Bế mạc Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018: Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, sức sáng tạo

Thứ sáu, 14/09/2018 08:26

Sau ba ngày làm việc  (11 đến 13-9), với gần 60 phiên thảo luận sôi nổi và thực chất, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018 với chủ đề: “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” đã kết thúc tốt đẹp.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu bế mạc Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018.

Tạo môi trường thuận lợi cho sáng tạo

Phát biểu tại phiên bế mạc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, WEF ASEAN 2018 thực sự là ngày hội giao lưu các ý tưởng, đánh giá sâu sắc nhiều chiều về các vấn đề quan trọng đối với sự phát triển của các nước ASEAN trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0). Phó Thủ tướng đánh giá, trong số này có nhiều nhận thức mới, kinh nghiệm thực tiễn tốt, cũng như các ý tưởng, chính sách về khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, sức sáng tạo của doanh nghiệp và người dân.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định, chỉ có đổi mới sáng tạo với tầm nhìn đa chiều mới đưa các quốc gia doanh nghiệp tiến lên trong thế giới ngày nay. Do đó, Chính phủ và doanh nghiệp các nước ASEAN cần tiếp tục phát huy nội lực, tạo môi trường thuận lợi cho sáng tạo, cho cái mới nảy nở và lan tỏa; tạo nên động lực tăng trưởng mới cho phát triển thịnh vượng trong thế giới đang chuyển động nhanh bởi công nghệ mới. Chính phủ Việt Nam luôn sẵn sàng và đang “kiến tạo” môi trường thuận lợi cho phát triển. Cùng với đó, khuyến khích mạnh mẽ doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ phát huy năng lực sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp, đóng góp vào sự phát triển năng động của quốc gia. Thế giới số, siêu kết nối thông minh tạo cơ hội cho mọi người dân khởi nghiệp sáng tạo, tiếp cận các nguồn lực, thông tin mới, tri thức mới và thị trường mới. Do đó, xây dựng nền giáo dục mở và thông minh cho toàn dân là nền tảng và phương cách quan trọng để thúc đẩy sáng tạo, từ đó bảo đảm mọi người dân đều được thụ hưởng cơ hội và lợi ích của tiến bộ công nghệ.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình hoan nghênh Hội nghị đã đưa ra nhiều ý tưởng khuyến nghị về các hướng trang bị cho người dân, nhất là thế hệ trẻ về các kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng số để làm chủ công nghệ mới và đáp ứng các yêu cầu của việc làm mới. Đây cũng chính là cơ hội cho các doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào giáo dục thông minh ở các nước ASEAN. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhận định, sự biến chuyển nhanh chóng của thế giới tạo ra những cơ hội to lớn cho ASEAN trong hiện thực hóa tầm nhìn cộng đồng ASEAN năm 2025. Cùng với tăng cường đoàn kết, đồng thuận, phát huy nội lực tự cường, ASEAN đang mở rộng cánh cửa hợp tác với các đối tác trong khu vực và trên thế giới. Diễn đàn Kinh tế thế giới là nơi khởi nguồn của nhiều ý tưởng mới và sáng tạo mang tầm chiến lược toàn cầu.

Kỳ vọng vào sự hợp tác trong thời gian tới, Phó Thủ tướng mong muốn Diễn đàn Kinh tế thế giới phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN trong việc hiện thực hóa các ý tưởng, sáng kiến thiết thực, được các nhà lãnh đạo ASEAN nêu tại Hội nghị, thành các kế hoạch, chương trình hợp tác cụ thể. Thông qua WEF ASEAN 2018, Việt Nam mong muốn Diễn đàn Kinh tế thế giới thúc đẩy đối thoại, tăng cường quan hệ đối tác mở rộng vì một khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng.

Tầm nhìn mới của khu vực Mê Công

Chiều 12-9, trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018) tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự với tư cách diễn giả tại Phiên thảo luận về “Tầm nhìn mới của khu vực Mê Công” cùng với Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi và Phó Thủ tướng Thái Lan Prajin Juntong.

