Bi kịch “Rồng phu nhân”

Thứ năm, 02/06/2011 00:00

Kỳ 1: Chân dung Trần Lệ Xuân

Chân dung Trần Lệ Xuân 

(Cadn.com.vn) - Bà Ngô Đình Nhu, nhũ danh là Trần Lệ Xuân, người phụ nữ nổi tiếng một thời tại miền Nam Việt Nam trong chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm vừa qua đời cuối tháng 4-2011 tại Pháp, hưởng thọ 87 tuổi.

Trong ấn tượng của nhiều người, Trần Lệ Xuân thường được nhớ đến như một phụ nữ xinh đẹp, lẳng lơ, đầy mưu mô, ham mê quyền lực, qua các danh xưng như: “Đệ nhất phu nhân”, “Bà cố vấn”, hoặc “Rồng phu nhân” (Dragon Lady) - theo cách gọi mỉa mai của báo chí phương Tây nhại tên một nhân vật nữ quỷ quái do họa sĩ Milt Caniff tạo ra năm 1934 trong loạt truyện tranh “Terry and the Pirates” nổi tiếng của Mỹ.

Tuy nhiên, điều ít người biết, sau ngày Ngô triều sụp đổ (1963), trong gần 50 năm sống lưu vong đến ngày nhắm mắt, Trần Lệ Xuân đã nếm trải biết bao bi kịch cùng tận của kiếp người... Báo Công an TP Đà Nẵng trân trọng giới thiệu đến bạn đọc loạt bài dài kỳ của tác giả Trần Trung Sáng viết về con người này.

Trên thực tế, Trần Lệ Xuân không hẳn là một giai nhân sắc nước hương trời. Thời trẻ, bà có một gương mặt dễ nhìn, vóc người hơi nhỏ nhắn, chỉ cao dưới 1m50 (trong các bức ảnh, chúng ta cũng thường nhìn thấy bà đứng dưới trán anh em Diệm - Nhu, những người vốn có tầm vóc thấp). Tuy nhiên, bù đắp lại bà có lối trang điểm duyên dáng, ứng xử nhanh nhẹn, dễ gây ấn tượng, nên luôn là người nổi bật trong đám đông. McNamara (nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ) đã nhận xét về bà: “Giống như hầu hết những người Mỹ đến đất nước này, và theo tôi, cả nhiều người Việt nữa, tôi thấy bà Nhu là một người sáng sủa, mạnh mẽ và xinh đẹp, nhưng cũng độc ác và mưu mô - một mụ phù thủy thực sự”.

Trần Lệ Xuân sinh năm 1924, lớn lên từ một trong những gia đình giàu có và quý tộc nhất Việt Nam. Cha là luật sư Trần Văn Chương - người sau này từng giữ chức Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Mỹ. Thân mẫu của bà là Thân Thị Nam Trân - thuộc dòng dõi Hoàng tộc, từng là Quan sát viên Thường trực tại Liên Hợp Quốc.

Lúc nhỏ Lệ Xuân học Trường Albert Sarraut ở Hà Nội, tốt nghiệp tú tài Pháp. Bà là một học sinh tầm thường nhưng giỏi tiếng Pháp, mặc dù không viết thành thạo tiếng Việt.

Vào thời điểm luật sư Trần Văn Chương đặt văn phòng tại nhà số 71 đại lộ Gambetta, Hà Nội, ông Ngô Đình Nhu vừa học ngành văn hóa và thư viện từ Paris về làm quản thủ thư viện Đông Dương. Gia đình nhà Ngô đã đổi qua đạo Công giáo từ thế kỷ XVII. Thân phụ của ông Nhu đã từng phụ chính Đại thần cho triều Nguyễn. Trong những ngày ông Nhu lui tới phòng khách văn chương (salon litéraire) - một sinh hoạt văn hóa theo phong cách trí thức Pháp của gia đình Trần Văn Chương, với tư cách là bạn của bà Chương, ông Nhu nhiều lần thể hiện sự ngưỡng mộ Lệ Xuân.

 Trần Lệ Xuân và mẹ - bà Thân Thị Nam Trân.

