>> Bí ẩn vụ ám sát Robert F. Kennedy (3)
Kỳ cuối: hé lộ những bí ẩn
(Cadn.com.vn) - Cho đến tận bây giờ, vụ ám sát thượng nghị sĩ Robert F. Kennedy vẫn là một bí ẩn. Người phụ nữ mặc váy chấm polka, quá nhiều viên đạn được bắn ra, khung cửa trúng đạn bị mất tích, khả năng hung thủ bị “thôi miên”… tất cả đã tạo nên một vụ ám sát gây tranh cãi nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Phiên tòa gây tranh cãi
Sau khi bị buộc tội, thủ phạm Sirhan Sirhan yêu cầu gặp luật sư của Liên minh Tự do dân sự Mỹ (ACLU) và nhờ họ làm đại diện hợp pháp cho y tại tòa.
 |
Hung thủ Sirhan tại tòa. Ảnh: UPI |
Tuy nhiên, tại phiên tòa ngày 2-8-1968, kẻ thủ ác Sirhan kiên quyết không nhận tội khiến vụ án trở nên căng thẳng. Đầu tháng 10, Herbert V. Walker – nổi tiếng với biệt danh là “hiệu trưởng của các thẩm phán tòa án hình sự” tiếp nhận vụ án này. Là một thẩm phán chưa bao giờ đặt tình cảm lên trên luật pháp và lúc nào cũng công bằng trong các phiên xử, nhưng ông
Walker cho rằng, phiên tòa lần này có gì đó không nhân văn. Tuy nhiên, phiên xét xử vẫn được tiếp tục. Giữa tháng 10, cả bên công tố và bên điều tra đều nhất trí rằng, Sirhan đã hành động một mình. Trong những tuần sau đó, tòa án tranh luận việc cảnh sát vào lục soát nhà Sirhan hồi tháng 6 ngay sau khi xảy ra vụ án là đúng hay sai. Cuối cùng, tòa quyết định việc đó là hợp pháp vì ông Adel Sirhan - đồng chủ sở hữu của ngôi nhà đã mời cảnh sát vào nhà. Cuốn sổ tay tịch thu được tại nhà Sirhan được sử dụng làm bằng chứng tại tòa. Một phiên tòa chính thức được mở ngày 7-1-1969, sau một thời gian dài bị trì hoãn, trong bối cảnh an ninh được thắt chặt tối đa. Tại phiên tòa, đã có một sự ngã giá bất ngờ: hung thủ Sirhan được kêu gọi nhận tội, đổi lấy y sẽ chỉ phải nhận mức án tù chung thân chứ không phải tử hình. Bên công tố hoàn toàn ủng hộ đề nghị, không chỉ vì quyết định này sẽ giúp kết thúc một phiên tòa kéo dài mà còn vì Sirhan có thể sẽ không bị kết tội vì bác sĩ chẩn đoán y bị “tâm thần”.
Tuy nhiên, thẩm phán Walker không đồng ý. Ông viện dẫn bản kết án Lee Harvey Oswald - thủ phạm ám sát Tổng thống John F. Kennedy vào năm 1963. Lúc đó, Ủy hội Warren (do tổng thống kế nhiệm Lyndon B. Johnson thành lập) kết luận là Oswald đơn phương đã ám sát Kennedy. Y bị bắn chết. Ông Jack Ruby, người đã bắn Oswald, không bao giờ có những lý giải thỏa đáng cho hành động này, làm dấy lên những nghi ngờ rằng, đây chỉ là một âm mưu. Tại phiên tòa vào tháng 2, các công tố viên đã cho mời các nhân chứng, đó là 5 người bị thương trong vụ ám sát; các nhân viên pháp y; các chuyên gia về súng; cảnh sát và đặc biệt là Trung sĩ William Jordan, người đầu tiên thẩm vấn Sirhan sau vụ ám sát. Một nhân chứng bất ngờ được mời đến đó là người đàn ông sống gần nhà Sirhan. Người này khai rằng, ông đã nghe Sirhan hét lên rằng, y căm hận ông Robert Kennedy.
Ngày 14-4, sau 15 tuần tranh tụng với 89 nhân chứng, phiên tòa xét xử kẻ ám sát thượng nghị sĩ Kennedy kết thúc. Ngày 17-4, sau 3 ngày nghị án, tòa tuyên án Sirhan phạm tội giết người, cố ý giết 5 người bằng vũ khí chết người. Ngày 21-5, thẩm phán Walker kết án tử hình đối với Sirhan. Tuy nhiên, năm 1972, chính quyền Mỹ bỏ án tử hình và Sirhan thoát nạn.
