Bế tắc chuỗi cá ngừ đại dương?

Thứ hai, 04/01/2016 10:24

(Cadn.com.vn) - Đề án Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi giá trị được Bộ NN&PTNT phê duyệt, triển khai từ tháng 8-2014 tại ba tỉnh Nam Trung Bộ là Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Hơn một năm thực hiện, đường đi của chuỗi cá ngừ đại dương tại tỉnh Phú Yên đang bế tắc?

Không hào hứng, lắc đầu e ngại... là những câu nói và cử chỉ mà chúng tôi nhận được từ nhiều ngư dân tỉnh Phú Yên khi nói về việc tham gia khai thác cá ngừ theo chuỗi giá trị. Ngư dân cho rằng những thiết bị, công nghệ câu cá lắp đặt cho các tàu còn khá lạ lẫm. Bên cạnh đó, cần phải có kiến thức, kỹ năng vận hành máy móc và kiến thức về thị trường để có hướng đánh bắt phù hợp. Tuy nhiên, hiệu quả khai thác theo chuỗi giá trị lại chưa rõ ràng. Câu cá ngừ áp dụng công nghệ Nhật Bản hiệu quả chưa cao, nguy cơ lỗ nhiều hơn lãi nên sẽ gây khó khăn trong mưu sinh. Vì vậy, ngư dân Phan Thuẫn ở phường 6, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, khẳng định: “Cha truyền con nối, vẫn đánh bắt theo phương pháp truyền thống là câu vàng”.

Về phía các doanh nghiệp, Cty CP Bá Hải là đơn vị đầu tiên của tỉnh Phú Yên được Bộ NN&PTNT chọn làm thí điểm chuỗi giá trị. Để tham gia, Cty Bá Hải đã ký hợp đồng với 72 chủ tàu đánh bắt cá ngừ đại dương của 8 tổ, đội sản xuất trên biển là ngư dân của TP Tuy Hòa. Bộ KH&CN hỗ trợ một phần kinh phí cho Cty Bá Hải trong việc nhập khẩu đồng bộ thiết bị và ứng dụng công nghệ cấp đông CAS của Nhật Bản. Qua 4 chuyến biển thử nghiệm, sản phẩm cá ngừ được đánh giá có chất lượng hơn trước. Cty Bá Hải cũng đã làm việc với Công ty Nikko (Nhật Bản) để ứng dụng công nghệ sản xuất nước đá từ nước biển cho các tàu của ngư dân tham gia chuỗi giá trị. Tuy nhiên, do không vay được vốn từ ngân hàng nên chuỗi giá trị của Cty Bá Hải lâm vào thế bế tắc.

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên cho rằng ngư trường đánh bắt cá ngừ của các ngư dân chưa phù hợp với công nghệ câu hiện đại của Nhật Bản khi được áp dụng tại các tỉnh Nam Trung Bộ, trong đó có Phú Yên. Theo ông Phương, mỗi chuyến đến ngư trường có cá ngừ, ngư dân phải mất ít nhất 4 ngày cả ra khơi và về bờ, chỉ còn 3 ngày để đánh bắt. Trong khi đó, yêu cầu của thị trường Nhật Bản với món Sashimi truyền thống thì dưới 7 ngày không đánh bắt kịp, ngư dân chưa mặn mà tham gia.

Ông Nguyễn Tri Phương đề nghị phải tổ chức lại nghề khai thác thủy hải sản phù hợp với điều kiện của từng địa phương và cả nước. Không nên chăm bẵm thị trường Nhật Bản mà phải tập trung các sản phẩm khác để đa dạng sản phẩm giá trị gia tăng. “Đối với nghề câu cá ngừ cứ chăm bẵm thị trường Sashimi của Nhật trong lúc điều kiện của ngư dân câu được con cá đạt chất lượng đó là không có, thậm chí đạt 1-2% chắc chắn bị lỗ. Cần định hướng lại thị trường sản phẩm, từ đó tổ chức lại sản xuất cho phù hợp. Nhà nước định hướng doanh nghiệp chế biến, khi có doanh nghiệp chế biến sẽ làm trung tâm định hướng thì mới kết nối chuỗi liên kết giá trị. Hiện đã có đề án rồi nhưng Phú Yên chưa làm được” – ông Phương cho hay.

Quang Minh