Bệnh nhân tâm thần sau điều trị: Cần lắm một nhịp cầu

Thứ sáu, 27/10/2017 01:40

Theo thống kê, năm 2016, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng tiếp nhận 87.164  lượt khám bệnh chữa bệnh. Các dạng bệnh lý thường gặp là rối loạn tâm thần, động kinh, trầm cảm, nghiện rượu... Điều đáng nói, những năm gần đây, bệnh rối loạn tâm thần do nghiện chất (ma túy và nghiện rượu), tâm thần gây án có dấu hiệu gia tăng. Bác sĩ (BS) Lâm Tứ Trung- Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng cho biết, để việc điều trị bệnh tâm thần được hiệu quả rất cần sự phối hợp của gia đình, xã hội. Bởi trên thực tế, khi bệnh nhân được điều trị tại bệnh viện có liệu trình bài bản nhưng gia đình không biết cách chăm sóc thì khả năng tái bệnh sẽ cao.

Bệnh nhân tâm thần rất cần sự chung tay của toàn xã hội.

Cụ thể, tại bệnh viện ngoài việc điều trị bằng thuốc, các bệnh nhân được điều trị tâm lý, phục hồi chức năng, vậy nên khi về với gia đình việc để bệnh nhân uống thuốc điều trị thường xuyên không bỏ bữa sẽ rất quan trọng. Tuy nhiên, đa số hoàn cảnh của bệnh nhân đều khó khăn nên ít được người thân quan tâm, chăm sóc đúng mức. Thậm chí có nhiều trường hợp người nhà vì "đề phòng" người bệnh quậy phá mà áp dụng hình thức xích, cách ly khiến bệnh ngày một nặng thêm. Khó khăn lớn nhất trong quá trình điều trị bệnh tâm thần đó chính là nhận thức của người dân về căn bệnh này. Nhiều bệnh nhân sau khi điều trị ổn định tái nhập cộng đồng nhưng vì lối suy nghĩ chưa đến nơi của một số người làm hạn chế khả năng "thoát bệnh" của họ.

Những bệnh nhân đã được điều trị ổn định, khi về với cộng đồng cũng cần được quan tâm hỗ trợ công việc phù hợp với khả năng, trình độ, nhận thức của mình. Lao động- chính là "liều thuốc" hữu hiệu giúp họ quên đi mặc cảm mình là... con bệnh. Trong quá trình điều trị bệnh, các bác sĩ gặp không ít khó khăn đó chính là sự phối hợp chưa nhịp nhàng giữa gia đình với bệnh viện. "Có gia đình vừa đem con đến nhập viện được chừng 3 ngày, một hai đòi làm thủ tục ra viện bằng được vì đi coi thầy nói rằng bị ma bắt nên mới "điên" nên phải về nhà để cúng.

Mặc cho bác sĩ khuyên can đủ điều nhưng gia đình không nghe, vậy nhưng vài ngày sau lại thấy mang con đến bệnh viện vì cúng rồi nhưng không đỡ...", một bác sĩ công tác tại BV Tâm thần Đà Nẵng cho hay. Cũng theo lời bác sĩ này, để điều trị được bệnh (dù ở loại bệnh nào) cũng cần phải có thời gian nhất định, không thể nôn nóng ngày một ngày hai. Thêm vào đó chính từ lối suy nghĩ cổ hủ, mang màu sắc "liêu trai" càng làm cho bệnh tình của bệnh nhân chẳng những không thuyên giảm mà còn nặng thêm theo kiểu "tiền mất tật mang". Nhiều trường hợp khác, gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên khi bệnh nặng mới đưa vào viện nên quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi thời gian điều trị phải lâu dài.

Nói về những khó khăn của đội ngũ y-bác sĩ tại bệnh viện, bác sĩ Lê Văn Nguyên- Trưởng khoa Cai nghiện chất- Điều trị bắt buộc (BV Tâm thần Đà Nẵng) chia sẻ: "Hiện khoa có 42 bệnh nhân, trong đó có 9 bệnh nhân về rượu, 17 bệnh nhân ma túy, 6 trường hợp điều trị bắt buộc. Ngày đầu mới vào, một số bệnh nhân mất khả năng nhận biết, bị kích động, chúng tôi rất khó khăn để tiêm thuốc. Ở đây, chuyện bác sĩ, điều dưỡng bị bệnh nhân giật đứt nút áo, giật kính, ống nghe, thậm chí bị đuổi chạy quanh phòng... là chuyện bình thường.

Nguy hiểm nhất khi họ bị loạn thần nhìn người này ra người khác, hoặc nhìn ra con vật nào đó..., thế là lao vào đánh, thậm chí các bệnh nhân này còn có hành vi quấy rối tình dục đối với y tá, bác sĩ nữ. Tuy nhiên, sau thời gian được điều trị, hỗ trợ tích cực của các y- bác sĩ, tình trạng bệnh của các bệnh thân có dấu hiệu thuyên giảm rõ rệt". Căng thẳng là thế nhưng các bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý  của bệnh viện đều cho rằng, khi chọn nghề này, họ đã chuẩn bị tâm lý. Đặc biệt, với kiến thức chuyên môn, họ biết phải xử lý các tình huống mà mình đối mặt,  vì vậy việc bác sĩ "làm bạn" và sống trong thế giới của người bệnh để bệnh nhân chịu ăn, chịu uống thuốc... là chuyện thường.

Để điều trị bệnh đối với các bệnh nhân tâm thần, điều mong mỏi nhất của đội ngũ y-bác sĩ công tác tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng đó là có sự chung tay của cộng đồng. Trước hết là không kỳ thị với người bệnh, không xích, nhốt người bệnh. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cần quan tâm chế độ, chính sách hỗ trợ phù hợp cho gia đình của bệnh nhân để tạo điều kiện thuận lợi cho họ trong việc chăm sóc và đưa bệnh nhân tham gia các dịch vụ điều trị liên tục tại cộng đồng. Ưu tiên huấn luyện nghề và tạo điều kiện ưu đãi về việc làm sau khi bệnh nhân xuất viện. Làm thế nào để bệnh nhân không bị mặc cảm bởi với họ để được "quên" đi thế giới điên loạn là một việc làm khó nhưng vô cùng ý nghĩa. Vì vậy, cộng đồng hãy chung tay làm nhịp cầu nối để họ trở về với đời sống bình thường dễ dàng hơn...

TRANG TRẦN