Bi kịch “Rồng phu nhân” (3)

Thứ bảy, 04/06/2011 00:00

>> Bi kịch “Rồng phu nhân” (2)

Kỳ 3: từ "biệt điện" đến "tượng đài"

(Cadn.com.vn) - Vào thời thịnh nhất của gia đình họ Ngô (1954-1960), Trần Lệ Xuân chiếm cả một rừng cây quý 200 mẫu tại Định Quán, để chế tạo  báng súng xuất khẩu nước ngoài. Vợ chồng bà có phần hùn trong các cơ sở khai thác nước suối Vĩnh Hảo, lông vịt Chợ Lớn, phân chim đảo Hoàng Sa, than Nông Sơn, cát trắng Cam Ranh...

Ngoài các ngôi nhà đẹp đẽ, đắt tiền tại Pháp, Italia..., tại Đà Lạt, Lệ Xuân xây hẳn một tòa biệt thự mang tên Hồng Ngọc để tặng cha là luật sư Trần Văn Chương, dù ông Chương chưa một lần bước chân vào ngôi nhà sang trọng đó. Để làm nơi giải trí của gia đình và các tướng lĩnh, Trần Lệ Xuân còn cho xây biệt thự Bạch Ngọc. Nơi đây có một bể bơi nước nóng tráng lệ, dung tích 300m3, sâu 1,2-2,2m. Đến nay, nhiều người vẫn thắc mắc không hiểu Trần Lệ Xuân đã dùng loại năng lượng nào để hâm nóng một hồ nước tới 300m3 giữa tiết trời Đà Lạt quanh năm sương mù.

Còn tại biệt thự Lam Ngọc có đường hầm thoát hiểm nội bộ và hầm trú ẩn riêng của bà Trần Lệ Xuân, nắp hầm được làm bằng loại thép đặc biệt, đạn bắn không thủng. Các cửa kính của biệt thự Lam Ngọc cũng được thiết kế có khả năng chống đạn. Phía sau biệt thự Lam Ngọc có vườn hoa Nhật Bản vì bà Trần Lệ Xuân đã nhiều lần thuê các kỹ sư Nhật Bản thiết kế xây dựng và chỉnh sửa. Một hồ nước được thiết kế rất đặc biệt trong khu vườn, khi bơm nước đầy hồ sẽ hiện rõ hình bản đồ Việt Nam. Giữa địa đồ thu nhỏ này còn có dải phân cách thể hiện Vĩ tuyến 17 chia cắt Bắc - Nam. Đặc biệt, trong biệt thự Lam Ngọc có hầm trú ẩn được thiết kế bằng thép có thể chống đỡ được sức công phá của đạn B40 và đường hầm thoát hiểm mà cho đến tận ngày nay người ta vẫn chỉ có thể phỏng đoán các đường hầm trong nhà đều dẫn ra Cam Ly.

Bà Nhu bên tượng đài giả hiệu “Hai Bà Trưng”. 

Sau cuộc chính biến 1963, kết thúc chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, biệt điện này được trưng dụng làm Bảo tàng Sắc tộc Tây Nguyên vào thời Nguyễn Văn Thiệu nắm quyền. Đến năm 1975, trong cuộc tháo chạy của chế độ cũ, nhiều cổ vật vô giá tại đây đã bị tuồn ra nước ngoài, hoặc bị lấy cắp, đập phá. Sau ngày nước nhà thống nhất, chính quyền cách mạng đã tiếp quản và gìn giữ nơi này như một phần tài sản quốc gia. Đầu năm 2007, Bộ Nội vụ đã quyết định đầu tư 53 tỷ đồng để nâng cấp khu biệt điện này và thành lập tại đây Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 4 (Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước - Bộ Nội vụ) ở số 2-Yết Kiêu, Đà Lạt, Lâm Đồng trùng tu, phục chế nguyên vẹn, mở ra một hướng đi mới đầy triển vọng của sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa và du lịch. Đây chính là nơi bảo quản, lưu giữ hơn 30.000 mộc bản cực kỳ quý giá của triều Nguyễn mà chính Ngô Đình Nhu những ngày mới tốt nghiệp Trường École Nationale des Chartes - trường đào tạo lưu trữ viên cổ tự học danh tiếng của Pháp đã từng sưu tầm.

