Biển Đông "làm nóng" hội nghị ASEAN

Thứ sáu, 03/08/2018 11:45

Các nhà ngoại giao hàng đầu của các quốc gia ASEAN mở cuộc họp hàng năm để giải quyết một loạt các vấn đề an ninh, bao gồm  tranh chấp lãnh thổ biển Đông, vấn đề Triều Tiên, cũng như lo ngại về chủ nghĩa bảo hộ gia tăng.

Ngoại trưởng các nước ASEAN chụp ảnh trước khi khai mạc hội nghị tại Singapore hôm 2-8. Ảnh: AP

Ngày 2-8, Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMM 51), khai mạc tại Singapore, tập trung vào chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông. Chủ nghĩa cực đoan gia tăng, hoàn cảnh của những người Hồi giáo thiểu số Rohingya ở bang Rakhine của Myanmar cũng được chú ý.

Ngoại trưởng các nước ASEAN cũng sẽ thảo luận về các vấn đề như chống khủng bố, nhân quyền và hội nhập kinh tế, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), một sáng kiến thương mại tự do liên quan tới 16 nền kinh tế, trong đó có ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc và Australia. RCEP hiện đã sẵn sàng để trở thành thỏa thuận thương mại tự do có quy mô lớn nhất trên thế giới, với gần một nửa dân số toàn cầu. Bài toán an ninh mạng cũng được quan tâm, nhất là trong bối cảnh Singapore gần đây đã phải hứng chịu vụ tấn công mạng tồi tệ nhất, khi các tin tặc đánh cắp thông tin cá nhân của khoảng 1,5 triệu người, trong đó có Thủ tướng Lý Hiển Long, từ cơ sở dữ liệu y tế chính phủ. Trong ngày 2-8, các tờ báo dẫn nguồn từ Ngân hàng của Thái Lan (BOT) khẳng định, tin tặc đã lấy cắp thông tin của hơn 120.000 khách hàng trong vụ tấn công dữ liệu quy mô lớn vào 2 ngân hàng thương mại lớn của nước này.

RCEP và Triều Tiên

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Lý Hiển Long hy vọng, các bên sẽ hoàn tất RCEP vào cuối năm nay, trong bối cảnh Washington tiếp tục theo đuổi chủ nghĩa đơn phương và bảo hộ thương mại cũng như mối lo leo thang căng thẳng thương mại toàn cầu.

Thủ tướng Singapore cũng kêu gọi các nước thành viên ASEAN gửi tín hiệu rõ ràng về cam kết tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế. Thừa nhận các cuộc đàm phán sẽ không dễ dàng, đặc biệt với “chủ nghĩa bảo hộ ngày càng tăng” ở một số nước, nhưng ông Lý Hiển Long nhấn mạnh, ASEAN cần tiếp tục ủng hộ phát triển thương mại đa phương dựa trên quy tắc và làm việc với các đối tác cùng chí hướng để tăng cường hợp tác. Thủ tướng nước chủ nhà tiếp tục nhấn mạnh, các nước thành viên ASEAN phải tiếp tục tăng cường kiến trúc khu vực mở, toàn diện và lấy ASEAN làm trung tâm. Theo ông, kiến trúc trên đã góp phần đảm bảo hòa bình và ổn định của khu vực.

Về vấn đề Triều Tiên, ngoại trưởng các nước ASEAN hoan nghênh cam kết của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un phi hạt nhân hóa hoàn toàn trong một tuyên bố mà ông đã ký với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên tại Singapore hôm 12-6. Dự thảo còn cho biết, khi lưu ý cam kết của Bình Nhưỡng ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa, các ngoại trưởng bày tỏ sự ủng hộ của ASEAN đối với việc đạt được phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược trên Bán đảo Triều Tiên.

“Phi quân sự hóa và tự kiềm chế” ở biển Đông

Về việc Trung Quốc quân sự hóa các thực thể tranh chấp ở biển Đông, theo dự thảo thông cáo chung mà hãng tin Kyodo có được, ngoại trưởng các nước ASEAN nhấn mạnh sự quan trọng của “phi quân sự hóa và tự kiềm chế” trong việc thực hiện mọi hoạt động ở vùng biển tranh chấp này.

Cùng với đó, các quan chức này sẽ hoan nghênh tiến triển thương lượng giữa ASEAN và Trung Quốc hướng tới sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) theo lịch trình hai bên đã nhất trí. ASEAN và Trung Quốc đạt được thỏa thuận về một dự thảo văn bản đàm phán chung của COC, bước tiến quan trọng hướng tới việc thu hẹp sự khác biệt giữa các bên. Phát biểu tại hội nghị, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan tuyên bố đây là “một cột mốc quan trọng” trong tiến trình COC, kể từ Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc hồi tháng 6. Cũng theo Bộ trưởng Vivian Balakrishnan, đây sẽ là văn bản làm cơ sở cho các cuộc đàm phán COC trong tương lai và hai bên cũng đã thống nhất các phương thức chính cho các cuộc đàm phán COC trong thời gian tới. Tại hội nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng xác nhận, hai bên đã nhất trí về văn bản đàm phán trên.

Tiến trình đàm phán COC diễn ra trong hơn một thập kỷ qua, với nhiều bất đồng liên quan đến các điều khoản cũng như tiến độ của các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đã có những dấu hiệu rõ ràng về sự thống nhất quan điểm của ASEAN về vấn đề biển Đông.

KHẢ ANH