Bí ẩn vụ ám sát cựu Thủ tướng Bhutto

Thứ năm, 28/12/2017 10:54

Đã 10 năm trôi qua kể từ sau vụ ám sát cựu Thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto, người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo một quốc gia Hồi giáo. Dù kẻ tấn công đã được xác định, nhiều kẻ liên quan bị kết án tù, nhưng những bí ẩn đằng sau vụ ám sát gây chấn động này vẫn còn đó.

Bà Benazir Bhutto trong cuộc vận động tranh cử ở Rawalpindi, nơi bà bị ám sát vào ngày 27-12-2007.

Cựu Thủ tướng Benazir Bhutto bị một kẻ đánh bom tự sát chỉ mới 15 tuổi tên Bilal sát hại vào ngày 27-12-2007. Lúc đó, bà vừa hoàn thành bài phát biểu vận động tranh cử ở Rawalpindi, thiếu niên này tiếp cận đoàn xe, nổ súng vào bà và kích nổ bom liều chết. Bilal thực hiện vụ ám sát này theo lệnh của nhóm khủng bố Taliban tại Pakistan (TPP).

Cái chết của bà Bhutto gây chấn động khắp Pakistan và cả thế giới, gây ra tình trạng bất ổn ở quốc gia Nam Á này. Chính quyền Pakistan đã buộc phải mở cuộc điều tra quy mô lớn về vụ này trước sức ép rất lớn từ khắp nơi trên thế giới. Nhưng công cuộc điều tra gặp phải rất nhiều trở ngại và kết thúc trong chưa đầy 1 năm với báo cáo kết luận, TPP là thủ phạm gây ra cái chết của bà Bhutto. Tuy nhiên, những người ủng hộ bà Bhutto cáo buộc chính quyền quân sự của Tổng thống Pervez Musharraf đứng sau vụ ám sát này. Họ chặn đường, đốt lửa và hô khẩu hiệu chống chính quyền Pakistan.

Đã 10 năm trôi qua, Pakistan vẫn rơi vào vòng xoáy bất ổn. Và những bí ẩn đằng sau vụ ám sát gây chấn động này vẫn còn đó.

Cuộc điện thoại đe dọa

Một thập kỷ trôi qua, vị tướng nắm quyền ở Pakistan tại thời điểm đó - cựu Tổng thống Pervez Musharraf - đã nói về vụ ám sát, nói về khả năng có nhân vật trong quân đội có mối liên hệ với TPP trong vụ này.

Khi được hỏi liệu có nhân vật nào trong quân đội liên quan Taliban trong vụ ám sát này, tướng Musharraf trả lời: "Có khả năng, vì xã hội này bị phân cực về vấn đề tôn giáo". Và, ông nói, những nhân vật đó có thể liên quan đến cái chết của bà Bhutto. Đây thật sự là phát ngôn gây sửng sốt. Bởi lẽ, các lãnh đạo quân đội Pakistan luôn bác bỏ bất kỳ giả định nào về sự liên quan của nhà nước trong các vụ tấn công của TPP. Khi được hỏi liệu ông có thông tin cụ thể nào về các nhân vật liên quan vụ ám sát, ông nói: "Tôi không nói rõ nhưng tôi nghĩ nhận định của mình rất chính xác".

Cựu tướng Musharraf bị cáo buộc tội giết người, âm mưu giết người và tạo điều kiện cho hành vi giết người liên quan đến vụ ám sát bà Bhutto. Các công tố viên cho biết, ông Musharraf đã gọi cho bà Bhutto ở Washington vào ngày 25-9, chỉ 3 tuần trước khi bà chấm dứt 8 năm sống lưu vong để trở về nước tham gia tranh cử. Trợ lý lâu năm của bà Bhutto, Mark Seighal và nhà báo Ron Suskind nói rằng, họ ở cạnh bà Bhutto khi nhận cuộc gọi của ông Musharraf. Ông Seighal cho biết, bà Bhutto đã nói: "Ông ta đe dọa tôi và nói không nên về nước". Theo ông Seighal, ông Musharraf nói ông sẽ không chịu trách nhiệm về những gì sẽ xảy ra với bà Bhutto nếu bà về nước. Tuy nhiên, theo BBC, Tướng Musharraf cương quyết phủ nhận cuộc gọi và bác bỏ suy đoán, ông đã ra lệnh giết bà Bhutto. "Tôi cười vào suy đoán đó. Tại sao tôi phải giết bà ấy?", ông nói với BBC.

Những người ủng hộ cựu Thủ tướng Benazir Bhutto sốc nặng sau khi bà bị sát hại.   Ảnh: Getty Images

Kế hoạch ám sát

Cho đến nay, thủ tục tố tụng chống lại cựu tướng Musharraf bị đình trệ vì ông đang sống lưu vong tại Dubai. Con trai của bà Bhutto và cũng là người thừa kế chính trị của bà, ông Bilawal, bác bỏ những lời phủ nhận của cựu tướng Musharraf.

