"Bê-tông hóa" làng quê để phát triển du lịch (Tiếp theo và hết: Mắc kẹt giữa các dự án treo)

Thứ tư, 18/04/2018 10:17

Là mảnh đất đầy tiềm năng để phát triển du lịch, Quảng Nam đã có bước phát triển vượt bậc khi mạnh dạn tạo cơ hội đầu tư, nhất là lĩnh vực du lịch – dịch vụ. Thế nhưng không phải tất cả những dự án đầu tư ấy đều phát huy tác dụng. Việc hàng chục dự án du lịch “xí phần” ở những khu đất vàng rồi để đó đã tạo ra không ít hệ lụy cho địa phương. Những “bánh vẽ” ấy vẫn chỉ nằm trên giấy tờ còn hàng chục năm qua đời sống người dân bị ảnh hưởng là điều đã nhìn thấy rõ.

Một dự án "xí phần" ở P. Điện Dương, TX Điện Bàn nhưng không hoàn thiện khiến đời sống người dân bị ảnh hưởng.

Phường ven biển Điện Dương, thị xã Điện Bàn nằm gọn trong hàng chục dự án lớn, nhỏ. Những dự án này đã "vẽ" ra cho miền quê nghèo một khu đô thị sầm uất trong tương lai gần. Nhưng theo thời gian, những “siêu dự án trên giấy” đã dần lộ ra. Từ dự án Bãi biển Rồng đến khu du lịch Thiên Đường Cổ Cò những cái tên rất mĩ miều ấy đã trở thành nỗi ám ảnh nhiều năm liền đối với cuộc sống người dân. Nhiều người còn nói vui rằng, Điện Dương là “điểm đến của những dự án treo”. Câu nói ấy đã phản ánh đúng thực trạng của địa phương này. Tiến thoái lưỡng nan đó là những gì cả chính quyền địa phương lẫn người dân đang phải gánh chịu.

Trên bản đồ hành chính của P. Điện Dương, thị xã Điện Bàn hiện đã phủ kín 30 dự án đầu tư khu du lịch sinh thái, căn hộ, biệt thự cao cấp, khu nghỉ dưỡng... Tuy nhiên, thực tế sau gần 10  năm thì chỉ có dăm ba dự án ì ạch triển khai. Điển hình như Dự án Khu du lịch Làng chài Điện Dương hình thành từ năm 2006 với quy mô 25 ha. Từ đó đến nay do thiếu năng lực nên dự án này đã 3 lần thay chủ đầu tư. Ông Hùng (67 tuổi, trú khối phố 3, P. Điện Dương, một trong những hộ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dự án treo này) cho biết: “Năm 2006 có người đến kiểm kê nhà cửa, đất vườn của tôi để bồi thường giải tỏa. Mấy đứa con tôi nghe vậy mừng lắm nói giải tỏa xong ba má vô Sài Gòn ở với tụi con. Nhưng rồi kiểm kê xong thì từ đó không có tin tức gì nữa. Đến năm 2016, có một công ty khác tới cũng nói là bồi thường giải tỏa cho gia đình nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy tăm hơi gì. Thà là giải tỏa đền bù vì cái chung thì tôi chấp nhận đến nơi khác chứ khi không sao mình bỏ nhà mình được. Chính vì lẽ đó mà mấy năm nay vợ chồng tôi cứ luẩn quẩn ở đây không biết nên đi hay ở”. Đi hay ở là một chuyện nhưng với những người dân làng chài thì ngặt nỗi khi có dự án thì  nhà cửa hư cũng không dám sửa. “Sửa thì lỡ mai mốt họ vô giải tỏa rồi không chịu đền bù cho mình thì biết làm sao. Ngư dân thì biết rồi dễ gì có cái nhà mà ở nên phải tính. Vùng này lại ngay sát biển mấy ngày qua nghe đài báo bão mà cứ lo nơm nớp, bão mà vào thì nhà tôi xác định lung lay”, bà Nguyệt (62 tuổi) cho biết.

Ông Đinh Hùng Liên, Chủ tịch UBND P. Điện Dương cho biết: “Hiện nay, P. Điện Dương có 3.600 hộ với 15 ngàn dân mà hết 40% hộ nằm trong vùng quy hoạch dự án đang phải chờ đợi, không được sửa chữa, xây dựng nhà ở, hay chuyển nhượng đất đai. Quá nhiều dự án treo đang là vấn đề đau đầu của địa phương, không đúng tiến độ theo cam kết, thậm chí có dự án đã chậm gần chục năm trời. Chính quyền địa phương đang tìm mọi giải pháp để giải quyết bài toán này một cách hợp lý trong thời gian tới”.

Nằm giữa TP Hội An và TP Đà Nẵng, bãi biển Hà My bỗng nhiên được chú ý hơn kể từ sau khi bãi biển Cửa Đại bị sạt lở nghiêm trọng vào năm 2014. Cùng với việc bãi biển Hà My lọt top những bãi biển đẹp nhất hành tinh cũng là lúc những nhà đầu tư kéo về khu vực này “xí phần”. Thế nhưng không phải nhà đầu tư nào cũng có năng lực tài chính tốt để triển khai ngay dự án. Câu chuyện dự án treo, chậm giải phóng  mặt bằng trở thành nỗi ám ảnh của người dân sống trong vùng dự án du lịch. Mặc dù được quy hoạch bài bản, song hàng chục năm nay, khu vực ven biển Hà My có chiều dài gần 10 km hầu như bị "chết yểu". Nói về câu chuyện vì sao bãi tắm Hà My bị lãng phí dù được xếp vào diện “khu đất vàng” nhiều người dân buôn bán ở khu vực này tỏ vẻ bất bình. Họ bất bình bởi trước đây, mục đích thu hồi đất để làm công viên và bãi tắm nên nhiều hộ dân đã ủng hộ chủ trương, đồng ý cho thu hồi đất. Nhưng ngay sau đó, chẳng hiểu vì lý do gì mà mọi thứ vẫn dậm chân tại chỗ. “Bọn tôi chỉ là dân  buôn bán nhỏ, nếu như ở đây có được khu công viên thì mình cũng được hưởng lây, khách mua hàng sẽ đông hơn. Thế nhưng cả chục năm nay chỉ nghe nói miệng dự án này dự án nọ chứ chưa thấy triển khai, một phụ nữ bán mực khô cho biết.

Năm 2017, Quảng Nam chứng kiến sự đổ vỡ của hàng loạt dự án được xem là điểm nhấn du lịch, như dự án du lịch tâm linh “nghìn tỷ” ở H. Phú Ninh hay khu du lịch 90.000m2 tại xã đảo Tam Hải bị bỏ hoang hơn 10 năm. Trước tình trạng quá tải của các dự án treo về du lịch, vừa qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã ra “tối hậu thư” cho các chủ dự án đang còn dang dở. Trường hợp dự án nào triển khai chậm tiến độ theo cam kết hoặc không đưa đất vào sử dụng, UBND tỉnh Quảng Nam sẽ  xem xét thu hồi đất theo quy định Luật Đất đai.

Những góc khuất của các dự án du lịch đang dần bộc lộ những bất cập. Liệu rằng với những kịch bản quen thuộc của những dự án treo trong những năm qua, liệu tối hậu thư lần này của tỉnh Quảng Nam có thực sự phát huy tác dụng?

ĐỒNG DAO