Biển Đông chi phối hội nghị Đông Á

Thứ sáu, 09/09/2016 09:10

(Cadn.com.vn) - Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 8-9 cảnh báo, phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA), theo đó bác bỏ các tuyên bố chủ quyền rộng lớn của Trung Quốc ở biển Đông, là mang tính “ràng buộc” và rằng, Bắc Kinh buộc phải tuân theo.

Trong ngày làm việc cuối cùng của lãnh đạo các nước ASEAN và các đối tác hôm 8-9, Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa tranh chấp kéo dài âm ỉ ở biển Đông thành vấn đề ưu tiên trọng tâm trên bàn Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) cũng như các hội nghị liên quan.

“Chúng tôi tiếp tục làm việc để đảm bảo, các tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình, nhất là vấn đề biển Đông”, ông Obama nói trong bài phát biểu khai mạc cuộc họp với các nhà lãnh đạo ASEAN.

Các nhà lãnh đạo tại Hội nghị Thượng đỉnh EAS ở thủ đô Vientiane của Lào hôm 8-9. Ảnh: Kyoto

HÒA BÌNH VÀ ỔN ĐỊNH CHO BIỂN ĐÔNG

Mỹ nhiều lần bày tỏ quan ngại về các hoạt động của Trung Quốc ở biển Đông, và liên tục kêu gọi Bắc Kinh dừng các hoạt động cải tạo đất trái phép ở đây. Tuy nhiên, Bắc Kinh phớt lờ. Và tại diễn đàn chính trị quan trọng cuối cùng ở Châu Á của mình trước khi rời Nhà Trắng, Tổng thống Obama tiếp tục đưa vấn đề này lên bàn hội nghị mà ông tham dự.

Tại cuộc họp ASEAN-Mỹ, ông chủ Nhà Trắng cho rằng, phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) hôm 12-7, trong đó bác bỏ tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở biển Đông là mang tính “ràng buộc” và “giúp làm rõ các quyền về biển trong khu vực”. Đề cập đến phán quyết của PCA, ông Obama nói: “Tôi nhận ra điều này làm gia tăng căng thẳng, nhưng tôi cũng mong được thảo luận về cách chúng ta có thể di chuyển nhằm làm giảm căng thẳng và thúc đẩy ngoại giao, ổn định trong khu vực”.

Tại cuộc họp thượng đỉnh EAS, Mỹ và đồng minh Châu Á thân cận nhất là Nhật Bản “đụng độ” với Trung Quốc về vấn đề an ninh hàng hải, đặc biệt khi Bắc Kinh bác bỏ phán quyết lịch sử của PCA. Tổng thống Obama và Thủ tướng Shinzo Abe phối hợp với các nhà lãnh đạo khác trong nỗ lực thúc đẩy “một quy tắc trật tự” dựa trên luật pháp tại khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh Trung Quốc vẫn tiếp tục xây dựng các đảo và tiền đồn quân sự ở biển Đông. Giống như Mỹ, Nhật không có yêu sách ở biển Đông, nhưng cũng rất lo ngại về việc Trung Quốc đang cố thay đổi hiện trạng ở biển Đông, nhất là khi Tokyo cũng đang bị lôi kéo vào tranh chấp gay gắt khác với Bắc Kinh quanh chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Tuy nhiên, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, lặp lại quan điểm rằng, các tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông nên được giải quyết song phương và không có sự can thiệp của các nước bên ngoài như Nhật, Mỹ. Theo dự thảo tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo EAS không đề cập đến phán quyết của PCA nhưng nhấn mạnh tầm quan trọng “phải giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc luật pháp quốc tế”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cần tạo dựng và tăng cường lòng tin giữa các nước

Ngày 8-9, trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 28-29 và các hội nghị cấp cao liên quan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự các hội nghị ASEAN+1 với Mỹ và Ấn Độ, và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các nước dự hội nghị ASEAN - Mỹ.
Ảnh: Reuters

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần thứ 14, hai bên cam kết triển khai hiệu quả Kế hoạch Hành động giai đoạn 2016-2020, hướng đến kỷ niệm 25 năm quan hệ ASEAN-Ấn Độ vào năm 2017. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Mỹ lần thứ 4, hai bên đánh giá cao các tiến triển thực chất trong quan hệ từ khi nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược tháng 11-2015.

Tại hội nghị EAS, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cần đề cao thượng tôn pháp luật, tuân thủ luật pháp quốc tế, tăng cường xây dựng và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử trong quan hệ giữa các quốc gia cũng như khi tiến hành các hoạt động ở khu vực, tránh mọi hành vi đơn phương, áp đặt, đe dọa hoặc sử dụng sức mạnh. Việt Nam và các thành viên ASEAN khác sẽ nỗ lực phát huy vai trò vừa là chủ thể trong việc xây dựng lòng tin, gìn giữ hòa bình, vừa có vai trò trung tâm thúc đẩy các đối tác cùng phấn đấu cho các mục tiêu phù hợp với lợi ích chung.

Trong thảo luận về tình hình khu vực và quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ lo ngại về những diễn biến phức tạp tại biển Đông, khẳng định đây không chỉ là vấn đề tranh chấp chủ quyền biển, đảo, mà còn là duy trì hòa bình, hợp tác, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông cũng như tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có thực hiện hiệu quả DOC và không tiến hành các hoạt động quân sự hóa. Theo Thủ tướng, điều quan trọng là các bên tự kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Theo VGP

LÊN ÁN TRIỀU TIÊN

Hội nghị EAS cũng bị phủ bóng bởi vấn đề hạt nhân tên lửa của Triều Tiên. Trên bàn hội nghị, các nhà lãnh đạo lên án các vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên cũng như vụ thử hạt nhân lần thứ 4 gây chỉ trích mạnh mẽ của Bình Nhưỡng hồi tháng 1.

18 nhà lãnh đạo EAS - gồm 10 nước ASEAN và các đối tác Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Nga, Hàn Quốc và Mỹ - cũng “kêu gọi tất cả các bên phát huy những nỗ lực chung nhằm duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực, tạo ra môi trường thuận lợi để sớm nối lại các cuộc đàm phán 6 bên về việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên - đề cập đến các cuộc đàm phán đa phương bị đình trệ từ cuối năm 2008”.

Để hiện thực hóa giấc mơ trên, EAS kêu gọi Triều Tiên tuân thủ các nghị quyết của HĐBA LHQ, vốn cấm nước này phóng tên lửa đạn đạo và thử hạt nhân.

Khả Anh