Bí ẩn những phụ nữ Mexico “bỗng dưng biến mất”

Thứ năm, 01/10/2015 10:45

(Cadn.com.vn) - Theo cảnh sát Mexico, mỗi năm tại quốc gia này có hàng ngàn phụ nữ, nhất là các thiếu nữ bỗng dưng biến mất một cách bí ẩn. Người ta cho rằng, nguyên nhân bắt nguồn từ các đường dây buôn người, tội phạm, trong đó có sự tiếp tay của mạng xã hội.

Những thiếu nữ “ra đi không trở lại”

Theo số liệu chính phủ Mexico vừa công bố, từ năm 2011-2012 tại bang Mexico, gần thủ đô Mexico City, có 1.238 phụ nữ bị mất tích và 53% trong số này dưới 17 tuổi. Đây cũng là bang nguy hiểm nhất đối với phụ nữ Mexico, với ít nhất 2.228 người bị sát hại trong vòng 1 thập kỷ qua.

Một trong những vụ mất tích được nói đến nhiều nhất là trường hợp của Karen, người bỗng dưng mất tích hồi năm 2013 khi mới 14 tuổi. Sau 3 giờ không tìm được con, gia đình Karen báo cảnh sát. Nhưng ở Mexico, những vụ mất tích như thế này là nhiều không xuể. Và gia đình Karen quyết định tự cứu con gái.

Mọi việc bắt đầu từ trang mạng xã hội của Karen. Qua tài khoản Facebook của con gái, người mẹ biết, Karen có hơn 4.000 người bạn, đủ hạng người, trong số này có một người được xem là “ông trùm” băng đảng, từng chụp ảnh nhiều lần với Karen. Y liên lạc liên tục với Karen vài ngày trước khi cô gái mất tích. Lo cho số phận của con gái, gia đình khẩn trương vào cuộc để chặn đứng nguy cơ con mình bị đưa ra nước ngoài. Họ một lần nữa nhờ cảnh sát can thiệp, ra thông báo và dán ảnh Karen lên các xe buýt ở thủ đô Mexico City, kết hợp đưa ảnh Karen lên truyền hình và đài phát thanh. Nhờ sự cảnh giác và giúp đỡ của người dân, sau 16 ngày mất tích, người ta phát hiện Karen cùng một cô gái khác, vốn cũng được báo cáo mất tích. Cả hai được một đường dây buôn người chuẩn bị đưa sang New York với lời hứa làm nghề ca hát.

Trường hợp tương tự khác xảy ra hồi tháng 10-2014 với Syama Lemus, 17 tuổi. Theo bà Neidda, mẹ nạn nhân, Syama là cô gái ngoan hiền và có phần nhút nhát, nhưng lại rất nghiện mạng xã hội và quen với rất nhiều người trong cuộc sống ảo này. Ngày Syama biến mất, một người hàng xóm tình cờ trông thấy người đàn ông đội mũ trùm đầu đến đón em bằng taxi. Cho đến nay, không ai biết Syama ở đâu, còn sống hay đã chết.

Kênh Grand, nơi nhiều thi thể phụ nữ Mexico mất tích đã được tìm thấy.

Mạng xã hội - công cụ tiếp tay cho nạn buôn người?

Đầu tháng 7, thống đốc bang nơi Syama sinh ra thừa nhận bạo lực giới tính là vấn đề nghiêm trọng diễn ra tại khu vực này và ban hành “báo động đỏ về giới” tại 11 trong số 125 cộng đồng địa phương.

Câu chuyện của Karen và động thái của chính quyền bang này tuy muộn màng nhưng được xem là niềm hy vọng cho các gia đình ở Mexico trước nạn buôn người diễn ra nhức nhối. Theo Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM) mỗi năm, ước tính có khoảng 20.000 người bị buôn bán trái phép ở Mexico. Hầu hết những người này đều được “săn lùng” thông qua mạng xã hội, bằng những lời hứa ảo, như cho đi học trở thành ca sĩ, người mẫu… nhưng thực chất là bị ép làm gái mại dâm.

Việc sử dụng công nghệ cao để lừa đảo không phải là mới, nhưng số người bị lừa vẫn không giảm, nhất là giới trẻ. Rất nhiều thanh niên ở Mexico không lường được sự nguy hiểm của công cụ này, tự cung cấp thông tin, đăng tải ảnh cá nhân cùng các thông tin khác như địa chỉ gia đình, số điện thoại, tên trường, sở thích hay chứng minh nhân dân... lên mạng. Theo cảnh sát Mexico, không ít vụ thiếu niên ở Mexico, đặc biệt là các bé gái, bị kẻ buôn người bắt cóc qua các thông tin trên mạng xã hội, rơi vào tầm ngắm của chúng. Thậm chí, nhiều người còn bị giết hại, xác bị vứt tại kênh đào Grand.

Kim Hùng
(Theo BBC)