Bí ẩn sau vụ mất tích một ngôi sao bóng đá
(Cadn.com.vn) - Một trong những cú sốc lớn nhất trong lịch sử World Cup xảy ra năm 1950, khi Mỹ đánh bại Anh, nhờ một bàn thắng của cầu thủ người Haiti Joe Gaetjens. Sau khi Gaetjens trở lại Haiti như một người hùng, ông biến mất và bị giết chết. Nhiều câu hỏi được đặt ra trong đó người ta tập trung đến khả năng có thể đây là âm mưu của chính Tổng thống Haiti lúc đó.
“Ngôi sao bất đắc dĩ”
Joe Gaetjens làm nên tên tuổi vào ngày 29-6-1950.
15.000 người hâm mộ bóng đá ở sân vận động Belo Horizonte của Brazil sững sờ. Chỉ vài giây trước, họ nghĩ rằng, Mỹ không có cơ hội nhỏ nào để đánh bại Anh bởi các cầu thủ Mỹ chỉ xem đá bóng là một nghề tay trái. Họ là một giáo viên, một lái xe... và Gaetjens là một sinh viên kế toán. Gaetjens sinh ra tại thủ đô Port-au-Prince của Haiti vào năm 1924. Năm 1947, ông học Đại học Columbia ở New York.
Trong khi ở đó, ông nhận công việc rửa chén bát trong một nhà hàng - một phần vì tiền nhưng chủ yếu là do chủ sở hữu nhà hàng cũng sở hữu đội bóng đá Brookhattan. Gaetjens là tiền đạo ngôi sao của đội và ông sớm được các huấn luyện viên đội quốc gia Mỹ chú ý. Gaetjens được đưa vào đội tuyển tham dự World Cup và lên đường đến Brazil, nơi đội tuyển Mỹ phải đối mặt với đội Anh.
Gia đình ông thậm chí còn không biết ông nằm trong đội cho đến khi họ nghe tên ông trên các đài phát thanh. Vinh quang không kéo dài bởi Mỹ thua trận tiếp theo và bị loại. Cuối cùng, Gaetjens quyết định không nhập quốc tịch Mỹ và theo đuổi sự nghiệp bóng đá ở Pháp, nơi ông trải qua 2 mùa giải tương đối thành công. Đến năm 1954, ông trở về Haiti. “Người dân Haiti hạnh phúc và tiệc tùng ăn mừng. Nó giống như một nghi lễ quốc gia”, người con tên Lesly nói.
Chấn thương sớm kết thúc sự nghiệp thi đấu của Gaetjens và mở đường cho ông trở thành một huấn luyện viên thành công.
Joe Gaetjens được tung hô sau khi trở thành người hùng giúp Mỹ thắng Anh. Ảnh: BBC |
Bị thủ tiêu?
Nhưng lúc đó là thời điểm khó khăn về mặt chính trị. Năm 1957, Francois “Papa Doc” Duvalier được bầu làm tổng thống. Ông củng cố quyền bằng vũ lực, xây dựng lực lượng dân quân riêng - được gọi là Tontons Macoutes- để nhắm mục tiêu vào các đối thủ. Ước tính có khoảng 30.000 người bị giết trong 14 năm cai trị của Duvalier bởi ông không hề do dự loại bỏ những người phản đối. Năm 1964, trong bối cảnh người dân sợ hãi và hoang tưởng, Duvalier tuyên bố mình sẽ làm tổng thống mãi mãi.
Gaetjens không hoạt động chính trị nhưng những người khác trong gia đình kích động khiến ông thay đổi. Hai anh em của Gaetjens, Jean và Freddie đến nước Cộng hòa Dominica láng giềng và tham gia kế hoạch lật đổ Duvalier. Kế hoạch không bị phát hiện nhưng cái tên Gaetjens nằm trong sự chú ý của Duvalier. Gaetjens không nhận ra sự nguy hiểm cho đến khi quá muộn. Vào ngày 8-7-1964, khi Lesly 7 tuổi, cha ông biến mất.
Vợ ông, bà Liliane, đã làm tất cả mọi thứ có thể để tìm ông nhưng mọi người quá sợ hãi nên không thể giúp đỡ. Tất cả những gì bà Liliane tìm hiểu được là ông được đưa tới Fort Dimanche, một nhà tù khét tiếng để tra tấn. Bà và các con ở lại Haiti, sống trong sợ hãi, cho đến năm 1966.
Tháng 1 năm đó, họ lên một chiếc máy bay đến Puerto Rico giả vờ đi nghỉ mát, nhưng trong thực tế họ sẽ phải sống lưu vong để bắt đầu một cuộc sống mới. Trong nhiều năm sau đó, họ luôn hy vọng rằng Gaetjens còn sống. Họ chỉ nhận được xác nhận chính thức về cái chết của ông vào năm 1972 - một năm sau khi Duvalier chết. Sau cái chết của Duvalier năm 1971, con trai ông, Jean-Claude, còn được gọi là Baby Doc, lên nắm quyền và cai trị Haiti cho đến năm 1986.
Sau đó, Jean-Claude trốn khỏi đất nước trong bối cảnh Haiti ngày càng khốn khổ và bất mãn.
An Bình
(Theo BBC)