Tại Phiên thảo luận, các nhà Lãnh đạo các nước Mê Công đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng đối với sự phát triển và hội nhập của các nước Mê Công như: Tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0, kết nối số, kết nối hạ tầng giao thông, hạ tầng mềm, vấn đề môi trường, quản lý nguồn nước sông Mê Công... Các nhà Lãnh đạo đánh giá: Khu vực Mê Công cần nỗ lực phát huy nội lực, lợi thế thị trường, nhân lực trẻ dồi dào để tranh thủ cơ hội, lợi ích của Cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển nhanh và bền vững hơn. Các nhà Lãnh đạo chia sẻ những định hướng, biện pháp về thúc đẩy hội nhập trong khu vực Mê Công cũng như hội nhập của khu vực này trong ASEAN và thế giới; phối hợp tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng, viễn thông; thúc đẩy liên kết kinh tế, phát huy lợi thế bổ sung nhằm tăng cường sức cạnh tranh của khu vực Mê Công; tăng cường phối hợp thúc đẩy kết nối hạ tầng mềm, tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư...

Phát biểu tại Phiên thảo luận, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ tầm nhìn về khu vực Mê Công hòa bình, ổn định, hội nhập và kết nối, phát triển bền vững. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh hội nhập của các nước Mê Công đã đóng góp quan trọng vào củng cố môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực, đồng thời phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế bổ sung của các nước Mê Công, thúc đẩy đổi mới và cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế, góp phần tích cực nâng cao đời sống nhân dân.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo cơ hội rất lớn thúc đẩy hội nhập của khu vực Mê Công, trong đó kết nối mềm, kết nối số ngày càng quan trọng trong kết nối kinh tế. Thủ tướng nhấn mạnh bên cạnh các kết nối sử dụng nguồn nước hiệu quả, kết nối năng lượng, kết nối giao thông và kết nối đào tạo nhân lực, khu vực Mê Công có tiềm năng rất lớn về kết nối hạ tầng số với thị trường khoảng 250 triệu người tiêu dùng có thu nhập ngày càng tăng. Thủ tướng cho biết tại các cuộc họp cấp Bộ trưởng trong khuôn khổ Hội nghị WEF ASEAN 2018, Việt Nam đã nêu sáng kiến về mở rộng mô hình hợp tác về hòa mạng di động một giá cước giữa các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam cho cả tiểu vùng Mê Công và ASEAN nhằm tiến tới xây dựng một “ASEAN phẳng”, nơi người dân được hưởng dịch vụ tốt nhất về viễn thông với mức giá cước chuyển vùng quốc tế trong phạm vi khu vực ASEAN như cước nội địa. Thủ tướng bày tỏ tin tưởng Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển nhanh và hiệu quả hơn cho các nước ở khu vực.

HÀ THỊ

ASEAN sớm thích nghi “chống chọi” với thách thức

Tại phiên bế mạc, ông Kevin Sneader, Giám đốc quản lý toàn cầu Công ty tư vấn McKinsey bày tỏ tin tưởng, các quốc gia ASEAN sẽ cùng chung tay vượt qua khó khăn, ngày càng đạt được sự phát triển thịnh vượng dù phải đối mặt với nhiều thách thức và những xáo trộn. Để có được thành quả này, giải pháp quan trọng là các quốc gia ASEAN cần tập trung đẩy mạnh đầu tư cho lực lượng lao động, tăng năng suất lao động. Diễn đàn lần này đã tạo cơ hội cho các cuộc tiếp xúc, trao đổi giá trị, tập hợp được nhiều ý kiến, quan điểm, tiếng nói khác nhau để cùng bàn thảo hướng tới một tương lai lạc quan hơn cho ASEAN. Những điều kiện thuận lợi để mở rộng thị trường thương mại sẽ xuất hiện nhiều hơn, do đó để hạn chế rào cản thương mại, các quốc gia ASEAN cần tiếp tục theo đuổi và duy trì các thỏa thuận thương mại với các quốc gia và khu vực trên thế giới.

