Bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020: Lời cảnh báo từ ông Biden về Covid-19

Thứ tư, 18/11/2020 08:00

Ông Joe Biden cảnh báo sẽ có thêm nhiều người bị thiệt mạng do đại dịch Covid-19 nếu như chính quyền Tổng thống Trump không bắt đầu tiến hành quá trình chuyển giao quyền lực một cách suôn sẻ.

Ông Joe Biden phát biểu với báo giới về những nỗ lực đối phó với dịch Covid-19 tại Wilmington, Delaware, hôm 9-11. Ảnh: VOA

Ông Joe Biden sắp nhận báo cáo an ninh quốc gia đầu tiên

Ông Joe Biden, người được các hãng truyền thông dự báo giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm nay, sẽ được báo cáo vắn tắt các vấn đề an ninh quốc gia vào ngày 17-11 (giờ Mỹ).

Đài Sputnik dẫn thông báo trên cho hay: “Ngày 17-11, ông Joe Biden sẽ nghe báo cáo về an ninh quốc gia tại Wilmington, Delaware. Bà Kamala Harris cũng sẽ tham dự”. Hiện chưa rõ ai là người tổ chức cuộc họp và liệu có bất cứ thành viên nào trong Chính quyền Tổng thống Donald Trump tham gia hay không.

Ngày 16-11, cựu Phó Tổng thống Joe Biden, người được truyền thông tuyên bố chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng 2020, cảnh báo sẽ có thêm nhiều người bị thiệt mạng do đại dịch Covid-19 nếu như chính quyền Tổng thống Trump không bắt đầu tiến hành quá trình chuyển giao quyền lực một cách suôn sẻ.

Trả lời phóng viên báo chí sau bài phát biểu của ông về kế hoạch kinh tế tại Wilmington, Delaware, ông Joe Biden cho biết: “Số người chết có thể nhiều hơn nếu chúng tôi không phối hợp”, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết đối với nhóm chuyển giao quyền lực của ông trong việc tiếp cận được kế hoạch phân phối vaccine chống virus SARS-CoV-2 trong tương lai của chính quyền Tổng thống Trump.

Ông Biden cho rằng nếu nhóm của ông phải đợi cho tới ngày 20-1 để bắt đầu lập kế hoạch trên thì sẽ khiến tiến độ bị chậm hơn một tháng hoặc một tháng rưỡi. Chính vì vậy, điều quan trọng là phải thực hiện kế hoạch phân phối cũng như phải có sự phối hợp ngay từ bây giờ.

Covid-19 lan nhanh chưa từng thấy

Phát biểu trên của ông Biden được đưa ra trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới đang càn quét khắp nước Mỹ với tốc độ nhanh chưa từng thấy kể từ khi đại dịch bùng phát. Bắt đầu từ tuần này, nhiều bang, thành phố đã áp đặt các lệnh phong tỏa và giới hạn mới sau khi trải qua một tuần có tới hơn 1 triệu ca nhiễm.

Trong bối cảnh hai loại vaccine Covid-19 triển vọng nhất, gồm hai ứng cử viên vaccine của Pfizer và Moderna – được chứng minh có hiệu quả trên 90% - phải mất vài tháng nữa mới có thể được lưu hành rộng rãi, các thống đốc và thị trưởng trên khắp nước Mỹ đang khẩn trương áp dụng những quy định siết chặt dựa trên tình hình riêng mà không xét đến những hướng dẫn từ Washington D.C.

Tại Chicago (thủ phủ bang Illinois), yêu cầu “ở tại nhà” nhằm ngăn ngừa virus lây lan mạnh bắt đầu có hiệu lực từ ngày 16-11 (giờ địa phương). Tại Philadelphia (bang Pennsylvania), các lệnh hạn chế mới được công bố vào cuối ngày 16-11 khi số ca nhiễm mới tại đây tăng vọt. Tại bang New York, Thị trưởng New York City Bill de Blasio cho biết các trường học công lập hiện tại vẫn mở cửa nhưng một khi tỷ lệ xét nghiệm dương tính vượt quá 3%, ông sẽ buộc đóng cửa hệ thống trường công lập và nối lại hoạt động học tập từ xa. Hiện tại tỷ lệ xét nghiệm dương tính tại New York City đã ngấp nghé ngưỡng 3% này.

Dịp cuối tuần vừa qua, các thống đốc một loạt bang vùng Đông Bắc Mỹ, vốn chịu ảnh hưởng từ sớm của đại dịch, đã tổ chức hội nghị cấp cao nhằm thảo luận về dịch bệnh, đặc biệt là về tình trạng các cuộc gặp gỡ riêng tư đang đổ thêm dầu vào đà lây lan của virus, đẩy tỷ lệ nhập viện tăng cao trở lại. Thống đốc bang New Jersey Phil Murphy hôm 16-11 đã phải kêu lên trên chương trình “Morning Joe” của kênh MSNBC: “Làm ơn, Chúa ơi, đừng lên tới mức mà chúng ta đã chứng kiến hồi mùa Xuân”. “Chúng tôi cầu xin mọi người hãy nhớ trách nhiệm cá nhân của mình, đặc biệt là khi tham gia các cuộc gặp gỡ riêng tư”, ông Murphy kêu gọi.

