Bi-hài mua hàng online
(Cadn.com.vn) - Hiện nay khi internet ngày càng phát triển, nhu cầu sử dụng dịch vụ mạng để giao dịch thương mại điện tử cũng ngày càng trở nên phổ biến và tiện dụng hơn. Tuy nhiên, bên cạnh sự tiện ích mà dịch vụ này mang lại cũng xuất hiện rất nhiều thủ đoạn lừa đảo, lợi dụng sự tín nhiệm của người mua hàng để chiếm đoạt tài sản...
Vấn đề bán hàng qua mạng ngày càng nở rộ, đặc biệt là thông qua Facebook, nhiều người còn lập các fanpage riêng để bán hàng từ hàng gia dụng, quần áo, mỹ phẩm đến thực phẩm, dịch vụ... Mua hàng online đem lại không ít tiện ích cho người tiêu dùng, tuy nhiên, đây là một trong những hình thức mua bán hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Lợi dụng tính chất "ảo" của mạng xã hội, nhiều kẻ xấu đã "đánh" vào những người mua nhẹ dạ cả tin để bán các mặt hàng gần hết hạn sử dụng, mẫu mã, chất lượng khác xa với quảng cáo... Đó là những sự cố người tiêu dùng hay mắc phải khi mua hàng qua mạng internet.
Sản phẩm thật (phải) khác xa với sản phẩm rao bán trên mạng. |
Nhiều người thích mua sắm trực tuyến vì sự tiện lợi và dễ giao dịch. Họ cho rằng hằng ngày đi làm rồi bận chăm sóc gia đình, con cái, cùng nhiều việc khác nên ít có thời gian để có thể đến một cửa hàng nào đó để mua sắm những vật dụng cần thiết nên họ chọn cách mua hàng online, đơn vị cung ứng sẽ mang đến tận nơi cho đỡ tốn kém thời gian. Người bán rất sẵn, người mua rất tiện, mặc nhiên các giao dịch thương mại online cứ thế đua nở, khách hàng có thể sở hữu mọi thứ, chỉ cần ngồi một chỗ và kích chuột thì hàng hóa đặt mua trực tuyến sẽ được chuyển đến tận nơi, vì thế bán hàng online đang phát triển một cách chóng mặt với vô số những vật dụng khác nhau, phục vụ nhu cầu thị hiếu của khách hàng và điều đặc biệt là các "cửa hàng" này không bao giờ đóng cửa, phải chăng là bạn có gõ đúng "cửa" hay không... Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, việc kinh doanh qua mạng xã hội cũng gặp không ít khó khăn khi có nhiều người lợi dụng để mạo danh, lừa đảo người tiêu dùng, bán các sản phẩm kém chất lượng...
Qua tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay trên địa bàn TP Đà Nẵng, rất nhiều loại hàng hóa như quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm... được quảng cáo mạnh mẽ trên facebook nhưng nhiều mặt hàng chưa được kiểm chứng về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm cũng được công khai quảng cáo, mua bán. Không phải fanpage, website mua bán nào cũng là địa chỉ tin cậy cho người tiêu dùng, bên cạnh những tiện ích mà mua hàng online đem lại thì cũng chứa đựng nhiều tiềm ẩn rủi ro. Chị T.T.D.N (Q. Cẩm Lệ) tỏ ra khá bức xúc khi nói về tình trạng mua bán hàng kém chất lượng, lừa đảo người tiêu dùng qua mạng xã hội. Có lần, chị N. muốn tặng một món quà nhân dịp sinh nhật con nhưng không có thời gian đi mua. Thông qua một fanpage bán áo quần trên facebook, chị chọn mua một chiếc váy rất dễ thương nhưng khi nhận hàng chị vô cùng thất vọng vì nó khác xa với hình ảnh quảng bá trên facebook, từ mẫu mã đến chất liệu vải, hoàn toàn không như lời giới thiệu của chủ shop "hàng y hình 100%". Sau khi chị phản hồi thông tin lại shop thì không có bất cứ một lời giải thích nào, facebook cá nhân chị sau đó lại bị chặn. Sự việc của chị N. là thực trạng chung của rất nhiều khách hàng khi mua phải hàng hóa kém chất lượng qua mạng. Do đặc thù giao dịch, việc mua bán hàng trực tuyến không có sự tiếp xúc trực tiếp giữa người bán hàng và người mua nên hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình mua bán là khá phổ biến.
Mặc dù, những vụ lừa đảo qua mạng có chiêu trò không mới, cách thức quảng cáo sản phẩm bằng lời lẽ "có cánh", cùng với hình ảnh bắt mắt đánh vào tâm lý ham hàng đẹp, giá cả phải chăng khiến không ít người rơi vào tình cảnh "dở khóc dở cười". Những trang này có đặc điểm chung là "ship hàng toàn quốc" và quảng cáo bằng những hình ảnh hấp dẫn, bắt mắt để câu khách... Chia sẻ với chúng tôi, bạn Đ.T.T (H.Hòa Vang) cho biết: "Với mong muốn nhanh hết mụn nên tôi đã mù quáng khi tin vào lời quảng cáo ầm ĩ, cũng như cam kết này nọ trên một fanpage bán mỹ phẩm và đặt mua một hộp kem trị mụn với giá hơn 700 ngàn đồng, kể cả tiền ship hàng, nhưng khi sử dụng tôi thấy da ngứa rát, nổi mẩn đỏ... vậy là "tiền mất tật mang", biết kêu ai bây giờ...". Nhiều người bán hàng online còn có những chiêu trò "giật" tiền của khách hàng vô cùng tinh vi, người bán yêu cầu người mua chuyển tiền trước rồi mới chuyển hàng sau. Để lấy được tiền của khách hàng, những người bán này thường giảm giá sản phẩm ở mức rất sốc, rồi giục người mua chuyển khoản trước để giữ hàng, nếu không sẽ không mua được giá đó... Việc giao dịch, mua bán trên mạng xã hội của các cá nhân hầu như không chịu sự quản lý của cơ quan nào. Theo nguyên tắc, một khi đã kinh doanh thì phải thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Tuy nhiên, trên mạng xã hội có nhiều tài khoản ảo nên việc quản lý các trang mạng này gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, quy định về việc nộp thuế của người bán hàng trên mạng xã hội đang bị bỏ ngỏ. Việc mua hàng qua mạng là hoàn toàn dựa vào lòng tin của người mua đối với người bán mà không có cơ chế đảm bảo giao dịch nào nên cần phải thận trọng và cảnh giác. Khi mua hàng online mọi người cần phải lưu ý các vấn đề như: Hạn chế mua hàng ở các trang web có nguồn gốc không rõ ràng, không có uy tín; Không nên chuyển tiền trước để đặt cọc mua hàng mà không rõ thông tin về người bán; Bên cạnh đó, nếu chẳng may khách hàng là nạn nhân của các thủ đoạn lừa đảo bán hàng trên cần thông tin cho các cơ quan chức năng và các diễn đàn thương mại điện tử để cảnh báo cho tất cả mọi người.
Thanh Hoa