Bên dân nơi đầu sóng, ngọn gió…
Trong suốt thời gian bão số 13 đổ bộ vào miền Trung, lực lượng Công an (CA) sát cánh với nhân dân tại những nơi, những thời điểm khó khăn nhất.
Lãnh đạo CA tỉnh Quảng Bình trực tiếp về địa bàn trọng yếu để chỉ đạo công tác sơ tán, giúp dân chạy bão. |
Giúp dân phòng, chống bão số 13
Trưa 14-11, mưa càng lúc càng xối xả, gió bắt đầu giật mạnh. Trên khắp các địa bàn, quận ven biển, vùng trũng thấp có nguy cơ ngập lụt, sạt lở cao tại Đà Nẵng như Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, H. Hòa Vang, hàng trăm CBCS CA, CSKV, Cảnh sát PCCC&CHCN chạy đua với thời gian di dời hàng chục nghìn người dân, tài sản đến điểm an toàn khi bão số 13 chỉ còn cách Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung hơn 200 km... Tính đến 14 giờ chiều 14-11, lực lượng CA phối hợp với Quân đội và các ngành chức năng địa bàn ven biển, vùng nguy cơ sạt lở cao tại Đà Nẵng đã hoàn thành sơ tán hơn 92.600 người dân.
"Từ sáng sớm 14-11, trên nhiều đoạn có địa bàn vùng trũng thấp tại Cẩm Lệ, Hòa Vang, người dân đã thấy các chiến sĩ CA, CSKV xuất hiện, đến từng nhà, dìu từng cụ già, giúp các mẹ các chị phụ nữ nhanh chóng thu gom đồ đạc, hỗ trợ các hộ dân chèn chống nhà cửa, kê cao đồ đạc", một người dân tại xã Hòa Tiến cảm động cho biết.
Trong khi đó, từ đêm 13 đến trưa 14-11, hàng trăm CBCS cùng nhiều phương tiện của các đơn vị CA các phường ven biển như Thọ Quang (Q. Sơn Trà), Hòa Hải (Q. Ngũ Hành Sơn), Thanh Khê Tây (Q. Thanh Khê), Hòa Hiệp Bắc (Q. Liên Chiểu) đã trực tiếp đến địa bàn giúp các trường học, nhà dân chằng chống nhà cửa, đưa thuyền thúng lên bờ, kiểm tra các lồng bè, tàu thuyền đang neo đậu, chằng buộc phương tiện tránh bão. Tại P. Thọ Quang (Q. Sơn Trà), CAP phối hợp đưa các hộ dân ven biển đến 5 điểm tập trung kiên cố, an toàn đón người dân đến trú bão gồm: Trụ sở PCCC, nhà chống bão đa năng Lộc Phước, 3 trường tiểu học và một thư viện đa năng Song Gan. Tại P. An Hải Bắc (Q. Sơn Trà), 12 CSKV đến từng khu dân cư để giúp sơ tán dân, gia cố nhà cửa, 6 CBCS đứng điểm đảm bảo ANTT tại 4 điểm trên địa bàn phường đã sơ tán dân đến nơi ăn ở tập trung. Tại Hòa Vang, với địa hình miền núi, một số nhà ở của người dân tộc Cơ Tu tại hai thôn Tà Lang, Giàn Bí có nguy cơ bị sạt lở, CAX, dân quân xã Hòa Bắc đã đến từng nhà động viên, yêu cầu người dân di dời đến nơi an toàn tránh những tình huống xấu xảy ra…
CA tỉnh TT- Huế dọn dẹp cây cối ngã đổ trên các tuyến đường trong ngày 15-11. |
Những đợt di dời lịch sử
Dự báo là một trong những địa bàn bão số 13 đổ bộ, lực lượng CA các huyện, thị xã Hương Trà, Hương Thủy, Quảng Điền, Phong Điền, Phú Lộc, Phú Vang, Nam Đông, A Lưới và TP Huế của tỉnh TT- Huế đã phối hợp với chính quyền các cấp và các đơn vị tổ chức di dời, sơ tán 15.943 hộ dân, 52.900 nhân khẩu trong tổng số 20.005 hộ, 67.674 nhân khẩu nằm trong kế hoạch phải di dời. Tình đến 11 giờ trưa 14-11, việc sơ tán dân đã hoàn tất. Theo Đại tá Bùi Hồng Phong- Trưởng CAH Phú Vang cho biết, để giúp người dân di dời, sơ tán và ứng phó bão số 13, CAH đã bố trí nhiều tổ công tác về địa bàn các xã, thị trấn tuyến biển phối hợp với lực lượng CA cơ sở giúp người dân chằng chống nhà cửa, di dời người, tài sản đến nơi an toàn. Đặc biệt, tại các địa bàn ven biển như thị trấn Thuận An, xã Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên, lực lượng CAX chính quy đã phát huy vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, rà soát số hộ dân ở vùng xung yếu phải di dời, quyết liệt triển khai biện pháp cưỡng chế di dời trước bão. CAH Phú Vang và lực lượng CA các xã biển đã phối hợp di dời 3.443 hộ với 12.395 nhân khẩu đến nơi an toàn.
Khi bão số 13 bắt đầu dịu, ngay trong sáng 15-11, CA các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Phong Điền, Quảng Điền, CATP Huế… đã huy động CBCS phối hợp với CA cơ sở giúp người dân khắc phục hậu quả do bão số 13 gây ra.
Tương tự, tại Quảng Trị, bão và hoàn lưu bão số 13 khiến huyện đảo Cồn Cỏ có gió mạnh cấp 10, giật cấp 12. CAH Cồn Cỏ phối hợp với huyện đội đưa 189/233 người sinh sống trên đảo vào hầm trú ẩn an toàn và bám trụ bảo vệ tài sản của người dân. Tại H. Vĩnh Linh, CAH phối hợp di dời sơ tán trên 1.300 hộ dân. Trước tình hình 55 xã, phường, thị trấn ở các huyện Cam Lộ, Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và Đakrông và một phần của TP Đông Hà xảy ra các sự cố gián đoạn cung cấp điện, CA tỉnh Quảng Trị đã cử lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, bố trí CAX đến các địa bàn giúp ngành Điện khắc phục sự cố đồng thời giúp dân di dời khỏi các vùng biển xâm thực, ngập nặng.
Ở Quảng Bình, ngay từ sáng sớm đến đêm 14-11, CA các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Minh Hóa, Tuyên Hóa… đã điều động nhiều tổ công tác về cơ sở giúp đỡ dân chằng chéo nhà cửa, phối hợp với chính quyền các địa phương, đơn vị, cơ sở kinh doanh…để có phương án sửa soạn, sắp xếp xe cộ, các loại tài sản để vừa hạn chế thiệt hại khi bão đổ bộ vào, đồng thời có biện pháp bảo vệ tính mạng, tài sản cho nhân dân và cơ quan, đơn vị.
Đại tá Nguyễn Tiến Nam- Giám đốc CA tỉnh Quảng Bình cho biết đã phân công từng thành viên Ban giám đốc về các địa bàn xung yếu để chỉ đạo công tác phòng chống bão. Lực lượng CA toàn tỉnh triển khai lực lượng đến các địa bàn trọng yếu, vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng để cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân triển khai các phương án phòng chống bão lụt. Các phòng nghiệp vụ và các địa phương sẵn sàng lực lượng, trang thiết bị, chủ động nắm chắc tình hình, đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở, bảo vệ tài sản, tính mạng nhân dân, không để các loại tội phạm lợi dụng tình hình bão lũ để phạm tội…
C.A