Bệnh sốt xuất huyết ở Đà Nẵng có xu hướng gia tăng

Thứ bảy, 13/07/2019 12:58

Trước tình hình bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang có chiều hướng gia tăng trên địa bàn thành phố, ngành Y tế TP Đà Nẵng đã chỉ đạo các đơn vị, cơ sở y tế  tăng cường công tác phòng, chống và điều trị bệnh SXH….

Diệt muỗi, lăng quăng là biện pháp cần đặc biệt quan tâm hàng đầu trong việc chống dịch SXH.

Hơn 3.000 trường hợp mắc SXH

Hiện nay, bệnh SXH vẫn luôn là bệnh truyền nhiễm có số ca nhập viện nhiều nhất, gây tổn hại đến sức khỏe và kinh tế của người dân.

Từ đầu năm 2019 đến nay, TP Đà Nẵng ghi nhận hơn 3.000 trường hợp mắc SXH (tăng 178% so với cùng kỳ năm 2018). Một số địa phương liên tục ghi nhận số ca mắc SXH tăng cao như: Q. Cẩm Lệ (265 ca, tăng 143%), Q. Hải Châu (615 ca, tăng 241%), H. Hòa Vang (307 ca, tăng 298%) và Q. Thanh Khê (821 ca, tăng 300%). Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (TTKSBTTP), tỷ lệ này cao một phần do cộng dồn từ đầu năm, khi đỉnh dịch của năm cũ chuyển sang. Đồng thời, Đà Nẵng là địa phương có nhiều cửa khẩu quốc tế, khí hậu nóng ẩm và đang trong quá trình đô thị hóa nên có nhiều yếu tố thuận lợi cho muỗi vằn truyền bệnh SXH xâm nhập, phát triển. Tuy nhiên, thời tiết nắng nóng như hiện nay mà vẫn liên tục ghi nhận số ca mắc SXH là điều rất bất thường, chưa từng xảy ra trước đây.

Theo BS Tôn Thất Thạnh - Giám đốc TTKSBT TP, nhằm chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh SXH, Sở Y tế thành phố đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương và các ban, ngành đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân tập trung vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, thu gom chai lọ, các vật dụng chứa nước, chủ động diệt lăng quăng, bọ gậy, không làm nơi trú ngụ cho muỗi vằn sinh sản và phun hóa chất. TTKSBT TP cũng đã phối hợp với Trung tâm y tế các quận, huyện tích cực điều tra, phân tích các điểm nguy cơ cao, có số lượng ca bệnh SXH và ổ dịch nhiều nhất, chỉ số véc-tơ cao để thực hiện xử lý; giám sát xử lý các ổ dịch nhỏ và ca bệnh đơn lẻ tại các địa phương theo đúng quy định do Sở Y tế ban hành…

Phòng chống dịch SXH - Chuyện không của riêng ai

Có mặt tại Khoa Y học nhiệt đới - Bệnh viện Đà Nẵng trong ngày 12-7, chúng tôi ghi nhận có nhiều bệnh nhân SXH đang điều trị tại đây.

Theo Khoa Y học nhiệt đới, đơn vị đang tiếp nhận, điều trị cho hơn 70 trường hợp SXH. Trong số này, có đến 70% là người Đà Nẵng. Theo thống kê của Bệnh viện Đà Nẵng, trong 6 tháng đầu năm 2019, đơn vị tiếp nhận điều trị cho hơn 1.300 bệnh nhân SXH (tăng gấp 6,5 lần so với cùng kỳ năm 2018). Bs Phạm Ngọc Hàm - Trưởng Khoa Y học nhiệt đới cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến dịch SXH tăng cao nhưng không loại trừ tâm lý chủ quan của người bệnh. Thêm vào đó, một số bệnh nhân vẫn còn nhầm lẫn triệu chứng SXH với bệnh do thời tiết nắng nóng nên chủ quan và sai trong cách nhận định và điều trị ban đầu. Chính điều này khiến số ca mắc SXH tăng lên và tỷ lệ mắc SXH nặng cũng cao hơn trước… 

BS Tôn Thất Thạnh cho rằng, để chủ động phòng chống dịch bệnh, ngoài việc tăng cường các biện pháp phòng bệnh SXH của các cấp, các ngành, mọi người dân cần chủ động phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng ngay tại nhà, khu dân cư, trong các trường mầm non, nhóm trẻ gia đình; vệ sinh môi trường xung quanh, ngủ màn, diệt muỗi, lăng quăng, làm sạch các vật dụng chứa nước… nhằm cắt đứt môi trường sinh sản của muỗi vằn gây bệnh SXH. "Việc phòng chống dịch SXH là công việc của toàn dân, không riêng ngành nào, cấp nào, nếu người dân còn chủ quan, lơ là hoặc chưa hiểu hết mối nguy hiểm của dịch bệnh SXH thì rất khó cho công việc khống chế, dập dịch. Diệt muỗi, lăng quăng bằng mọi biện pháp và nằm màn khi đi ngủ (cả ban ngày và ban đêm) là 3 biện pháp cần đặc biệt quan tâm hàng đầu trong việc chống dịch SXH. Một trong những yếu tố quyết định của hoạt động phòng, chống SXH chính là sự tự giác tham gia diệt lăng quăng, phòng chống muỗi truyền bệnh của từng hộ gia đình và cả cộng đồng xã hội", BS Thạnh khẳng định.

L.HÙNG

Người nhiễm bệnh SXH thường có những biểu hiện như sốt cao đột ngột từ 2 - 7 ngày, xuất huyết dưới dạng chấm rải rác trên da hoặc bầm, chảy máu cam, nôn ra máu. Ngoài ra, người bệnh còn bị sốc với mạch nhanh, nhẹ, huyết áp giảm hoặc không đo được, chân tay lạnh, bứt rứt… Kèm theo một số triệu chứng không đặc trưng như: chán ăn, đau cơ, đau khớp, đau bụng. Bệnh SXH hoàn toàn có khả năng dẫn đến trụy tim mạch, rất dễ gây ra tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời…