Biển Đông và Đối thoại Shangri-La

Thứ tư, 01/06/2016 08:30

(Cadn.com.vn) - Ngày 31-5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter bắt đầu rời Washington đến Châu Á để tham gia Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Châu Á - hay còn được gọi là Đối thoại Shangri-La thường niên diễn ra tại Singapore với nhiều quan chức đồng cấp khác.

Từ khi trở thành ông chủ thứ 4 của Lầu Năm Góc dưới thời Tổng thống Barack Obama, ông Carter đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ về những hoạt động của Bắc Kinh ở biển Đông. Mới đây, hôm 27-5, ông Carter nhận định, Trung Quốc đang có nguy cơ xây dựng “Vạn Lý Trường Thành tự cô lập” bằng việc tiếp tục mở rộng hiện diện quân sự ở biển Đông và tấn công mạng các máy tính Mỹ. Mỹ cũng tiến hành một số cuộc tuần tra “tự do hàng hải” tại vùng biển Đông này, động thái khiến Trung Quốc rất tức giận.

Vì vậy, nhiều người cho rằng, dường như chắc chắn một điều, với sự có mặt của Bộ trưởng Carter, vấn đề tuyên bố chủ quyền vô lý và những hoạt động cải tạo trái phép của Bắc Kinh trên biển Đông sẽ một lần nữa thống trị các cuộc thảo luận tại đây. Thực tế cho thấy, các nước trong khu vực đang băn khoăn về những gì họ xem là sự bành trướng của Trung Quốc khi Bắc Kinh liên tục có những hoạt động quân sự mạnh mẽ ở biển Đông - một tuyến đường vận chuyển quan trọng trên toàn cầu và được cho là nơi có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt rất lớn. Báo cáo mới đây của Lầu Năm Góc ước tính, trong 2 năm qua, hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc ở biển Đông mở rộng thêm 1.300ha trên 7 thực thể mà Bắc Kinh chiếm giữ trái phép.

Vì những tranh cãi về vấn đề biển Đông, mối quan hệ Mỹ - Trung đang trong tình trạng căng thẳng kéo dài. Bế tắc càng thêm bế tắc khi Trung Quốc tăng cường xây dựng tại các đảo mà họ đang chiếm giữ trái phép, đồng thời quân sự hóa một số thực thể bằng cách thiết lập căn cứ và triển khai vũ khí bất chấp chỉ trích và cảnh báo của Mỹ cũng như cộng đồng quốc tế. Những động thái của Trung Quốc đã châm ngòi cho phản ứng mạnh mẽ từ phía các nước khu vực và thúc đẩy các nước xích lại gần nhau hơn. Tuy nhiên, có thể do lo ngại những tác động lớn khi mối quan hệ căng thẳng kéo dài, có thể cả Washington và Bắc Kinh sẽ nỗ lực kiềm chế hơn tại  Shangri-La lần này.

Tại diễn đàn Shangri-La lần này, các bộ trưởng quốc phòng, giới lãnh đạo quân sự và các chuyên gia quốc phòng từ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương chủ yếu thảo luận về các vấn đề an ninh khu vực. Ngoài biển Đông, các đại biểu dự kiến sẽ tập trung vào các mối đe dọa ngày càng tăng của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo trong khu vực và chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Thanh Văn