Bầu cử Tổng thống Iran: Cuộc bầu cử mang tính bước ngoặt
Ngày 18-6, hàng triệu cử tri Iran đã đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống lần thứ 13 của nước này. Đây được cho là cuộc bầu cử mang tính bước ngoặt bởi việc ai trở thành tổng thống mới của Iran sẽ ít nhiều tác động tới cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ và phương Tây cũng như đường lối chính sách kinh tế của Iran trong thời gian tới.
Cử tri Iran đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống lần thứ 13 của nước này. Ảnh: AP |
Cuộc bỏ phiếu diễn ra từ 7 giờ sáng cho đến nửa đêm theo giờ địa phương tại 66.800 điểm bỏ phiếu ở tất cả 31 tỉnh của Iran cũng như ở 133 quốc gia trên thế giới. Theo thống kê của Bộ Nội vụ Iran hơn 59 triệu người Iran đủ điều kiện đi bỏ phiếu, trong đó 1,3 triệu người là cử tri lần đầu đi bầu cử và 3,5 triệu cử tri ở nước ngoài.
Phát biểu sau khi bỏ phiếu tại thủ đô Tehran, lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei nhấn mạnh: “Từng lá phiếu sẽ được kiểm. Hãy đến bỏ phiếu và lựa chọn tổng thống của các bạn. Điều này là quan trọng đối với tương lai của đất nước chúng ta”.
Ai là ứng cử viên sáng giá?
Trước ngày bỏ phiếu, 3 trong số 7 ứng cử viên đã rút lui khỏi danh sách tranh cử để dồn phiếu ủng hộ cho các ứng cử viên còn lại. Như vậy, cuộc chạy đua cho vị trí Tổng thống hiện chỉ diễn ra giữa 4 ứng cử viên, bao gồm 3 ứng cử viên theo đường lối cứng rắn: ông Ibrahim Raisi - Bộ trưởng Tư pháp, ông Mohsen Rezaei - Thư ký của Hội đồng phân xử khẩn cấp và nguyên Tổng Tư lệnh lực lượng Vệ binh cách mạng hồi giáo Iran, ông Amir Hossein Qazizadeh Hashemi - cựu Phó Chủ tịch Quốc hội; và một ứng cử viên theo đường lối cải cách ôn hòa là cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Iran Abdolnasser Hemmati.
Theo các cuộc thăm dò dư luận, ông Ibrahim Raisi được cho là sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử với tỷ lệ cách biệt. Theo số liệu thăm dò dư luận mới nhất được Trung tâm thăm dò dư luận sinh viên Iran (ESPA) có uy tín thực hiện, cho thấy ứng cử viên Ibrahim Raisi nhận được tới 63,7% ý kiến ủng hộ từ những người tham gia cuộc thăm dò, tuy nhiên chỉ có 42% trong tổng số 59 triệu cử tri đủ điều kiện của đất nước sẽ đi bỏ phiếu. Trong trường hợp không có ứng cử viên nào đạt được đa số tuyệt đối, hai ứng cử viên nhận được số phiếu cao nhất trong vòng đầu tiên sẽ bước vào vòng bỏ phiếu thứ hai được tổ chức vào ngày 25-6 tới.
Nhiệm vụ lớn lao
Nhiệm vụ trọng tâm và hết sức khó khăn của người kế nhiệm Tổng thống Hassan Rouhani là vực dậy nền kinh tế vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Cuộc bầu cử Tổng thống Iran diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế nước này đã rơi vào suy thoái nghiêm trọng trong những năm qua do sức tàn phá của các lệnh trừng phạt mà Washington áp đặt đối với Tehran vào năm 2018, sau khi cựu Tổng thống Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân (JCPOA). Kinh tế Iran đã liên tiếp ghi nhận các thông tin tiêu cực, với tốc độ tăng trưởng giảm 6,8% trong năm 2018-2019 và giảm 6% vào năm 2020. Lạm phát đã tăng vọt và luôn đứng ở mức trên 45%, trong khi đồng nội tệ Rial suy yếu mạnh so với đồng USD. Tỷ lệ thất nghiệp vào khoảng 11,2%. Sản lượng khai thác dầu thô của Iran giảm mạnh từ 3,9 triệu thùng/ngày ở thời điểm Mỹ chưa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran xuống còn 2,3 triệu thùng/ngày hiện nay. Xuất khẩu dầu thô cũng giảm sâu từ hơn 2 triệu thùng/ngày xuống khoảng 650 nghìn thùng/ngày.
Bên cạnh các lệnh trừng phạt của Mỹ, Iran cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19. Iran ghi nhận số ca tử vong cao nhất ở Trung Đông, đồng thời các hạn chế áp đặt liên quan đến đại dịch đã làm gia tăng khó khăn kinh tế của nước này. Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn và thách thức, cuộc bầu cử Tổng thống Iran năm 2021 được kỳ vọng sẽ mang lại luồng sinh khí mới, giúp vực dậy nền kinh tế vốn đã điêu đứng do các lệnh trừng phạt quốc tế.
Về khả năng hồi sinh JCPOA, việc một tổng thống theo đường lối cứng rắn của Iran lên nắm quyền sẽ ảnh hưởng nhất định đến cách thức tiếp cận đàm phán của Iran, nhất là trong trường hợp nước này bổ nhiệm một Ngoại trưởng mới có quan điểm cứng rắn. Trong khi triển vọng phục hồi JCPOA vẫn chưa chắc chắn, thì cơ hội để các nhóm đàm phán phương Tây thuyết phục Iran tiến tới một thỏa thuận hạt nhân có hiệu lực dài hơn và mở rộng sang các vấn đề khác (sẽ giảm đi đáng kể).
AN BÌNH