"Báu vật" Tây Nguyên đang bị đe dọa
(Cadn.com.vn) - Từ muôn đời nay, ngôi nhà rông truyền thống chính là nơi sinh hoạt chung cho cộng đồng người dân các buôn làng Ba Na, Xơ Đăng vùng Bắc Tây Nguyên và được xem như "báu vật" của đại ngàn. Thế nhưng, trải qua biến cố của thời gian, những áp lực thiên tai và nhân tai, "báu vật" vô giá ấy đã và đang dần mất đi, để lại bao nuối tiếc...
Nhà rông Kon Sơ Lăl trước khi bị cháy. |
Tiếc ngôi làng đẹp nhất Tây Nguyên
Tọa lạc dưới chân núi Chư Păh (xã Hà Tây, H. Chư Păh, tỉnh Gia Lai) - Kon Sơ Lăl là ngôi làng được nhiều chuyên gia văn hóa đánh giá đẹp nhất Tây Nguyên. Đây cũng là nơi định cư lâu đời nhất của cộng đồng người Ba Na giữa đại ngàn hùng vĩ. Bên cạnh sự hiện diện của ngôi nhà rông bề thế là gần 60 căn nhà sàn cổ vây quanh, tạo nên bức tranh tuyệt mỹ, không gian xanh hài hòa, thân thiện, đoàn kết. Tiếc thay, giữa năm 2015, một trận giông lốc kèm theo sét lớn giáng xuống ngôi làng đã thiêu rụi căn nhà rông và gần 20 ngôi nhà cổ khác...
Theo lời già làng Chưng thì lịch sử hình thành ngôi làng này chất chứa rất nhiều điều thú vị. Những năm 60 của thế kỷ trước, khi chọn chân núi Chư Păh dựng làng, thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, cả làng phải tổ chức đi khắp các núi đồi trong vùng như Sơ Lăng, Đăk Blu, Tur Bơ Ngang hay suối Mẽ Not, Ơ Drang để tìm những vật liệu cột, kèo gỗ quý, dây mây già, tranh, tre, nứa mang về. Khi đã có đủ vật liệu, những bậc cao niên và thanh niên trai tráng trong làng phải bỏ công nửa năm ròng cất dựng mới hoàn thành nhà rông. Tiếp đến, từng hộ gia đình dựng nên những ngôi nhà riêng của mình. Và mỗi căn nhà đều thiết kế bằng những loại gỗ quý hiếm, có giá hàng tỷ đồng mỗi mét khối. Năm 2002, thực hiện chủ trương của Nhà nước, ngôi làng phải chuyển về làng tái định cư mới ở khu vực gần đó, song dân làng đã họp và quyết định không tháo dỡ những ngôi nhà gỗ quý, mà bảo tồn nguyên vẹn, đồng thời cử người túc trực trông coi. Từ đó, ngôi làng trở thành điểm đến thú vị với những người yêu không gian văn hóa truyền thống, nhất là cánh nhà báo, nhiếp ảnh gia, nhà thơ, nhạc sĩ cho đến ngày trận thiên tai giáng xuống khiến ngôi làng bị cháy rụi... Gặp lại chúng tôi trong chuyến công tác tới làng mới đây, cụ Pheng (70 tuổi) vẫn nguyên nỗi tiếc nuối hằn trên khuôn mặt nhiều nếp nhăn. Cụ bảo, từ khi làng cháy, vài ngày cụ lại lội bộ hơn 3 km từ làng mới về đây, ngồi thẫn thờ nhìn căn nhà mình đã gắn bó gần trọn cuộc đời. "Khi Nhà nước quyết định di dời làng, nhiều người từng đến gặng hỏi tôi bán mấy cây cột nhà làm bằng gỗ trắc với giá cả trăm triệu đồng nhưng tôi không bán vì gia đình đã quyết định cùng dân làng giữ lại nguyên bản ngôi làng. Ai dè, trời không cho bà con mình giữ làng cũ. Giờ thì cháy hết rồi, tiếc lắm con ạ"- cụ Pheng sụt sùi. Cùng với cụ Pheng, già làng Chưng cũng hay lặn lội về ngôi nhà của mình may mắn không vị cháy, ngồi trước cửa đánh đàn Goong, hát những bài dân ca buồn não lòng. Từng sống ở đây hơn 80 mùa rẫy, già dự định sẽ lui tới sống nốt những ngày còn lại của cuộc đời trong ngôi làng truyền thống, ngày ngày buồn vui cùng cây đàn Goong, nhưng từ khi Nhà rông đã cháy, dân làng cũng đang tháo dỡ những ngôi nhà còn lại chuyển sang làng mới. "Dân làng lần lượt dỡ đi, mình cũng phải dỡ đi thôi con ạ. Chứ muốn ở lại đây một mình cũng không được nữa rồi" - già Chưng rầu rĩ...
Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Nguyễn Linh Vinh Quốc tiếc nuối khi Tây Nguyên mất đi một báu vật. |
Áp lực thiên tai, nhân tai
Suốt một năm qua, câu chuyện ngôi làng Kon Sơ Lăl đẹp như tranh vẽ bị sét đánh cháy luôn khiến những người yêu không gian văn hóa truyền thống nuối tiếc. Với họ, Tây Nguyên đã mất đi một báu vật. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Linh Vinh Quốc - người gắn bó sự nghiệp với ngôi làng Kon Sơ Lăl cả chục năm nói rằng, ông từng đi khắp các buôn làng Tây Nguyên, nhưng làng còn nguyên bản thì chỉ có làng Kon Sơ Lăl. Khi nghe tin làng bị sét đánh cháy, ông bàng hoàng rơi nước mắt, tiếc nuối cho Tây Nguyên mất đi báu vật. Ông kể: Khi xảy ra hỏa hoạn, người dân làng Kon Sơ Lăl đã chuyển toàn bộ hơn 10 cột gỗ trắc cháy nham nhở của Nhà rông về làng mới. Trước đó, khi chưa có sự cố, rất nhiều người đến dụ dỗ dân làng bán số cột gỗ trắc này với giá hàng tỷ đồng nhưng dân làng quyết không đồng ý. Nay cháy rồi, cũng có vài người hỏi mua nhưng chỉ trả vài chục triệu đồng. Dân làng tiếc lắm, nhưng theo quan niệm của người Ba Na, không bao giờ dùng lại gỗ đã bị sét đánh cháy nên nếu có ai trả giá cao, dân làng sẽ họp bàn, quyết định.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay những ngôi nhà sàn ở làng Kon Sơ Lăl may mắn không bị cháy đang được người dân dỡ bỏ để chuyển dần về làng mới do không còn người bảo vệ. Phó trưởng làng Kon Sơ Lăl-ông Duy cho hay, gỗ làm nhà của bàn con toàn là gỗ trắc quý hiếm, nên luôn là tầm ngắm của kẻ gian. Vì vậy từ nay đến cuối năm, những ngôi nhà còn lại phải tháo dỡ, vận chuyển đi hết. Cách đây vài tháng, do phải đi rẫy trồng màu, người trông coi lại mỏng nên có nhà đã bị trộm mấy cái cột rồi. "Chúng tôi cũng muốn giữ lại những ngôi nhà sàn cổ ở đây lắm, song do áp lực thiên tai và nhân tai, nay đành dỡ hết chuyển về nơi mới. Mà không chỉ làng của chúng tôi đâu, hiện nay việc bảo tồn và giữ gìn những ngôi nhà rông truyền thống ở Gia Lai nói riêng và vùng Bắc Tây Nguyên nói chung đang gặp rất nhiều khó khăn. Vì qua các chuyến thăm những bản làng khác, chúng tôi biết ngày lại ngày, vẫn có những nhóm người đến gặp các già làng, trưởng thôn để thuyết phục dân làng bán gỗ trắc, gỗ sưa trong những ngôi nhà rông, nhà sàn truyền thống" - ông Duy nói. Phải, với các cộng đồng bản địa và những người yêu văn hóa truyền thống thì ngôi nhà rông, nhà cổ mang nặng các giá trị về kiến trúc, lịch sử, tâm linh cũng như công sức cộng đồng. Có điều, với những người buôn gỗ, họ chỉ nhìn thấy giá trị của những cây cột, kèo bằng gỗ quý hiếm, sẵn sàng bỏ tiền tỷ mua về chứ ít khi nghĩ đến giá trị vô giá của văn hóa mà đồng bào vùng đại ngàn Tây Nguyên đang gìn giữ bao đời nay.
Trong khi nhà rông truyền thống tại Gia Lai và Bắc Tây Nguyên đang dần dần mất đi thì câu chuyện bảo tồn những ngôi nhà đậm nét văn hóa này cũng đang ở thế bế tắc. Không chỉ sấm sét, giông lốc mà mưa - nắng cũng là nhân tố khiến những ngôi nhà rông, nhà cổ bị xuống cấp, hoai mục theo thời gian. Trong khi đó, những cánh rừng đã suy thoái nghiêm trọng, không còn gỗ, còn tranh để thay thế, tôn tạo, cho những phần hư hỏng. Ông Phan Xuân Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cho hay: Ngoài việc tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ, giữ gìn nhà truyền thống, chính quyền và ngành chức năng gần như không có biện pháp nào khác. Những ngôi nhà rông, nhà cổ không phải là di tích lịch sử, theo quy định, không có nguồn đầu tư của Nhà nước để bảo tồn, vì thế hầu như người dân, cộng đồng phải tự mình bảo tồn. Trong khi đó, luật không cấm người dân bán gỗ ở nhà rông, nhà cổ, nên quyền bán cột kèo của nhà rông, nhà cổ đều do người dân tự quyết, không ai cấm được. Đây cũng là lý do mà thời gian gần đây, ở Gia Lai nói riêng và ở Bắc Tây Nguyên nói chung, những ngôi nhà rông, nhà cổ truyền thống từng được xem là "báu vật" của đại ngàn chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay, và tương lai nguy cơ sẽ mất đi vĩnh viễn.
Công Hạnh