Những mối nghi ngờ
Vài tuần sau khi phiên tòa kết thúc, Báo Los Angeles đăng tải bài viết của hai nhà báo Lillian Castellano và Floyd Nelson về khả năng một “tay súng thứ hai” tại hiện trường vụ ám sát. Họ đã có được bức ảnh “bằng chứng” là hai lỗ đạn tại các ngăn gỗ giữa cánh cửa tự động ở cuối phía tây phòng bếp Khách sạn Đại sứ. Một nhiếp ảnh gia tự do đã chụp những bức ảnh đó.
Tuy nhiên, trước khi bài báo được đăng tải 10 tháng, ngày 28-6-1968, cảnh sát đã dỡ bỏ cánh cửa này. Cảnh sát Los Angeles (LAPD) sau đó quy vòng trước áp lực trả lời rõ ràng lý do vì sao lại dỡ bỏ các cánh cửa này. Trợ lý cảnh sát Daryl Gates cho biết, “sự thật là có những lỗ hổng trên các ngăn gỗ của cánh cửa và chúng tôi nghĩ rằng, đó là những lỗ đạn. Chúng tôi mang đến trụ sở để chụp X-quang, nhưng sau đó xác định “không phải là lỗ đạn”. Khi được yêu cầu cho xem phim X-quang, ông Gates nhún vai và cho biết đã vứt phim X-quang ngay sau đó. Năm 1974, cựu thượng nghị sĩ bang New York Allard K. Lowenstein bắt đầu quan tâm đến vụ ám sát bí ẩn này. Ông Lowenstein, cùng với Paul Schrade - phụ tá của ông Kennedy đã bị thương trong vụ ám sát - tổ chức một cuộc họp báo, yêu cầu điều tra lại. Họ gửi một danh sách các câu hỏi đến LAPD - trong đó, yêu cầu cung cấp thông tin thêm về cánh cửa mất tích. Nhưng họ không bao giờ nhận được câu trả lời. Cũng trong thời gian đó, các nguồn tin báo chí cho rằng, người có khả năng là “hung thủ thứ hai” trong vụ ám sát chỉ có thể là Thane Eugene Cesar – Vệ sĩ của Cty Ace Security. Cesar là người đã cầm tay và kè kè bên ông Kennedy trong suốt thời gian ông bước vào phòng bếp. Tuy nhiên, theo nhà điều tra Moldea, Cesar không có khả năng tội phạm.
Trong khi đó, phóng viên Shane O”Sullivan, người viết kịch bản bộ phim về vụ ám sát Robert Kennedy đã có dịp lần ra dấu vết của một người có tên David Sanchez Morales, được coi là một nhân vật có mặt trong nhiều chiến dịch bí mật của CIA. Khi có trong tay tấm ảnh của Morales chụp tại Cuba vào năm 1959, Shane ngay lập tức so sánh với các bức ảnh chụp hiện trường vụ ám sát Kennedy. Các bức ảnh cho thấy, Morales đã có mặt ở cuối gian phòng khách sạn vào thời điểm bài phát biểu của Robert Kennedy đã kết thúc, nhưng vụ ám sát chưa diễn ra. Khoảng 30 phút sau, một tấm ảnh khác lại ghi nhận Morales đang đi lại trong một căn phòng tối, bên cạnh một người có bộ râu nhỏ đang ghi chép gì đó vào cuốn sổ tay. Qua tìm hiểu người có bộ râu nhỏ đó chính là Gordon Campbell, từng làm việc với Morales tại căn cứ JM-Wave vào năm 1963. Ngoài ra, theo phóng viên Shane O”Sullivan, ông David Rabern - cựu lính đánh thuê cũng có mặt ở khách sạn Đại sứ vào đêm xảy ra vụ ám sát cũng xác nhận đã nhìn thấy Morales và Campbell trò chuyện với nhau trong phòng nghỉ giải lao trước vụ ám sát. Tuy nhiên, Rabern chỉ nghĩ đó là hai nhân viên bảo vệ của ông Kennedy.
Ngày 8-6-1998, kỷ niệm 30 năm xảy ra vụ ám sát RFK, Sirhan Sirhan - thụ án tại nhà tù Corcoran ở California - lại một lần nữa tuyên bố mình vô tội. Ở Pasadena, em trai Adel Sirhan nói với giới báo chí rằng, “anh trai tôi bị kết án từ những bằng chứng giả”. Luật sư Lawrence Teeter đại diện cho thủ phạm Sirhan tin rằng, thân chủ của ông đã “thôi miên” để thực hiện vụ ám sát. Ông Teeter đã đệ đơn lên Tòa án tối cao California, yêu cầu xét xử lại. “Cách duy nhất để tưởng niệm ông Robert Kennedy là tìm ra đích xác thủ phạm đã giết ông”. Tuy nhiên, cho đến nay vụ ám sát này vẫn chỉ là những câu hỏi không có lời giải.
Thanh Văn (Theo Trutv)