Còn xa hơn những tham vọng về vật chất, bên ngoài, mọi hoạt động của Trần Lệ Xuân luôn khoác chiếc vỏ cải cách, thúc đẩy sự tiến bộ xã hội, đề cao nữ quyền, nhưng bên trong, bà luôn mưu tính tham vọng đánh bóng vai trò cá nhân, thậm chí muốn biến mình thành một nữ vương kiểu mới.

 Sau ngày đảo chánh 1-11-1963, đầu tượng có gương mặt Trần Lệ Xuân
bị diễu hành trên đường phố.

Rõ ràng nhất là sau khi biến lễ Hai Bà Trưng thành ra một lễ Quốc khánh thứ nhì, Lệ Xuân lập tức tiến hành việc xây tượng Hai Bà Trưng ở Công trường Mê Linh Sài Gòn có khuôn mặt giống hệt hai mẹ con bà: Trần Lệ Xuân - Ngô Đình Lệ Thủy. Đây là việc làm cao ngạo, phi văn hóa, xúc phạm nghiêm trọng đến hai vị anh thư liệt nữ dân tộc, đã gây phẫn nộ cao điểm trong lòng người dân miền Nam. Thời điểm ấy, nhà thơ Đông Hồ có bài thơ “Tượng ai đâu phải tượng bà Trưng” như sau: Tóc uốn lưng eo kiểu lố lăng/Đón gió lại qua người ưỡn ẹo/Chờ chim Nam Bắc dáng tung tăng/Khuynh thành mặt đó y con ả/Điêu khắc tay ai khéo cái thằng!/Chót vót đứng cao càng ngã nặng/Có ngày gãy cổ đứt ngang lưng... Đây một hình xưa nhục nước non/Thay hai hình mới đứng thon von/Mình ni lông xát lưng eo thắt/Ngực xú chiêng nâng vú nở tròn/Tưởng đứng hiên ngang em với chị/Hóa ra dìu dắt mẹ cùng con/Dòng sông Bến Nghé, dòng sông Hát/Lưu xú lưu phương tiếng để còn.

Trước sự thao túng ngang tàng quá quắt của Trần Lệ Xuân, tháng 11-1960, các quân nhân thuộc Binh chủng Nhảy Dù đã tổ chức đảo chánh ông Diệm, trong đó đòi hỏi đầu tiên của họ là Lệ Xuân phải dời ra khỏi Dinh Tổng thống. Theo một bản tin của Tuần báo Time, Lệ Xuân đã hãnh diện khi biết được có đòi hỏi như vậy. Trong những giây phút đầu tiên của cuộc đảo chánh, Tổng thống Diệm và hầu hết phụ tá trong Dinh Độc Lập đều muốn chấp nhận những đòi hỏi phải thành lập một chính phủ mới. Chỉ một mình bà ta bác bỏ tất cả những đề nghị thỏa hiệp và khăng khăng đòi chiến đấu chống đảo chánh đến cùng. Cuối cùng, nhờ những lực lượng vẫn còn trung thành với ông Diệm, nên chấm dứt được cuộc đảo chánh của Binh chủng Nhảy Dù. Từ đó, ảnh hưởng của Trần Lệ Xuân lại càng gia tăng mãnh liệt, càng đe dọa tinh thần những kẻ muốn hạ bệ bà. Nhắc đến sự kiện này, Lệ Xuân thường châm biếm: “Trước đây thì họ không coi tôi ra gì. Nhưng bây giờ thì họ bắt đầu để ý đến tôi. Và mỗi lần tôi nói điều gì thì họ lại lo âu”.

Theo ký giả Halberstam của nhật báo New York Times thì “Tất cả chuyện gì sai quấy đều đổ tội lên đầu ông bà Nhu” và bà Nhu “đã trở thành mục tiêu của càng nhiều căm thù”. Còn theo sử gia Joseph Buttinger thì “Nhu và vợ là hai người bị thù ghét nhất Nam Việt Nam”.

Do đó, sau này, ngày 2–11–1963, khi nhà Ngô vừa sụp đổ, việc đầu tiên, số đông người dân Sài Gòn hành động là dùng một dây sắt từ một tàu thủy đang đậu ngay bến tàu để kéo sập tượng đài giả mạo Hai Bà Trưng, và chở trên xe xích lô máy đi bêu khắp Sài Gòn chiếc đầu tượng mang gương mặt Trần Lệ Xuân.

Trần Trung Sáng
(còn nữa)