Đầu tiên, Lệ Xuân không quan tâm đến ông Nhu, bởi bà nhỏ hơn ông đến 16 tuổi, trông ông lại đạo mạo, trầm mặc giống như một thầy dòng. Nhưng dần dần, do những xung khắc thường xuyên với mẹ và chị ruột (Trần Lệ Chi), Lệ Xuân nhận ra chỉ có đến với ông Nhu là cách hay nhất để thoát khỏi sự kìm kẹp của gia đình. Cả ông bà Trần Văn Chương cũng hoan hỉ chấp nhận cuộc tình duyên Xuân - Nhu khi nghe thầy tướng số nói: “Số cô nhà ta lấy người đàn ông này thì về sau sống trong nhung lụa, lên xe xuống ngựa, đường đường mệnh phụ phu nhân... Còn người đàn ông cũng cao sang lắm, dù tuổi chênh lệch, nhưng rất hạp với cô nhà để thành vợ chồng...”.

Năm 1943, Trần Lệ Xuân và Ngô Đình Nhu làm lễ cưới tại Nhà thờ Lớn do ông Ngô Đình Thục đứng ra chủ lễ, với sự có mặt của Đức cha Chaize và nhiều Linh mục Pháp - Việt khác.

Năm 1946, chiến tranh bùng nổ giữa Việt Minh và Pháp. Anh em nhà họ Ngô vốn từ lâu gắn bó mật thiết với thực dân, trước tiên là Ngô Đình Diệm bị Việt Minh bắt giam và nhốt tù một thời gian ngắn; kế đến là Ngô Đình Khôi, bị giết. Vợ chồng ông Nhu thoát thân được dời về sống tại TP Đà Lạt. Từ đó, họ bắt đầu nỗ lực tổ chức các hoạt động chính trị yểm trợ cho ông Diệm, khi đó được coi như là một "lãnh tụ quốc gia" đang lưu vong ở Mỹ.

Năm 1953, vợ chồng Nhu chuyển về Sài Gòn. Sau thất bại của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ, tháng 6-1954, vua Bảo Đại phong ông Diệm giữ chức Thủ tướng, ông Nhu nhanh chóng lập ra kế hoạch giúp anh trai thắng Bảo Đại trong cuộc tranh giành quyền lực: Tổ chức cuộc trưng cầu dân ý để dân chúng chọn một trong hai người vào ngày 25-10-1955. Kết quả ông Diệm đã “thắng” 98,2%, cuộc bầu cử và tiến hành thủ tục loại vua Bảo Đại, tuyên bố thành lập một nền Cộng hòa, tự xưng Tổng thống và bắt đầu một chế độ độc tài, bên cạnh sự ủng hộ và viện trợ hàng trăm triệu Mỹ kim của chính quyền Eisenhower.

 Vợ chồng Trần Lệ Xuân - Ngô Đình Nhu lúc mới cưới.

Vợ chồng Nhu dọn vào Dinh Độc Lập để rồi quyền lực của họ từng bước trở nên vô giới hạn. Theo hồi ký Đỗ Mậu Hoành Linh (Tâm sự tướng lưu vong, Nxb CAND, 1995), ông Nhu giữ chức Cố vấn chính trị cho chế độ Ngô Đình Diệm không phải là một chức vụ chính thức được công khai hóa và quy chế hóa như các vị lãnh đạo ở các nước khác. Thế nhưng, gia đình ông Nhu vẫn ở trong Dinh Tổng thống, và mọi người, mọi nơi, kể cả người ngoại quốc cứ gọi ông là “Ông Cố vấn”. Và do ông Diệm sống độc thân, nên Lệ Xuân từ “Bà Cố vấn” nghiễm nhiên trở thành “Đệ nhất phu nhân” với mọi thứ nghi thức rình rang. Thậm chí, một số quan sát viên khác thì cho rằng, chính bà ta mới là nhân vật thống trị trong gia đình nhà Ngô. Càng ngày bà càng tìm cách dính dự vào những chuyện đi ra ngoài địa hạt của chuyện phụ nữ và tìm cách để được ngang hàng với ông Tổng thống.

Trần Trung Sáng
(còn nữa)