Bệnh sốt mò có nguy cơ quay trở lại?

Thứ bảy, 30/08/2014 09:50

(Cadn.com.vn) - Từ ngày 23 đến 27-8, đã có 2 ca bệnh sốt mò được bác sỹ Trung tâm Y tế Q. Ngũ Hành Sơn (TTYT NHS) phát hiện kịp thời, điều trị hiệu quả. Bệnh sốt mò khá phổ biến trong thời kỳ chiến tranh, thời “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, nay dường như bị “lãng quên”.

Chính vì vậy, những ca bệnh sốt mò thường ít được chẩn đoán, điều trị kịp thời, đã gây chi phí điều trị cao, bệnh ngày càng nặng và nguy cơ gây tử vong cao. Sự xuất hiện liên tục 2 ca bệnh sốt mò trong 1 tuần, tại một địa phương, không khỏi gây nên tâm lý lo lắng.

Dễ điều trị, khó phát hiện

Sốt mò là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính. Bệnh còn được gọi dưới nhiều tên khác nhau như sốt ve mò, sốt Tsutsugamushi, sốt bụi rậm, sốt triền sông Nhật Bản... Bệnh từ thú vật lây cho người qua trung gian là ấu trùng ve (mò). Ở Việt Nam, thời điểm thích hợp cho bệnh bộc phát là vào mùa mưa (từ tháng 6 đến tháng 9).

Mấy chục năm trước đây, khi điều kiện vệ sinh môi trường không đảm bảo, sự tiếp xúc thường xuyên với các ổ dịch thiên nhiên (từ cây cỏ, bụi rậm...), thì bệnh sốt mò khá phổ biến. Thời đại hiện nay, bệnh sốt mò ít được nhắc tới như các bệnh SARS, cúm A, sốt xuất huyết... và tương đối hiếm gặp, nhất là trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Chính vì vậy, bệnh sốt mò rất dễ bị bỏ sót nếu không nghĩ đến, hoặc thường nhầm lẫn với các bệnh khác như thương hàn, sốt xuất huyết Dengue, nhiễm trùng huyết... cùng các bệnh nhiễm khuẩn khác. Bệnh nhân thường có biểu hiện lâm sàng sốt cao kéo dài, mệt mỏi, biểu hiện giống như nhiễm trùng huyết hoặc sốt Dengue.

Do bệnh thường khó phát hiện, dễ nhầm lẫn với các bệnh khác nên người bệnh thường phải trải qua các xét nghiệm đắt tiền, thường dùng với nhiều kháng sinh phổ rộng, nhưng không đáp ứng, kể cả những kháng sinh đắt tiền gây chi phí tốn kém có thể lên đến hàng chục triệu đồng, thời gian điều trị kéo dài 15-20 ngày vẫn không đem lại hiệu quả điều trị, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bệnh nhân, có trường hợp bệnh nặng kéo dài có thể dẫn đến suy đa phủ tạng, suy thận, gan và thậm chí tử vong.

Song, nếu bệnh được phát hiện kịp thời, được điều trị Doxycylline liều 100mg, 2 viên/ngày, mỗi viên chưa đến 1.000 đồng; bệnh nhân sẽ dứt sốt sau 2-3 ngày điều trị và 3-5 ngày sau có thể xuất viện, khỏe mạnh bình thường, tổng chi phí điều trị 1 đợt chỉ khoảng hơn 200.000 đồng.

Bác sĩ Phạm Văn Dũng - Phó Giám đốc TTYT NHS đang thăm khám bệnh nhân bị sốt mò. Ảnh: H.NHẬT

“Dị ứng” với xét nghiệm và thuốc đắt tiền

Ngày 23-8, bệnh nhân Mai Thị Đôi (58 tuổi) và ngày 27-8, bệnh nhân Thái Thị Thu Vân (20 tuổi), cùng P.Hòa Quý, Q.Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng nhập viện trong tình trạng sốt cao kéo dài, đã tự điều trị bác sỹ tư nhiều ngày, vẫn không bớt.

Qua vài ngày theo dõi, thăm khám, thấy 2 bệnh nhân điều trị kháng sinh không đáp ứng, các bác sỹ TTYT NHS đã thăm khám lâm sàng kỹ, phát hiện vết loét do ấu trùng mò đốt, nên đã xác định 2 bệnh nhân này bị sốt mò và sau vài ngày điều trị  đúng bệnh, ngày 28-8, 2 bệnh nhân đã dứt sốt, sức khỏe ổn định.

Có thể nói vết loét là tiêu chuẩn vàng, rất đặc trưng của bệnh sốt mò, nhưng để phát hiện ra vết loét không dễ, đòi hỏi bác sỹ thăm khám bệnh phải kỹ lưỡng, chu đáo, có kinh nghiệm, vì vết loét không đau, không ngứa, rát và thường ở vùng kín như nách, bẹn, bộ phận sinh dục.

Sốt mò là bệnh hiếm gặp, khó phát hiện, nhất là trong tình hình hiện nay, sự lạm dụng các xét nghiệm và thuốc đắt tiền, thăm khám bệnh không kỹ đã trở nên khá phổ biến, trong khi đó bệnh sốt mò lại “dị ứng” với xét nghiệm và thuốc đắt tiền. Sự thiếu kinh nghiệm về bệnh sốt mò, lạm dụng xét nghiệm và thuốc đắt tiền  khiến cho bệnh sốt mò dễ bị bỏ sót, người bệnh không được điều trị kịp thời phải chịu chi phí cao, nhưng bệnh không khỏi, nguy hiểm đến tính mạng.

Với sự phát triển đô thị hiện nay, khả năng tiếp xúc với các ổ dịch thiên nhiên ít hơn, nên bệnh sốt mò hiếm gặp. Theo công trình nghiên cứu khoa học về đặc điểm lâm sàng, xét nghiệm và điều trị bệnh sốt mò của Thạc sỹ, bác sỹ Phạm Văn Dũng- Phó Giám đốc TTYT NHS, thì 10 năm trở lại đây, trên địa bàn TP Đà Nẵng chỉ xảy ra gần 40 ca sốt mò.

Tuy nhiên, trong 1 tuần (từ ngày 23 đến 27-8), đã có 2 bệnh nhân ở P.Hòa Quý bị bệnh sốt mò, cho thấy nỗi lo bệnh sốt mò có thể quay trở lại trong tình hình thời tiết thay đổi, vệ sinh môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Chính vì vậy, dù hiện nay bệnh hiếm gặp trên địa bàn Đà Nẵng, nhưng khi bệnh nhân có các triệu chứng lâm sàng như trên và sau khi đã được điều trị kháng sinh không đáp ứng, cần nghĩ đến bệnh sốt mò để điều trị kịp thời, hiệu quả, tránh tốn kém không cần thiết cho người bệnh.

Hồng Nhật