Bí thư Thành ủy Trần Thọ: “Dân vui là mình sướng!”
(Cadn.com.vn) - Tại Hội nghị Tổng kết công tác quý I và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong quý II và các tháng còn lại năm 2015, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Trần Thọ đã dành nhiều thời gian để nói về tâm thế, cảm xúc của các tầng lớp nhân dân trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng thành phố.
Đồng chí Trần Thọ khẳng định đông đảo nhân dân xứng đáng được quan tâm, chăm lo cuộc sống, xứng đáng được vui tươi, phấn khởi vì chính nhân dân đã tạo nên ngày 29-3 lịch sử 40 năm về trước và diện mạo Đà Nẵng hôm nay. “Sợ nhất là mình quên đóng góp của dân. Tôi mừng vì các đồng chí cấp dưới báo cáo kết hợp với những thông tin hôm nay nhận được về tâm thế hân hoan của nhân dân, những người đã góp công sức, xương máu để làm nên thành phố hôm nay. Dân vui là mình sướng rồi, sợ nhất là dân buồn kia, dân buồn là mình cảm thấy thiếu trách nhiệm! Chứ dân vui là lãnh đạo thành phố, lãnh đạo sở, lãnh đạo các ngành cũng cảm thấy sướng”, đồng chí Trần Thọ nói.
Bí thư Thành uỷ Trần Thọ: “Dân vui là mình sướng” |
Trở lại câu chuyện thành phố chi cho mỗi tổ dân phố 3 triệu đồng để tổ chức liên hoan, gặp mặt, sinh hoạt nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng thành phố, Bí thư Thành uỷ nói, khi có chủ trương, một số ý kiến bàn luận, rồi phân tích nên hay không nên. Nhưng đại đa số đều cho rằng đây là chủ trương hợp tình, hợp lý, được nhân dân hưởng ứng nồng nhiệt, và ai cũng cảm thấy vui vẻ, tự hào.
Cũng nhiều người lo lắng là có tiền rồi nhiều nơi tổ chức ăn nhậu quá đà, gây gổ đánh nhau, tai nạn giao thông và một số vấn đề phức tạp khác. Nhưng rồi thực tế cho thấy, người dân rất ý thức, tổ chức treo băng rôn, treo cờ bài bản, liên hoan trong đoàn kết. Có tổ trưởng dân phố thông báo khái quát tình hình địa phương rồi lý giải vì sao thành phố lại cho tiền liên hoan, cũng có tổ đọc diễn văn rất hoành tráng. Và đặc biệt là trong mỗi kiệt hẻm, mỗi tổ dân phố, mỗi thôn đều vui vẻ, không xảy ra những điều đáng tiếc như đã lo ngại.
Tiếp câu chuyện trách nhiệm với nhân dân, đồng chí Trần Thọ đề cập đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân. “Rà soát lại những cái gì mà dân người ta khiếu kiện lâu dài, mình giải quyết rồi nhưng mà họ không chịu, bình tĩnh ngồi lại, đọc tới đọc lui, đọc xuôi đọc ngược xem thử mình giải quyết như thế đúng chưa. Giải quyết rồi nhưng còn giải quyết được nữa thì cố gắng giải quyết cho dân. Hai tuần tôi nghe anh em báo cáo một lần, không cần nhiều đâu, chỉ 2 trường hợp điển hình, báo cáo bằng miệng cũng được. Đó là những trường hợp đã được cơ quan nhà nước giải quyết rồi nhưng dân người ta không chịu, và mình thấy rằng dân không chịu là đúng, là do mình làm sai! Thông thường, trừ những anh cực đoan, những anh cố tình gây khó khăn cho chính quyền, kiếm cái lợi về phần mình, bất chấp luật lệ, bất chấp luật pháp… số đó có nhưng không nhiều. Còn lại hầu hết các trường hợp dân bức xúc là hợp lý. Cái gì giải quyết đúng rồi, theo quy định của luật pháp là được rồi nhưng ta giải quyết thêm cho dân được một chút nữa thì tốt thôi”, đồng chí Trần Thọ nhấn mạnh.
Công Khanh