đang tìm kiếm gì ở ông Sisi, một anh hùng mới hay vị vua mới?”, Ali Desoke, chủ sở hữu cửa hàng bánh sandwich ở Cairo khiêm tốn cho biết.

Nhưng liệu người dân muốn Ai Cập có nền dân chủ rõ ràng hay một chính phủ ổn định mà không có dân chủ đầy đủ? Không giống như một năm trước đây, 54% người dân cho rằng, chính phủ ổn định là quan trọng hơn. Đó dường như là những gì mà ông Sisi cho họ. Mặc dù là “người bảo vệ” cuộc cách mạng năm 2011 vốn đánh dấu kết thúc 3 thập kỷ cai trị của Tổng thống Hosni Mubarak, ông Sisi sau đó cấm các cuộc biểu tình công cộng, giết chết 1.000 người ủng hộ MBO và bắt giữ hơn 20.000 người, trong đó có các nhà báo nổi tiếng.

“Tôi đã bỏ phiếu ngày hôm nay vì tôi muốn cảm thấy an toàn”, Ahlam Ali Mohamed, một bà nội trợ 47 tuổi ở Alexandria, người bỏ phiếu cho Sisi, nói với Reuters.  Chiến dịch tranh cử của ông Sisi cũng đã tập trung theo mong muốn  này. “Nếu cảnh sát, người dân, tòa án và chính phủ không hợp tác chặt chẽ, Ai Cập sẽ gặp nguy hiểm”, Hazem Abdel Azim, một quan chức cấp cao của ông Sisi từng nói.

Tuy nhiên, có lẽ, người dân cảm thấy quá mệt mỏi với những khẩu hiệu kêu gọi thay đổi song không nhận được những gì họ muốn. Thật sự, tỷ lệ người dân không hài lòng với chính phủ Ai Cập lên đến 72%, cao hơn so với thời điểm cuộc cách mạng năm 2011. Và con số này cho thấy, sẽ có nhiều bất ngờ đến với quốc gia của những Pharaon này.

Khả Anh