Bên Bác lòng ta trong sáng hơn!

Thứ hai, 08/10/2018 09:46

Nhân chuyến công tác Hà Nội cuối tháng 8 vừa qua, chúng tôi tìm gặp Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh-người từng có hơn 20 năm công tác tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (gọi tắt Khu di tích Phủ Chủ tịch). Đã đọc, nghe không biết bao nhiêu câu chuyện về Bác Hồ kính yêu, nhưng khi vào viếng Lăng Bác và tham quan khu di tích Phủ Chủ tịch, được nghe người thuyết minh kể lại những mẩu chuyện liên quan đến nơi Bác ở, làm việc 15 năm cuối đời (1954-1969), chúng tôi vẫn rưng rưng xúc động...

Chiếc đài Bác vẫn thường nghe đặt ở phòng ăn tại Phủ Chủ tịch, nơi Bác sống, làm việc 15 năm cuối đời.

Tuy chuyển sang đơn vị mới công tác hơn một năm nay, nhưng với anh Nguyễn Anh Minh, những năm tháng gắn bó tại Khu di tích Phủ Chủ tịch là quãng thời gian không thể nào quên. Tốt nghiệp ĐH Văn hóa, sau khi lăn lộn ở một số môi trường làm việc, năm 1997, như một cơ duyên, anh được tuyển chọn vào công tác tại Khu di tích Phủ Chủ tịch. Như bao nhiêu con dân đất Việt, từ những tình cảm đặc biệt dành cho vị Cha già kính yêu của dân tộc, thông qua việc tìm hiểu, sưu tầm thêm các tư liệu lịch sử liên quan đến cuộc đời của Người, mỗi lần hướng dẫn, thuyết minh cho du khách, anh như nhập tâm, thăng hoa. “Đến giờ, tôi không còn nhớ đã thuyết minh, kể chuyện cho bao nhiêu đoàn khách trong và ngoài nước, đặc biệt là các quan khách ngoại giao đến viếng Lăng Bác, tham quan khu di tích Phủ Chủ tịch. Chỉ biết, bao giờ cũng vậy, tôi như nhập tâm, rút ruột khi kể những mẩu chuyện liên quan đến nơi Bác ở, làm việc, sinh hoạt 15 năm cuối đời tại khu di tích Phủ Chủ tịch. Có cảm giác như không phải kể chuyện về Bác mà là đang kể chuyện về người thân thương của mình vậy. Và những hiện vật đang được trân trọng gìn giữ, bảo quản tại Khu di tích Phủ Chủ tịch chính là trực quan sinh động có sức lay động, lan tỏa những giá trị tốt đẹp về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chỉ cần nhìn vào những hiện vật nơi Bác ở, làm việc là đã thấy xúc động rồi!”- anh Minh bộc bạch.

Thật xúc động và ngưỡng mộ khi biết, sau khi tiếp quản Thủ đô, gần cuối năm 1954, Đảng và Chính phủ đón Bác về Phủ Chủ tịch nguyên là Phủ Toàn quyền Đông dương- một trong những địa điểm sang trọng nhất tại Hà Nội lúc bấy giờ. Cứ tưởng, Bác sẽ chọn tòa nhà chính để ở, làm việc, nhưng Người lại chọn ngôi nhà dành cho người thợ điện phục vụ trong Phủ (nay là Nhà 54). Tòa nhà chính, Bác nói dành để Đảng, Chính phủ tiếp khách. Vào thời điểm đó, Bác là Chủ tịch nước có thể chọn ở một trong những tòa nhà biệt thự đẹp nhất ở Hà Nội, nhưng Người đã từ chối, cho rằng ở trong ngôi nhà dành cho thợ điện đã sung sướng lắm rồi, vì đồng bào cả nước đang còn rất khổ...Anh Minh cho biết, kỷ niệm lớn nhất trong suốt hơn 20 năm gắn bó tại Khu di tích Phủ Chủ tịch chính là tình cảm vô cùng khâm phục, ngưỡng mộ và tôn kính mà du khách trong, ngoài nước dành cho Bác Hồ kính yêu. Anh hỏi chúng tôi, khi tham quan nơi sống, làm việc 15 năm cuối đời của Bác có chú ý, thắc mắc gì về những chiếc đài được đặt ở phòng ngủ, phòng ăn và ở nhà H67 hay không. Khi chúng tôi cho biết có tìm hiểu về điều này, giọng anh chùng xuống, nghẹn ngào: “Ngoài việc thường xuyên nghe đài để nắm tin tức,  chiếc đài như người bạn tâm giao của Bác. Có lần, thấy Bác đang đọc tài liệu mà đài vẫn bật nên có đồng chí định tắt. Bác liền bảo cứ để đấy cho có tiếng người, cho vui cửa vui nhà. Cũng như chúng ta, Bác cũng mong muốn có một mái ấm gia đình nhưng vì lo đại sự đất nước, Người đã hy sinh hạnh phúc riêng tư của mình”. Cũng qua lời anh kể, sợ Bác buồn khi phải ăn cơm một mình nên sau giờ làm việc, các chú, các bác trong Phủ muốn ở lại ăn cơm cùng, nhưng Bác bảo (đại ý), “nếu các chú đến ăn cơm với Bác thì các thím, các cháu ở nhà sẽ buồn lắm!”. Bác là vậy đó, luôn nghĩ đến hạnh phúc của mọi người, vì mọi người. 

