Bến Tre học hỏi Đà Nẵng giải pháp đưa người nghiện vào trung tâm cai nghiện bắt buộc

Thứ ba, 31/05/2016 11:43

(Cadn.com.vn) - Thời gian qua, trong khi một số địa phương cả nước khá lúng túng trong việc lập hồ sơ, thủ tục đưa người nghiện ma túy vào trung tâm cai nghiện bắt buộc (theo quy định tại Nghị định 221 của Chính phủ) thì TP Đà Nẵng đã vận dụng linh hoạt các quy định của pháp luật đã rút ngắn rất nhiều thời gian, công sức và đưa được nhiều người nghiện vào trung tâm cai nghiện tập trung. Cách làm của Đà Nẵng đã mang lại hiệu quả tích cực, được một số địa phương tìm đến trao đổi, học hỏi kinh nghiệm. Ngày 30-5, Đoàn công tác của UBND tỉnh Bến Tre đã đến Đà Nẵng để tìm hiểu về cách làm này.

Đại tá Trần Mưu phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của UBND tỉnh Bến Tre do Đại tá Lê Văn Hòa, Phó Giám đốc CA tỉnh dẫn đầu, Đại tá Trần Mưu, Phó Giám đốc CATP Đà Nẵng cho rằng: Quan điểm của Đà Nẵng là xem người nghiện ma túy là người bệnh, vì vậy phải nhanh chóng đưa họ vào cơ sở chữa bệnh càng sớm càng tốt. Tất nhiên mọi biện pháp, cách làm đều phải phù hợp, hay nói cách khác là không trái với quy định của pháp luật... “Những vấn đề Chính phủ, bộ, ngành liên quan chưa quy định, hướng dẫn cụ thể thì Đà Nẵng sẽ mạnh dạn quy định, hướng dẫn theo hướng không trái với quy định chung. Khi nào Chính phủ quy định cụ thể sẽ điều chỉnh sau”, Đại tá Trần Mưu nói.

Đại tá Lê Văn Hòa, Phó Giám đốc CA tỉnh Bến Tre cho biết: Thời gian gần đây, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp, xu thế ngày càng tăng và khó kiểm soát. Mặc dù số lượng người nghiện ma túy hiện nay có hồ sơ quản lý chưa nhiều (khoảng 1.300 người), nhưng đã xuất hiện hầu khắp địa bàn các huyện, xã trong tỉnh, kéo theo nhiều hệ lụy, gây bức xúc trong nhân dân. “Mặc dù địa phương cũng đã đưa ra nhiều giải pháp nhưng đang gặp phải vướng mắc, làm tới đâu biết tới đó chứ chưa tìm ra được giải pháp tối ưu nhất trong thực hiện Nghị định 221. Trong đó nổi lên một số vấn đề trong việc lập hồ sơ đưa người đi cai nghiện bắt buộc, cơ sở để xác định người không có nơi cư trú ổn định, đặc biệt là làm thế nào để rút ngắn thời gian lập hồ sơ”..., Đại tá Hòa nêu vấn đề.

Đại tá Lê Văn Hòa, Phó Giám đốc CA tỉnh Bến Tre phát biểu tại buổi học tập,
trao đổi kinh nghiệm.

Giải đáp một số thắc mắc từ Đoàn Bến Tre nêu, ông Lê Minh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB&XH) thành phố Đà Nẵng cho biết: Để rút ngắn thời gian lập hồ sơ đưa người đi cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm, bước đầu tiên là phải xác định tình trạng nghiện và công tác cắt cơn giải độc. Để thực hiện công tác này, cơ quan y tế, cụ thể là các y, bác sỹ (đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện tại các trạm y tế phường, xã) phối hợp cùng lực lượng CA tiến hành xác định tình trạng nghiện khi phát hiện đối tượng sử dụng ma túy 24/24 giờ. Bố trí khu vực cắt cơn, giải độc lồng ghép trong các Trung tâm, Phòng y tế các quận, huyện và phối hợp với lực lượng CA 24/24 giờ khi có nhu cầu sử dụng khu vực này.

Về xác định tiêu chí người không có nơi cư trú ổn định, theo ông Hùng, đó là người có nơi đăng ký HKTT hoặc tạm trú nhưng có tài liệu chứng minh không thường xuyên sinh sống tại nơi đăng ký HKTT hoặc tạm trú. Bên cạnh đó, thành phố cũng thành lập Cơ sở quản lý người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trong thời gian chờ lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (có quyết định kèm theo). Liên quan đến vấn đề này, đại diện UBND tỉnh Bến Tre đặt vấn đề: Trên thực tế công tác quản lý người nghiện tại địa phương cho thấy phổ biến tình trạng các đối tượng nghiện thường xuyên bỏ nhà đi lang thang, thuê khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ để ở và sử dụng trái phép chất ma túy, nên gia đình và địa phương rất khó quản lý. Vậy Đà Nẵng đã làm gì? Ông Lê Minh Hùng nói: “Tập trung vào đặc điểm này, Đà Nẵng đã tăng cường kiểm tra số đối tượng thường xuyên vắng mặt không có lý do chính đáng. Khi kiểm tra đều lập biên bản về việc đối tượng vắng mặt không có lý do chính đáng, có xác nhận của gia đình. Nếu vắng mặt nhiều lần (từ 2 lần trở lên), chúng tôi đưa vào diện không có nơi cư trú ổn định, tiếp đến nếu bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy thì tiến hành lập hồ sơ xử lý theo Nghị định 221”.

Về quy trình lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, thành phố đã ra Quyết định 28/2014 ban hành quy chế phối hợp giữa các ngành có liên quan, theo đó đã rút ngắn thời gian xuống còn 6 ngày thay vì 17 ngày so với Nghị định 221. Cụ thể, đối với lực lượng CA và các cơ quan, đơn vị khác thì trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện người nghiện phải mời cán bộ y tế có mặt xác định tình trạng nghiện; yêu cầu người vi phạm hoặc mời người giám hộ đọc và ký vào hồ sơ. Trong thời hạn 3 ngày phải chuyển qua Tổ tư vấn thẩm định hồ sơ (gồm trưởng Phòng LĐ-TB&XH làm Tổ trưởng; đại diện lãnh đạo các Phòng Tư pháp, Y tế, CA quận, huyện là thành viên) đề nghị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc. Sau khi hoàn thành hồ sơ thì chuyển qua tòa án cùng cấp để xét xử trong thời gian sớm nhất...

Tại buổi làm việc, rất nhiều vấn đề khác có liên quan do Đoàn công tác của UBND tỉnh Bến Tre đặt ra đã được các ngành chức năng TP Đà Nẵng trao đổi, nêu giải pháp, kinh nghiệm tháo gỡ. Đại tá Lê Văn Hòa nhìn nhận, đây là những cách làm hay, phù hợp với tình hình thực tế của không chỉ ở Đà Nẵng mà rất nhiều địa phương khác trong cả nước, trong đó có Bến Tre. “Chúng tôi sẽ nghiên cứu và tiếp thu cách làm này để áp dụng phù hợp với Bến Tre trong thời gian tới”, Đại tá Hòa cho biết.

D.Hùng