Bây giờ heo ở nơi đâu?

Thứ năm, 10/07/2014 11:35

(Cadn.com.vn) - Trên đây là tiêu đề bài thơ do tập thể người dân Tổ dân phố (TDP) Đoàn Kết (TT Liên Sơn. H. Lắc, Đắc Lắc) ứng tác, phản ánh vụ tranh chấp heo nái hy hữu, buộc nguyên đơn phải kiện lên tòa tối cao.

Sự việc bắt đầu từ lúc bà Đỗ Thị Gái (1964, TDP Đoàn Kết) mua con heo nái "lông trắng, có đốm đen ở tai, lưng gẫy, chân ngắn..." của một người hàng xóm để nuôi. 2 tháng sau, con heo nái này đẻ được 12 con, chủ heo bán được 10 triệu đồng. Tối 5-5-2012, heo của bà Gái đang lúc động dục thì nhảy khỏi chuồng chạy mất. Xót của, bà Gái cùng người thân bỏ hơn nửa tháng đi tìm... thì được tin con heo nái đang nằm trong chuồng nhà bà Nguyễn Thị Thọ (1963), cách nhà bà Gái khoảng 300m. Đến xem, xác định heo nái "lông đốm, lưng gẫy, chân ngắn..." đang nằm trong chuồng bà Thọ là heo của mình, bà Gái rối rít cảm ơn hàng xóm, đồng thời ngỏ ý xin lại con heo.

Bà Thọ không cho, bảo là heo của mình, được bà đổi bằng một cặp heo con cho người em mới có được. Bà Gái nhờ ông Trãi, người bán heo, cùng nhiều người dân qua chuồng nhà bà Thọ xác minh. Những người này khẳng định là heo của bà Gái nhưng bà Thọ cứ khăng khăng "đây là heo của tôi". Thỏa hiệp không thành, bà Gái nhờ đại diện TDP đến lập biên bản, đồng thời gửi đơn lên TAND H. Lắc nhờ phân xử.

Bà Gái tại nơi con heo nái sổng chuồng.

Ngày 27-9-2012, phiên tòa sơ thẩm diễn ra nhận được nhiều sự quan tâm của người dân. Tại tòa, những lời khai của bà Thọ để chứng minh "heo nái là của mình" đều bị các nhân chứng phủ nhận. Người dân đến dự tòa vỗ tay tán thành quyết định phân xử heo tranh chấp là của bà Gái. Bà Thọ làm đơn kháng cáo. Sau đó TAND tỉnh Đắc Lắc mở phiên phúc thẩm, xử con heo tranh chấp cho bà Thọ với lý lẽ: "do cấp sơ thẩm không yêu cầu cơ quan thú y xác định heo đã có thai hay chưa, thuộc loại heo lai gì, heo bao nhiêu vú; do heo mẹ đã chết nên không thể thu thập chứng cứ bổ sung để làm rõ... nên những căn cứ xét xử không có cơ sở vững chắc".

Tòa bác đơn khởi kiện đòi tài sản của bà Gái, buộc bà Gái trả án phí và chi phí định giá heo. Không đồng tình, bà Gái đã làm đơn gửi lên cấp tối cao yêu cầu giám đốc thẩm. Tòa dân sự TAND Tối cao và Viện KSND Tối cao cũng đã phản hồi cho bà Gái đã nhận được đơn. Thế nhưng gần 2 năm nay vẫn chưa thấy cán bộ của các cơ quan tố tụng tối cao nào xuống  làm việc với bà Gái...

Bức xúc trước vụ việc, người dân ứng tác, lưu truyền bài thơ "Bây giờ heo ở nơi đâu?". Bài thơ dài 22 câu, viết theo thể lục bát, phản ánh hành trình gian nan đi tìm heo nái sổng chuồng của bà Gái. Người dân cũng đồng loạt ký đơn gửi báo chí, cơ quan chức năng yêu cầu một cuộc "xét xử công bằng". Còn bà Gái nói: "giá trị tài sản tranh chấp tuy không lớn nhưng vì không chấp nhận heo của mình mà người khác lấy nên quyết theo đuổi vụ kiện đến cùng".

Bài thơ "Bây giờ heo ở nơi đâu"

H.P