Để là một thuyết minh viên giỏi, ngoài chất giọng truyền cảm, am hiểu lịch sử và cuộc đời của Bác, theo anh Nguyễn Anh Minh, cần phải có vốn kiến thức về văn hóa, chính trị, am tường phong văn hóa Đông- Tây và phải có bản lĩnh để có thể trả lời, giải đáp những thắc mắc của các vị khách quốc tế. Anh Minh nhớ lần thuyết minh cho một phu nhân của Thủ tướng nước ngoài, bà vô cùng xúc động xen lẫn ngạc nhiên, ngỡ ngàng vì không thể tin một vị Chủ tịch nước lại sống một cuộc đời vô cùng giản dị, thanh bạch đến thế. “Đây là chuyến đi thăm tuyệt vời nhất của cuộc đời tôi. Tôi sẽ quay lại thăm Việt Nam”-vị phu nhân này đã nói như vậy. Lần khác, sau khi vào Lăng viếng Bác và tham quan Khu di tích Phủ Chủ tịch, một Phó Tổng thống Nam Phi đã dặn đoàn ngoại giao nước mình rằng, sau này, khi các đoàn Nam Phi sang thăm Việt Nam phải đến viếng Lăng Bác và thăm Khu di tích Phủ Chủ tịch. Bởi đây là nơi giáo dục về đạo đức tuyệt vời nhất. 

  Du khách nghe thuyết minh viên kể chuyện về Bác Hồ những năm tháng sống, làm việc ở khu di tích Phủ Chủ tịch.

Được biết, trong quần thể Khu di tích Phủ Chủ tịch, nhà sàn cùng vườn cây, ao cá là nơi Bác Hồ đã gắn bó lâu nhất được xem là “di tích trung tâm trên cả phương diện vị trí, ý nghĩa, lẫn sự cuốn hút và sự lan tỏa” (trích trong “Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ Nhà sàn Việt Bắc đến Nhà sàn Hà Nội”). Qua tìm hiểu, hiện nay trên cả nước có gần 700 di tích và điểm di tích ở 35 tỉnh, thành liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của Bác. Và trong hệ thống di sản văn hóa đó, những mái nhà sàn gắn bó với Người từ chiến khu Việt Bắc đến khi trở về thủ đô Hà Nội đã trở thành biểu tượng vô cùng gần gũi, thân quen với nhân dân cả nước...

 Mỗi lần ra Thủ đô, được vào Lăng viếng Bác, tham quan nơi Bác ở và làm việc 15 năm cuối đời, chúng tôi như hiểu thêm hơn ý nghĩa câu nói “bên Bác lòng ta trong sáng hơn”. Những hiện vật đang được các thế hệ hôm qua, hôm nay trân quý giữ gìn chính là trực quan sinh động góp phần khắc họa chân thực, đậm nét nhân cách của một vĩ nhân, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh. Viết đến đây, chúng tôi chợt nhớ đến hình ảnh chiếc áo kaki cũ sờn được treo trang trọng tại nhà sàn Bác ở. Bỗng nhớ đến lời bình của một đồng nghiệp rằng, trên ngực chiếc áo ấy không có một tấm huân, huy chương nhưng phía sau làn áo vải đơn sơ ấy có trái tim của một vĩ nhân!

P.Thủy-C.Hạnh