Ông Trump chuẩn bị hành động quyết đoán

Ngày 16-11, truyền thông Mỹ đưa tin, Tổng thống Trump sẽ chính thức ban hành lệnh rút thêm binh sĩ Mỹ khỏi Afghanistan và Iraq ngay trong tuần này.

Theo truyền thông, Lầu Năm Góc đã gửi thông báo yêu cầu các chỉ huy lực lượng Mỹ ở Afghanistan và Iraq bắt đầu lên kế hoạch giảm quân số mỗi nơi xuống còn 2.500 vào giữa tháng 1-2021. Quy mô quân số này từng được Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien đề cập trong phát biểu đưa ra hồi tháng trước. Hiện Mỹ có khoảng 4.500 binh sĩ đồn trú tại Afghanistan và 3.000 binh sĩ tại Iraq.

Phản ứng về thông tin này, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell cảnh báo, kế hoạch của Tổng thống Trump đẩy nhanh việc rút quân khỏi Afghanistan và Iraq sẽ trao cho các phần tử cực đoan một “chiến thắng lớn mang tính tuyên truyền”. Ông McConnell cho rằng, kế hoạch này sẽ tạo điều kiện cho lực lượng Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan, cũng như IS và mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda hoạt động trở lại.

“Chuyển giao chuyên nghiệp”

Hôm 16-11, ông Robert OBrien, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Donald Trump, cho biết sẽ có một “sự chuyển giao chuyên nghiệp” sang chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden, mặc dù ông Trump từ chối thừa nhận rằng ông đã thua cuộc trong cuộc bầu cử vừa qua.

Tại Diễn đàn An ninh toàn cầu, ông OBrien để ngỏ khả năng Tổng thống Trump vẫn có thể giành chiến thắng trong nhiệm kỳ thứ hai nếu các tòa án xác định có gian lận trên diện rộng. Tuy nhiên, ông OBrien cho biết hiện tại có vẻ rõ ràng rằng ông Biden và liên danh Kamala Harris đã chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua và nên cho họ thời gian để hoàn thiện chính sách và đội ngũ bộ máy của mình. Ông O'Brien nói: "Nếu vé liên danh tranh cử Biden-Harris được xác định là người chiến thắng - và rõ ràng là mọi thứ đang diễn ra theo hướng đó - chúng tôi sẽ có một quá trình chuyển đổi rất chuyên nghiệp ở Hội đồng An ninh Quốc gia". Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ đã cẩn thận lưu ý trong suốt sự kiện trên rằng quá trình chuyển đổi sẽ chỉ diễn ra "nếu các vụ kiện hiện tại không có lợi cho tổng thống Mỹ".

Cơ quan Quản lý Dịch vụ tổng hợp (GSA) cho đến nay vẫn từ chối tuyên bố rằng ông Biden đã thắng cử mặc dù ông được dự đoán sẽ giành chiến thắng với tỷ lệ thuận lợi trong cử tri đoàn. Tuy nhiên, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump liên tiếp phủ nhận kết quả bỏ phiếu, đồng thời cáo buộc hệ thống bầu cử đã bị xâm phạm.  Ban chiến dịch của Tổng thống Trump đang thúc đẩy các cuộc chiến pháp lý về vấn đề gian lận phiếu bầu tại một số bang quan trọng, trong đó ông chủ Nhà Trắng cáo buộc rằng cuộc bầu cử "đã bị đánh cắp thông qua tham nhũng và gian lận".

Một số chuyên gia pháp lý nhận định rằng những thách thức pháp lý của ông Trump sẽ không làm thay đổi đáng kể kết quả bầu cử. Tuy nhiên, việc ông Trump từ chối nhượng bộ đã làm trì hoãn các nỗ lực chuyển giao quyền lực của ông Biden.

Văn phòng Giám đốc tình báo quốc gia (DNI) đang chờ GSA xác định ông Biden là người chiến thắng trước khi đưa ra các cuộc họp giao ban về an ninh quốc gia do tổng thống đắc cử chủ trì. Nhiều thành viên đảng Dân chủ và thậm chí cả một số thành viên đảng Cộng hòa đang cảnh báo rằng việc từ chối cho ông Biden tiếp cận thông tin tình báo của chính phủ đang khiến an ninh quốc gia Mỹ gặp nguy hiểm.

AN BÌNH