Bế mạc Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV: Quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước
(Cadn.com.vn) - Chiều 29-7, Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV đã bế mạc. Phát biểu kết luận Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: sau 8 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Quốc hội đã hoàn thành tốt đẹp chương trình làm việc của kỳ họp thứ nhất, kỳ họp mở đầu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.
Với tinh thần trách nhiệm cao, các vị đại biểu Quốc hội vừa được cử tri tín nhiệm bầu ra đã tích cực, chủ động trong xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc Kỳ họp. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN |
Tại kỳ họp này, với tinh thần trách nhiệm, dân chủ, thẳng thắn, Quốc hội đã hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm là xem xét, quyết định cơ cấu tổ chức, bầu và phê chuẩn nhân sự cấp cao của các cơ quan nhà nước bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện và đúng quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Với sự tín nhiệm cao, Quốc hội đã bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các UVBTVQH, lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Tổng kiểm toán nhà nước; bầu Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao; bầu Thủ tướng Chính phủ; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên khác của Chính phủ; phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch nước về danh sách các Phó Chủ tịch và các ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh.
Tại ngày làm việc cuối cùng, Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo bổ sung về kết quả thực hiện nhiệm vụ KT- XH năm 2015 và những tháng đầu năm 2016. Quốc hội ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ trong chỉ đạo điều hành kinh tế - xã hội của đất nước và đã đạt được những kết quả tích cực.
Tuy nhiên, Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt còn yếu kém, tồn tại trong các ngành, lĩnh vực; phân tích, dự báo những thuận lợi cùng với những nguy cơ, thách thức chúng ta phải đối mặt trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động phức tạp khó lường, tình hình trong nước có những điều kiện không thuận lợi, như: tình hình biến đổi khí hậu tác động không thuận đến phát triển kinh tế, đời sống của nhân dân; vấn đề ô nhiễm môi trường nói chung và tác động của sự cố ô nhiễm môi trường do vi phạm của dự án Formosa Hà Tĩnh gây ra nói riêng; những diễn biến phức tạp của tình hình Biển Đông sau phán quyết của Tòa trọng tài thường trực...
Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành để có giải pháp sát thực trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội những tháng còn lại của năm 2016, phấn đấu đạt được mục tiêu kế hoạch đã đề ra.
“Trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, với tinh thần đoàn kết, sáng tạo và hành động, Quốc hội khóa XIV cần tiếp tục cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động để hoàn thành tốt những nhiệm vụ của cơ quan quyền lực nhà nước. Mỗi đại biểu Quốc hội, mỗi cơ quan của Quốc hội cần phát huy mạnh mẽ truyền thống 70 năm vẻ vang của Quốc hội, cần chủ động hơn trong việc tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của cử tri, bám sát thực tiễn, nghiên cứu, phát hiện những vấn đề để kiến nghị, đề xuất và đóng góp tích cực vào hoạt động của Quốc hội để Quốc hội hoàn thành tốt các nhiệm vụ, trách nhiệm mà đồng bào và cử tri cả nước đã giao phó.
Quốc hội cũng yêu cầu các cơ quan trong bộ máy nhà nước khẩn trương củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ; hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ; nỗ lực đổi mới lề lối, phong cách làm việc cho phù hợp với yêu cầu mới, bảo đảm hoạt động có chất lượng, hiệu quả, hiệu lực; để Nhà nước ta thật sự là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài tiếp tục truyền thống yêu nước, đoàn kết dân tộc, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, phát huy mọi nguồn lực trong nước, chủ động nắm bắt các cơ hội hợp tác quốc tế để tạo đà, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, góp phần đưa đất nước ta phát triển toàn diện, vững chắc, đạt mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kêu gọi.
Cũng trong chiều làm việc cuối cùng, các đại biểu QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 với tỷ lệ đạt 94,53%.
3 tân Bộ trưởng “đăng đàn” giải đáp câu hỏi nóng của ĐBQH Cũng trong chiều ngày cuối cùng của Kỳ họp, các Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề được ĐBQH nêu. Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Nguyễn Xuân Cường: Bổ sung lên 6 tháng nhằm hỗ trợ ngư dân 4 tỉnh miền Trung Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ cùng các ngành, đặc biệt là 4 tỉnh chịu thiệt hại đã sớm đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định hỗ trợ trước mắt và điều chỉnh bổ sung lên 6 tháng nhằm hỗ trợ thiệt hại ban đầu cho ngư dân bị ảnh hưởng. Hiện Thủ tướng Chính phủ đang giao Bộ xây dựng 2 đề án hỗ trợ thiệt hại. Bộ đã ký trong ngày 25-7 vừa qua để gửi đến các tỉnh để thống kê thiệt hại trong các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng thủy sản, làm muối và các ngành nghề khác bị thiệt hại kèm mẫu, biểu điều tra, quy trình hướng dẫn. thống nhất để địa phương gửi về Bộ trước ngày 15-8 để kịp trình đề án lên Thủ tướng Chính phủ. Bộ cũng đang chuẩn bị đề án phục hồi và tái tạo nguồn lợi hải sản hệ sinh thái biển tại vùng bị ảnh hưởng. Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Formosa đã chuyển 250 triệu USD bồi thường thiệt hại Chiều 29-7, trả lời Quốc hội về sự cố môi trường do Formosa gây ra, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết, ngày 28-7 Formosa đã cam kết và chuyển trước số tiền bồi thường 250 triệu USD, các công việc liên quan đến chuyện bồi thường hỗ trợ cho người dân đã được Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng thông báo rằng Bộ đang tiến hành xử phạt vi phạm hành chính với 53 sai phạm của Formosa, có kế hoạch rất toàn diện về khắc phục những vi phạm của Formosa từ chuyển đổi công nghệ cho đến hoàn thiện lại hệ thống xử lý chất thải, nước thải, khí thải, đồng thời đang triển khai các hệ thống ứng phó với môi trường như hồ sinh học và có hệ thống giám sát trực tuyến... Dự kiến 15-8, các thông tin sẽ được thông qua Hội đồng khoa học để đánh giá về mức độ ô nhiễm từ đó xác định giải pháp phục hồi hệ sinh thái môi trường. Bộ cũng được Chính phủ chỉ đạo xây dựng dự án giám sát quan trắc chất lượng môi trường biển trên các tỉnh miền Trung mở rộng ra Thanh Hóa đến Đà Nẵng nhằm chủ động cung cấp thông tin cho người dân, đồng thời giám sát được các doanh nghiệp trên địa bàn một cách công khai, minh bạch. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: Quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, xóa bỏ rào cản trong kinh doanh Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp giảm chi phí cho doanh nghiệp (DN); xem xét để giảm các lãi suất cho vay; rà soát, kiểm soát và giảm ít nhất 20% phí giao thông đường bộ, thực hiện cho vay ngoại tệ đối với các DN sản xuất hàng xuất khẩu và các DN xuất khẩu. Chính phủ cũng chỉ đạo các cơ quan liên quan không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và dân sự; yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư hàng tháng tổ chức đối thoại trực tiếp, thực chất với DN, trực tiếp giải quyết vướng mắc khó khăn cho DN. Đồng thời, Chính phủ và các bộ ngành cũng sẽ tiếp tục rà soát và cải cách các điều kiện kinh doanh, rà soát các rào cản không còn phù hợp của các luật làm cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh để trình Quốc hội sửa đổi các luật liên quan đến đầu tư kinh doanh để tương thích với tình hình hội nhập và tạo thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp. |