Bền bỉ cảm hóa phạm nhân
(Cadn.com.vn) - Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về đại úy Lê Hữu Dương (1979)- cán bộ Trại giam Đại Bình (Bộ Công an), đóng tại xã Lộc Thành, H. Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng là sự thân thiện, cởi mở. Công tác trong ngành CA và ở lĩnh vực trại giam cũng là cái duyên của Dương. Dương kể, sau khi học hết phổ thông Dương rời vùng quê Vĩnh Linh (Quảng Trị) theo người làng khăn gói vào Đắc Lắc làm thuê. Hai năm sau, gia đình nhận được giấy triệu tập Dương đi nghĩa vụ. Hết thời gian huấn luyện, năm 2001 Dương được điều động về công tác tại Trại giam Đại Bình từ đó đến nay.
“Khi mới về đây nhận nhiệm vụ, mình cũng không nghĩ rằng sẽ được ở lại phục vụ trong ngành Công an đâu, cứ cố gắng làm việc hết mình, gần gũi để cảm hóa phạm nhân, tuân thủ điều lệ CAND và pháp luật, nỗ lực hoàn thành tốt nghĩa vụ của một công dân thôi”- đại úy Lê Hữu Dương chia sẻ. Nhờ có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác, Dương đã được cấp trên cho đi thi học lên đại học và rồi anh lại được trở về làm công tác quản giáo tại Trại giam Đại Bình.
Quản giáo ở trại giam là nghề đặc biệt, nhiều khi gặp những hiểm nguy khó lường, bởi phạm nhân phần lớn là những đối tượng phạm trọng tội, bất cần đời, coi thường tính mạng chính họ và người khác. Do đó, ngoài việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của trại giam, muốn cảm hóa được phạm nhân người cán bộ quản giáo cần có cái tâm và cái tầm. Dương còn nhớ như in, phạm nhân Lê Bá Long (1967) chấp hành án 10 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy, vào trại năm 2009. Trong thời gian dài, Long luôn có thái độ bất cần, bất hợp tác, sống khép kín, không có tổ chức, kỷ luật. Thậm chí nhiều lần còn có hành vi thách thức, chống đối, hăm dọa cán bộ quản giáo. Bản thân Dương cũng không ít lần bị phạm nhân Long chống đối nhưng anh vẫn nhẫn nại, khéo léo tiếp cận tạo sự gần gũi, từ đó anh biết được, các phạm nhân khác luôn có người nhà tới thăm hỏi, động viên, nhất là vào dịp lễ tết, còn phạm nhân Long thì từ khi vào trại đã được mấy năm mà không có một ai tới thăm hỏi. Cảm giác bị gia đình, vợ con bỏ rơi là nguyên nhân chính khiến phạm nhân này bất mãn, nảy sinh hành vi bất cần đời, chống đối. Từ đó, Dương đã dành nhiều thời gian để nói chuyện, động viên Long hơn. Anh còn giúp Long hòa nhập với các phạm nhân khác bằng các hoạt động văn nghệ, các phong trào khác mà trại giam tổ chức. Dương còn động viên các phạm nhân chia sẻ “hương vị tết” với Long và dành những món quà để tặng cho Long vào những thời điểm quan trọng. Những việc làm của Dương đã khiến Long cảm động, dần dần nhận ra những lỗi lầm của mình. Vài năm gần đây, Long không chỉ là người cải tạo tốt mà còn là cây văn nghệ chủ lực của trại giam, nhiều lần được giảm án.
Đại úy Lê Hữu Dương thăm hỏi các phạm nhân trong giờ nghỉ giải lao. |
Gần gũi với phạm nhân, từ đó Lê Hữu Dương đã kịp thời phát hiện nhiều vụ vi phạm nội quy trại giam, giúp Ban Giám thị trại ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm. Đại tá Hà Tuấn- Giám thị Trại giam Đại Bình nhận xét: “Lê Hữu Dương làm việc rất có cái tâm. Tiếp xúc với nhiều loại tội phạm nhưng Dương không ngại mà ngược lại, phạm nhân nào đồng chí cũng tiếp xúc, cũng gần gũi được”. Mới đây, Dương đã phát hiện liên tiếp hai vụ phạm nhân móc nối với công nhân nhà xưởng để mua điện thoại di động đưa vào trại giam sử dụng. Rồi trường hợp phạm nhân Thảo “ma” móc nối với công nhân đưa cần sa vào trong trại giam ngụy trang bằng hộp vitamin C... Dương suy nghĩ: “Những việc vi phạm nội quy của trại thì phải được xử lý nghiêm nhưng trên hết vẫn là tình người, bởi họ cũng là con người, chỉ là trong nhất thời họ phạm tội nên giờ phải ở đây”.
Với những đóng góp tích cực trong việc cảm hóa phạm nhân, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi vi phạm của phạm nhân trong trại giam, đại úy Lê Hữu Dương đã giành được nhiều thành tích trong các phong trào thi đua, được lãnh đạo Trại giam Đại Bình và Tổng Cục VIII tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen.
Đức Huy