Biển Đông trên bàn Đối thoại Shangri-La

Thứ bảy, 30/05/2015 08:00

(Cadn.com.vn) - Diễn đàn an ninh Châu Á thường niên, còn gọi là Đối thoại Shangri-La, năm nay thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế trong bối cảnh căng thẳng ngày càng tồi tệ ở biển Đông do những hoạt động cải tạo đất trái phép của Trung Quốc.

Hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy tàu hút bùn của Trung Quốc làm việc tại biển Đông. Ảnh: NYT

Bộ trưởng Quốc phòng từ 26 quốc gia ngày 29-5 tựu trung về Singapore để tham dự Diễn đàn Đối thoại Shangri-La, trong đó biển Đông trở thành vấn đề ưu tiên số 1.

Hội nghị kéo dài 3 ngày này, do Viện Quốc tế về Nghiên cứu An ninh (IISS) tổ chức, hiện đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của cả thế giới, thậm chí là cả những nước Châu Âu vốn rất thờ ơ với vấn đề biển Đông, khi các Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, Tây Ban Nha và Đức đều đến tham dự cuộc họp. Trung Quốc cử Phó Tổng tham mưu trưởng, Đô đốc Sun Jianguo, một vị tướng 4 sao đến tham dự Đối thoại Shangri-La lần này. Việc chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình cử một Đô đốc hải quân với cấp bậc cao hơn đến Shangri-La năm nay cho thấy rõ nhận thức của Bắc Kinh về khả năng các tranh chấp biển Đông chi phối hội nghị năm nay.

“Đây là lần đầu tiên, có một phiên họp đặc biệt tập trung vào các vấn đề an ninh của các quốc gia nhỏ (ám chỉ các tranh chấp ở biển Đông)”, báo Straits Times dẫn lời ông Tim Huxley – Giám đốc điều hành của IISS tại Châu Á, cho biết. Bắt đầu là Mỹ và các cường quốc Châu Á như Nhật Bản và Indonesia, nhiều bộ trưởng quốc phòng tại bàn Đối thoại Shangri-La năm nay đều là những gương mặt mới. Trong đó, giới phân tích ngoại giao nói rằng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đến Singapore lần này nhằm đem đến cam kết mạnh mẽ, đảm bảo tự do hàng hải và an ninh ở biển Đông.

Trên thực tế, hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh Châu Á đang chứng kiến 3 mốc quan trọng trong việc phát triển chiến lược an ninh. Đầu tiên là nỗ lực tái cân bằng Châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ đang tiến triển đều đặn. Thứ hai, Nhật - Ấn đang nổi lên như một “chiến lược đánh chặn” trong phương trình an ninh Châu Á với Mỹ. Sự quan tâm ngày càng tăng của Tokyo đối với an ninh bên ngoài bờ biển được nhấn mạnh bởi các cuộc tập trận chung đầu tiên hồi đầu tháng này với Philippines tại biển Đông. Nhật cũng đang có kế hoạch tuần tra chung với Mỹ tại tuyến hàng hải quan trọng này. Ấn Độ cũng đang phát đi tín hiệu tương tự.

Đầu năm nay, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố tầm nhìn chung cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, dấu hiệu cho thấy chiến lược lớn hơn cho quyền lực thống trị của quốc gia Nam Á trong khu vực rộng lớn hơn. “Cụm từ chúng ta được dạy để sử dụng hiện nay là “Ấn Độ Dương – Châu Á Thái Bình Dương”, Chuẩn Đô đốc Mark Montgomery, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ tại Honolulu, Hawaii, cho biết. Yếu tố thứ ba là hầu như tất cả các nước Châu Á đang tăng chi tiêu quân sự. Điển hình là Trung Quốc – quốc gia công bố ngân sách quốc phòng 145 tỷ USD. Ngay cả Nhật Bản cũng đang báo hiệu sự gia tăng khiêm tốn trong chi tiêu quốc phòng.

Tình hình biển Đông đang rất khó kiểm soát. Mỹ-Trung trong tuần qua đã bước vào những trận “khẩu chiến” mạnh mẽ về vấn đề biển Đông. Nhiều nhà quan sát nhớ lại vụ va chạm trên không cách đây 14 năm gần khu vực đảo Hải Nam liên quan đến một máy bay tình báo Hải quân Mỹ và máy bay tiêm kích đánh chặn của Hải quân Trung Quốc dù máy bay của Lầu Năm Góc không xâm nhập không phận Trung Quốc. Và sự cố tuần trước giữa máy bay trinh sát P8-A Poseidon của Mỹ và Hải quân Trung Quốc làm bùng nổ nguy cơ xung đột quân sự thật sự giữa hai nước.

Nhưng bất chấp nguy cơ đụng độ, bất chấp những lời kêu gọi và cảnh báo của cộng đồng quốc tế, Bắc Kinh vẫn vô lý khẳng định, những việc làm của họ ở biển Đông là hoàn toàn hợp pháp. Vì thế không có gì ngạc nhiên khi ông Carter và nhiều bộ trưởng quốc phòng khác tất bật tìm đường đến với Đối thoại Shangri-La để tìm chìa khóa cho cánh cửa biển Đông.

Khả Anh