Bến Ván - dòng sông quê tôi

Thứ ba, 08/11/2016 09:17

(Cadn.com.vn) - Huyện Núi Thành (Quảng Nam) quê tôi có dòng sông Bến Ván hiền hòa chảy qua. Tuổi nhỏ của tôi gắn bó với dòng sông quê với những trưa hè cùng chúng bạn chia phe đánh trận giả. Leo lên mấy cây lộc vừng để "phục địch" không ngờ bị "địch"  phát hiện liền nhảy "ùm" xuống dòng sông nhắm mắt lặn một hơi dài trốn biệt, khi hết hơi ngóc đầu dậy không ngờ chộ mặt với con bạn, hắn cảnh cáo "đồ ăn gian"; chỉ biết nhăn răng cười khì... Lúc còn thơ nghe ông tôi kể lại rằng: Đất làng tôi xưa kia khô cằn quanh năm, gò nối gò cát trắng phau phau, không cây gì mọc nổi. Đời sống người dân quê vì thế cứ mãi khó nghèo. Nỗi thống khổ của dân tình thấu đến tận trời xanh, Ngọc Hoàng thấy vậy liền sai Thần sông khai cho người dân một con sông. Hôm đó, trời đang quang, mây tạnh thì xuất hiện một trận cuồng phong, sấm sét ì ầm, mưa xối xả trút xuống, qua một ngày trời lại quang. Người dân ra rìa làng thấy một con sông nước trong vắt thấy tận đáy, nước chảy đến đâu cây cối xanh tươi đến đó. Cả làng đang ngơ ngác thì có một giọng nói ầm ầm từ trên cao vọng xuống: "Ta thấy các ngươi dưới đó đã đến vô cùng của sự khốn khổ, nhưng lâu nay ta cũng không xuống hạ giới nên không biết được. Ta thật có lỗi. Nay ta ban cho các ngươi dòng sông này để có nguồn nước mà làm ăn sinh sống"... Chuyện kể của ông khiến lòng tôi lúc nào cũng đau đáu về con sông Bến Ván. Rồi khi trưởng thành, đọc thấy trong sách Đại Nam Nhất thống chí viết về dòng sông quê mình, lòng tôi thật mừng khôn xiết. Sách ghi rằng "Sông Bản Tân (Bến Ván): ở cách huyện Hà Đông 52 dặm về phía nam, có hai nguồn: một nguồn từ núi Ô La nguồn Hữu Bang, một nguồn từ núi Nha Não, chảy về phía đông qua ấp Tân An thì hai dòng hợp nhau làm sông Bản Tân (Bến Ván) rồi chảy về phía đông bắc vào đầm An Thái, đổ ra cửa biển Đại Áp. Năm Đinh Tý đầu thời Trung Hưng, đại binh tiến đánh Quảng Nam, sai Hậu quân phó tướng Trần Văn Biện và binh bộ Nguyễn Đức Thiện đem quân vào cửa biển Hiệp Hòa đóng ở Bản Tân để ngăn đường viện binh của giặc, tức là sông này" .

Sông Bến Ván.

Cũng theo Đại Nam nhất thống chí "Đập Nha Não ở thượng lưu sông Bến Ván thuộc thôn Nha Não, cách huyện Hà Đông 22 dặm về phía nam, tục gọi là Cống Đá, Năm Đinh Tý đầu thời Trung Hưng, đại binh tiến đánh Quảng Nam, Hậu quân phó tướng Trần Văn Biện và Binh bộ Nguyễn Đức Thiện đánh phá được đô đốc giặc là Gia ở Cống Đá, tức là đây".

Ngày nay, đứng trên cầu An Tân nằm trên quốc lộ 1A phóng tầm nhìn về phía dãy núi Răng Cưa là chỗ hợp lưu của hai dòng, một dòng xuất phát từ Ô La, một từ  Nha Não (nói theo địa danh ngày nay là một dòng ở xã Tam Nghĩa, một dòng ở xã Tam Trà chảy qua địa phận Tam Mỹ rồi đến chỗ hợp lưu); nhìn về phía dưới là di tích đầm An  Thái (bây giờ là những đầm nuôi tôm) và  cửa biển Đại Ấp (cảng Kỳ Hà). Còn chạy ngược theo hướng thượng lưu theo nhánh sông ở phía xã Tam Nghĩa khi qua khỏi đồi Yên Ngựa (tức Núi Thành) nơi diễn ra trận đánh diệt Mỹ đầu tiên của quân dân Quảng Nam,  sẽ gặp Cống Đá (đập Nha Não ngày xưa).

Thời học trò, tôi thường nghe các cụ kể rằng,  nơi đây, Vua Quang Trung từng cho quân lính về ngụ. Quân, quan của Vua Gia Long cũng từng nghỉ nơi chốn này. Ao bà Bân là nơi mà các quân sĩ đào để lấy nước cho voi uống, giếng Ông Cát là do quân quan nhà Nguyễn làm để lấy nước dùng cho việc ăn uống và tắm rửa. Cách đây 10 năm tôi thấy ao Bà Bân vẫn còn  nhưng giờ đây do dân tình lấn áp nên chỉ có tí teo, riêng  giếng Ông Cát vẫn còn và mạch nước vẫn trong ngọt như thuở nào.

Lê Văn Huân