Biến âu thuyền và cảng cá Thọ Quang thành điểm “ngắm cảnh, ăn uống, vui chơi”?

Thứ tư, 01/08/2018 11:16

Phát triển âu thuyền và cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng) theo hướng hiện đại, sinh thái, bền vững và thân thiện với môi trường gắn với phát triển du lịch là chiến lược nằm trong quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng nghề cá đồng bộ, đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá và trung tâm nghề cá của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng, nhận được nhiều kiến giải từ phía các chuyên gia, doanh nghiệp đến từ TP Yokohama (Nhật Bản) tại Diễn đàn phát triển đô thị lần thứ 8 tổ chức tại Đà Nẵng vừa qua.

Tàu cá neo đậu tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang. Ảnh: TRÚC HÀ

Quá tải

Thành phố Đà Nẵng hiện có gần 1.200 phương tiện đánh bắt hải sản (chưa kể 437 phương tiện là thúng máy). Trong đó, tàu có công suất dưới 90CV có 624 chiếc (chiếm hơn 53%), tàu công suất từ 90CV trở lên có 544 chiếc (chiếm hơn 46%), tổng công suất hơn 299 ngàn CV. Nghề khai thác hải sản tại Đà Nẵng tập trung chủ yếu vào 5 nghề chính, là nghề câu, nghề lưới rê, nghề vây, nghề lưới và nghề khác.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thành phố, thời gian qua, cơ cấu nghề khai thác tại Đà Nẵng có sự chuyển biến đáng kể theo hướng tích cực, giảm mạnh các nghề khai thác cấm, hủy diệt nguồn lợi thủy sản, tăng các nghề khai thác vùng lộng, vùng khơi có hiệu quả kinh tế cao và bảo vệ được nguồn lợi thủy sản. Năm 2017, sản lượng khai thác hải sản của thành phố đạt khoảng 35 ngàn tấn...

Tại Đà Nẵng, âu thuyền và cảng cá Thọ Quang được xem là nơi hội tụ của không chỉ hàng ngàn phương tiện đánh bắt hải sản của địa phương, mà còn là nơi lưu trú, điểm đến của hàng trăm phương tiện địa phương bạn. Với diện tích trên bờ khoảng 4 ha, mặt nước là 58 ha, bao gồm khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, cảng cá và chợ đầu mối thủy sản. Hoạt động của âu thuyền và cảng cá Thọ Quang được kết nối với khu vực công nghiệp chế biến thủy sản, đóng sửa tàu thuyền, sản xuất và cung ứng nước đá, cung cấp ngư lưới cụ, xăng dầu..., trung bình mỗi ngày có trên 3 ngàn lượt người, khoảng 60 lượt tàu thuyền, 300 lượt xe ô-tô và trên 1 ngàn lượt xe máy hoạt động. Ngoài ra có 20 xưởng nước đá, 4 cây xăng dầu, 26 tàu cung ứng dầu hoạt động thường xuyên; số lượng cá nhân, doanh nghiệp có sử dụng mặt bằng trong khu vực chợ cá và cảng cá do đơn vị quản lý hiện nay là 358 đầu mối.

Theo lãnh đạo BQL âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, năm 2010, cảng chỉ có gần 11 ngàn lượt tàu thuyền với hơn 63 ngàn tấn hải sản qua cảng, thì đến năm 2017 đã có gần 25 ngàn lượt tàu thuyền và gần 102 ngàn tấn hải sản qua cảng. “Trên thực tế cảng cá, chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang đã trở thành trung tâm giao lưu buôn bán thủy sản tại khu vực miền Trung”, đại diện lãnh đạo BQL âu thuyền và cảng cá Thọ Quang khẳng định. Đồng thời cho biết, với tốc độ tăng trưởng khá nhanh, cảng cá Thọ Quang ngày càng trở nên quá tải, dẫn đến bộc lộ những bất cập nhất định về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ và các lĩnh vực liên quan khác. “Thực tế trong quá trình quản lý, điều hành, BQL âu thuyền và cảng cá Thọ Quang cùng các cơ quan hữu quan liên tục phải giải quyết những vướng mắc, bất cập do sự quá tải của cảng cá, nhất là về lĩnh vực bảo vệ môi trường, về điều độ, sắp xếp tàu thuyền, về nhu cầu sử dụng mặt bằng để buôn bán, bốc dỡ, tập kết hải sản”..., đại diện BQL âu thuyền và cảng cá Thọ Quang nói.

