Bí mật đằng sau sự biến mất bí ẩn của thủ lĩnh tối cao Taliban

Thứ bảy, 21/08/2021 10:01

Khi Taliban chuẩn bị chính thức nắm quyền chính phủ ở Afghanistan, mọi sự chú ý đã đổ dồn vào thủ lĩnh bí mật của tổ chức, Haibatullah Akhundzada.

Lãnh đạo Haibatullah Akhundzada của Taliban  Ảnh: IRFNews

 

Nhưng điều bất ngờ và gây ra nhiều câu hỏi hiện nay là sau khi Taliban chiến thắng và chiếm Kubal, chưa một lần thấy thủ lĩnh tối cao này xuất hiện.

Trong khi đó, mới đây, thủ lĩnh chính trị cấp cao nhất của Taliban Mullah Abdul Ghani, hay còn được gọi là Mullah Baradar đã trở về Afghanistan và được xem là sẽ lên nắm quyền ở quốc gia Nam Á này. Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông, Baradar đã đến Kandahar 2 ngày sau khi Taliban chiếm được Kabul. Việc ông Mullah Baradar xuất hiện trở về càng làm dấy lên nhiều câu hỏi đằng sau sự biến mất bí ẩn của thủ lĩnh tối cao Taliban Haibatullah Akhundzada.

Đài NDTV hôm 20-8 dẫn lời một quan chức chính phủ cấp cao Ấn Độ nói rằng Akhundzada có thể đang bị quân đội Pakistan giam giữ vì các thủ lĩnh cấp cao và thành viên Taliban không nhìn thấy ông ta trong 6 tháng qua. Tuyên bố công khai cuối cùng mà Akhundzada đưa ra là vào tháng 5-2020, đánh dấu kỳ nghỉ Eid al-Fitr báo hiệu sự kết thúc của tháng chay Ramadan. Theo quan chức trên, Ấn Độ cũng rất quan tâm đến việc Pakistan sẽ xử lý vấn đề này như thế nào.

Akhunzada lớn lên ở Panjwai, một quận ngoại ô Kandahar. Giống như hầu hết các thủ lĩnh cấp cao của Taliban, ông Akhunzada là người Pashtun, dân tộc lớn nhất của Afghanistan.Những năm 1980, ông Akhunzada tham gia các chiến dịch chống Liên Xô bên cạnh các sinh viên tôn giáo và giáo sĩ trẻ - những người sau này trở thành lực lượng hạt nhân của Taliban. Ông từng theo học tại các trường tôn giáo ở Afghanistan và nước láng giềng Pakistan láng giềng, là “cố vấn” tôn giáo chính của thủ lĩnh Mullah Omar.

Trong những thập kỷ gần đây, ông Akhunzada là thẩm phán tôn giáo hàng đầu của Taliban, là người quyết định các vấn đề hóc búa như tính hợp pháp của các cuộc tấn công liều chết hay việc chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) là đúng hay sai khi nhóm khủng bố này tìm cách thiết lập sự hiện diện ở Afghanistan. Ông Akhunzada cũng tham gia giảng dạy về những văn bản tôn giáo phức tạp và có uy tín nhất trong các trường học tôn giáo.

Akhundzada, hiện 60 tuổi, được bổ nhiệm làm thủ lĩnh tối cao Taliban vào tháng 5-2016 sau khi người tiền nhiệm Akhtar Mansour bị giết trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) của Mỹ. Là 1 trong 2 cấp phó của Mansour, Akhundzada được thăng chức tại một cuộc họp ở Pakistan, theo đoạn video được Taliban chia sẻ vào thời điểm điểm.

Akhundzada là 1 trong 7 thủ lĩnh Taliban được nhiều người cho là sẽ lãnh đạo hoặc có ảnh hưởng trong việc điều hành Afghanistan sau khi phong trào này nắm quyền kiểm soát đất nước ngày 15-8. Theo các nhà phân tích, ông Akhunzada có quan điểm thực dụng hơn nhiều người nghĩ khi cho phép tiến hành đàm phán với Mỹ và khuyến khích các thành viên Taliban cấp thấp hơn tìm cách thu phục cộng đồng bằng các kỹ năng quản lý và kỷ luật tốt.

Tuy nhiên quyền lực của Taliban hiện nay không chỉ tập trung ở một người, và bản thân thủ lĩnh tối cao cũng sẽ không được hưởng sự phục tùng tuyệt đối.

Hiện tại, ông Akhunzada có ba cấp dưới, mỗi người có những thế mạnh khác nhau. Những yếu tố này có thể xác định vị trí cuối cùng của họ trong chính quyền Taliban, có thể ở vị trí thủ tướng hoặc các vai trò tương tự. 

Người được biết đến nhiều nhất là Baradar, người vừa trở về Afganistan và được cho là sẽ trở thành tổng thống nước này. Ông Baradar được đánh giá là nhân vật phù hợp nhất để lãnh đạo chính phủ mới của Afghanistan vì hình ảnh xuất hiện khá “ôn hòa” của ông. Nhân vật nữa là Mullah Mohammad Yaqoob, con trai của Mullah Omar, hiện đang điều hành “ủy ban quân sự” của Taliban và được coi là kiến trúc sư trưởng của chiến dịch giúp đưa lực lượng này trở lại nắm quyền. Theo một chỉ huy Taliban, Mansour Yaqoob, được cho là ngoài 30 tuổi, từng được đề xuất làm thủ lĩnh của Taliban cách đây 5 năm nhưng đã quyết định ủng hộ ông Akhundzada vì tự nhận thấy mình còn thiếu kinh nghiệm chiến trường và còn quá trẻ.

Nhân vật thứ ba và có thể là người có ảnh hưởng nhất - là người khiến các cơ quan tình báo phương Tây lo ngại nhất.

KHẢ ANH