Theo ông Kevin Sneader, ASEAN là khu vực đang thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư từ các quốc gia phát triển, nhưng sự cạnh tranh từ những thị trường mới nổi cũng có tác động rõ rệt đòi hỏi ASEAN cần sớm có sự thích nghi để “chống chọi” tốt hơn với thách thức. Các quốc gia ASEAN cần hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm về những biện pháp giải quyết các vấn đề như thâm hụt ngân sách, hỗ trợ thị trường nội địa, nạn đầu cơ... để có viễn cảnh khả quan trong tương lai. Ông đánh giá Việt Nam là quốc gia có tiềm năng phát triển mạnh mẽ, đồng thời cho biết Công ty tư vấn McKinsey đã có trao đổi, làm việc với một số đối tác Việt Nam tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để đưa ra những cam kết tiếp tục làm việc, tư vấn, hỗ trợ nhằm thúc đẩy phát triển hơn nữa mô hình phục vụ người tiêu dùng trong nước và đảm bảo mức độ tăng trưởng.

Bà Anne-Birgitte Albrectsen, Giám đốc điều hành Tổ chức Plan International cho rằng, các hoạt động trong khuôn khổ Diễn đàn lần này đã đem tới cơ hội thảo luận một cách cởi mở về nhiều vấn đề mà Chính phủ của các quốc gia ASEAN cũng như các tổ chức tư nhân, tổ chức chính trị - xã hội quan tâm, đặc biệt là sự bao trùm của nội dung thích nghi trong bối cảnh nền kinh tế số và thúc đẩy, tạo cơ hội cho tất cả mọi người tham gia vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để không ai bị bỏ lại phía sau. Những nội dung thiết thực như rủi ro liên quan đến tin giả khiến hệ thống thông tin báo chí chính thống bị ảnh hưởng, nạn quấy rối tình dục nơi công sở, tạo điều kiện bình đẳng để người phụ nữ, nhất là phụ nữ trẻ được tham gia nhiều hơn vào quá trình phát triển của các quốc gia... đã được thảo luận nhằm đưa ra biện pháp giải quyết.

Đánh giá cao sự đầu tư cho giáo dục của Việt Nam và các nước ASEAN trong những năm qua, bà Anne-Birgitte Albrectsen khẳng định đây không còn là hiện tượng mới mà đã trở thành một nét văn hóa khu vực, là nền tảng giúp ASEAN tiến lên phía trước, đồng thời là thông điệp cần được truyền đạt, học hỏi và duy trì. Yếu tố này sẽ góp phần thúc đẩy nhận thức về sự bình đẳng để tạo điều kiện bình đẳng cho trẻ em gái nói riêng và người phụ nữ nói chung, khai thác được nhiều hơn tiềm năng của lực lượng này.

Tiếp tục tập trung đào tạo nguồn nhân lực

Chia sẻ quan điểm về những vấn đề được nêu ra tại Diễn đàn, quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Diễn đàn đã đem đến cơ hội để các quốc gia nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của một bộ máy chính quyền gọn nhẹ và hoạt động hiệu quả trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những công nghệ mới, để các doanh nghiệp và xã hội làm được nhiều việc hơn, thích ứng nhanh nhạy với sự thay đổi của tiến trình. Kỹ năng mềm cho lực lượng lao động cũng là vấn đề cần được quan tâm trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, công nghệ cải thiện cuộc sống của mỗi người, nhưng chúng ta hiện chỉ hưởng thụ công nghệ mà không tự thay đổi bản thân cũng như cách thức quản lý, quản trị để thích nghi hơn với đổi mới. Do đó, điều quan trọng là không chỉ thay đổi công nghệ mà còn cần thay đổi tư duy. Đây chính là thách thức đối với mỗi quốc gia ASEAN. Về giải pháp trước vấn đề này, quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam cho rằng, cần tiếp tục tập trung đào tạo nguồn nhân lực để thích ứng nhanh hơn, tốt hơn với sự chuyển biến; nhất là những kỹ năng mềm nhằm sẵn sàng cho thay đổi và dẫn dắt sự thay đổi. Từ những nhận định này, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn có thể được nhìn dưới góc độ là một cuộc cách mạng về tư duy.

Cho rằng cạnh tranh là động lực thiết yếu để tăng cường phát triển trong thời đại của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ông Nazir Razak, Chủ tịch Tập đoàn CIMB (Malaysia) nhấn mạnh, việc tăng cường sự tham gia hiệu quả của các doanh nghiệp sẽ khuyến khích tạo ra sự thay đổi lạc quan để trở thành tiền đề giúp ASEAN trở thành khu vực bùng nổ về phát triển trong quá trình hội nhập quốc tế thời gian tới.

THU THỦY – TTXVN