Để biến âu thuyền và cảng cá Thọ Quang trở thành điểm du lịch theo hướng “ngắm cảnh, ăn uống, vui chơi” thì còn rất nhiều việc phải làm. 

Hiến kế từ thành phố Yokohama

Theo BQL âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, nguyên nhân dẫn đến những bất cập ấy là do đầu tư xây dựng cảng qua nhiều giai đoạn nên không được đồng bộ, chưa được cơ giới hóa, hiện đại hóa; phân khu chức năng cảng chưa rõ ràng, còn chồng chéo, chưa khoa học nên hiệu quả hoạt động không cao; vấn đề vệ sinh môi trường như nước thải, mùi hôi, rác thải rắn trong âu thuyền còn nhiều bất cập, chưa được giải quyết; cơ sở hạ tầng còn hạn chế, chưa có điểm nhấn để thu hút khách tham quan du lịch, phục vụ ẩm thực tại chỗ...

Mới đây, tại các phiên thảo luận chuyên đề trong khuôn khổ Diễn đàn phát triển đô thị lần thứ 8 tại Đà Nẵng, một số chuyên gia, doanh nghiệp đến từ TP Yokohama (Nhật Bản) đã đề xuất nhiều giải pháp, đáng chú ý là đề xuất phát triển cảng cá Thọ Quang theo hướng hiện đại, sinh thái, thân thiện môi trường. Đây cũng là những giải pháp được xem là có thể tháo gỡ những bất cập, hạn chế hiện có.

Theo đó, đại diện TP Yokohama đề xuất phương án phát triển khu vực cảng cá Thọ Quang theo hướng phát triển kinh tế hài hòa với môi trường; phát huy đầy đủ chức năng sản xuất thủy sản, phòng chống thiên tai, quản lý vệ sinh nhờ vào việc áp dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị và kỹ thuật hiện đại; bố trí lại các khu chức năng, cơ sở vật chất một cách hiệu quả và thu hút khách du lịch theo hướng “ngắm cảnh, ăn uống, vui chơi”. Để cụ thể hóa đề xuất này, TP Yokohama nêu phương án thực hiện cải thiện chất lượng nước trong âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, trong đó, tích hợp với kết quả khảo sát khả thi của dự án quản lý nước thải công nghiệp Đà Nẵng mà Công ty Murata Keisokuki đang tiến hành.

Thành phố Yokohama đề xuất công nghệ hút bùn đáy âu thuyền và thổi cát lấp vào đáy nhằm cải thiện môi trường; đồng thời, xử lý bùn thành đất và tái sử dụng để san lấp lấn biển, mở rộng cảng cá; trang bị chức năng kho vận (logistics) cho cảng cá, hiện đại hóa khu công nghiệp chế biến thủy sản, đặc biệt là đề xuất đầu tư dây chuyền đông lạnh, hiện Bộ Kinh tế - Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đang tiến hành khảo sát nhắm đến mục đích đầu tư vào thực tế dự án...

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn, dự án phát triển cảng cá Thọ Quang theo hướng hiện đại, sinh thái, thân thiện môi trường là một trong những dự án trọng điểm của Đà Nẵng, đã được Bộ NN&PTNT đồng ý chủ trương thực hiện. Thời gian qua, với sự hỗ trợ đắc lực từ phía chính quyền và doanh nghiệp TP Yokohama, Đà Nẵng đã tiếp nhận hỗ trợ từ chính phủ Nhật Bản trong việc đầu tư Dây chuyền lạnh tại cảng cá Thọ Quang. Khẳng định, với dây chuyền công nghệ tiên tiến này, cùng với những kiến giải nêu trên sẽ góp phần giúp Đà Nẵng hoàn thiện quy trình sản xuất, phân phối, tiêu thụ thủy hải sản tại cảng cá Thọ Quang, xây dựng âu thuyền và cảng cá theo hướng chất lượng, hiện đại và thân thiện với môi trường.

D.HÙNG