"Ông Musharraf khai thác toàn bộ tình hình lúc đó để lên kế hoạch ám sát mẹ tôi", ông Bilawal nói và khẳng định, "ông ta (cựu tướng Musharraf) đã cố tình phá hoại hàng rào bảo vệ an ninh lúc đó để những kẻ tấn công dễ dàng thực hiện kế hoạch". Trong khi cáo trạng liên quan ông Musharraf bị đình lại, một số kẻ liên quan đã bị sờ gáy. Trong vòng vài tuần sau vụ ám sát, 5 nghi phạm thú nhận giúp tên Bilath ám sát bà Bhutto theo lệnh của TPP.

Tên đầu tiên bị bắt, Aitzaz Shah, được chọn để giết bà Bhutto. Y nhận được lệnh sẽ là người đánh bom tự sát. Tuy nhiên, y tỏ ra khó chịu và sau đó vì lo sợ thất bại, Taliban quyết định đổi người, giao nhiệm vụ cho Bilal. Hai tên khác, Rasheed Ahmed và Sher Zaman, thú nhận tham gia âm mưu trong khi hai người anh em họ là Hasnain Gul và Rafaqat Hussain, thừa nhận cung cấp chỗ ở cho kẻ đánh bom Bilal đêm trước khi xảy ra vụ việc.

Các công tố viên và những người ủng hộ bà Bhutto tin tưởng rằng, những kẻ bị buộc tội này sẽ bị kết án. Nhưng mọi hy vọng sụp đổ khi trong phiên xét xử hồi cuối tháng 8 vừa qua, Tòa án Chống khủng bố ở Rawalpindi không kết án 5 người này. Cựu Tổng thống Musharraf cũng thoát án trong vụ án này. Chỉ có 2 sĩ quan cấp cao của cảnh sát quốc gia Pakistan là cựu cảnh sát trưởng tỉnh Rawalpindi Saud Aziz và cựu chỉ huy cảnh sát Khurram Shehzad bị tuyên án 17 năm tù. Hiện 5 nghi phạm liên quan TPP vẫn còn đang bị giam giữ trong khi chờ giải quyết mọi khiếu nại.

Xinh đẹp, tài năng nhưng bạc mệnh

Bà Bhutto sinh ra trong gia đình có truyền thống chính trị. Bà là con gái của Zulfikar Ali Bhutto, thủ tướng đầu tiên của Pakistan được bầu theo thể chế dân chủ. Ông Zulfikar Ali Bhutto cũng là người sáng lập đảng Nhân dân Pakistan (PPP). Tuy nhiên, sự nghiệp chính trị của ông cũng đã kết thúc sớm khi ông bị chính quyền quân sự của tướng Zia-ul Haq treo cổ.

Bà Bhutto, sau khi học xong 3 trường đại học danh giá gồm Harvard, Oxford và Cambridge, đã trở về thay cha nắm quyền lãnh đạo đảng PPP vào năm 1987. Là nhân vật nổi trội trên chính trường Pakistan, bà Bhutto từng hai lần làm thủ tướng, từ 1988-1990 và từ năm 1993-1996. Xinh đẹp và tài năng, cái tên Benazir Bhutto đã trở thành một hình mẫu cho sự tương phản mới mẻ với cơ cấu chính trị nam giới thống trị các nước Hồi giáo. Tuy nhiên, bà luôn bị quân đội ngờ vực và cáo buộc bà tham nhũng để tước quyền. Sau khi mất quyền lực lần thứ hai, bà Bhutto luôn dính đến các cáo buộc tham nhũng. Kết quả là, bà đã phải sống lưu vong ở nước ngoài kể từ năm 1999.

Vào tháng 10-2007, bà Bhutto quay trở về Pakistan để chuẩn bị tham gia cuộc bầu cử Quốc hội sẽ diễn ra vào tháng 1- 2008. Nhưng công cuộc trở về lần này của bà Bhutto thật lắm gian nan. Khi đó, căng thẳng chính trị gia tăng ở Pakistan, bất ổn lan tràn với hàng loạt vụ đánh bom tự sát. Và đúng như dự đoán, lần trở về Karachi của bà Bhutto trở vào tầm ngắm của các phiến quân Taliban. Một vụ đánh bom liều chết xảy ra ngay khi bà Bhutto vừa trở về Karachi. Bà sống sót sau vụ tấn công vốn giết chết hơn 150 người, nhưng đúng 2 tháng sau lại bị ám sát khi đang vận động tranh cử ở Rawalpindi. Trước thời điểm bị ám sát, bà đang nỗ lực vận động tranh cử để tìm kiếm nhiệm kỳ thủ tướng thứ ba.

KHẢ ANH