Biên giới Trung - Ấn tạm yên

Thứ ba, 29/08/2017 11:18

Biên giới Trung - Ấn đã tạm lắng dịu sau khi New Delhi nhất trí rút quân khỏi khu vực tranh chấp Doklam, nơi binh sĩ hai nước đối đầu trong suốt hơn 2 tháng qua.

Binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ tại khu vực biên giới Nathu La. Ảnh: AFP

Ngày 28-8, Ấn Độ đã đồng ý với Trung Quốc chấm dứt xung đột kéo dài nhiều tháng qua tại khu vực tranh chấp quan trọng về chiến lược ở dãy Himalaya. Các binh sĩ Ấn Độ ở đây đã bắt đầu giải tán.

AFP dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết, họ đã đạt được “sự hiểu biết” sau cuộc hội đàm với Bắc Kinh về cuộc đối đầu căng thẳng tại khu vực gần biên giới Ấn Độ mà cả Trung Quốc lẫn Bhutan – một quốc gia đồng minh thân cận của New Delhi – đều tuyên bố chủ quyền. 

Tuyên bố của quốc gia Nam Á này cũng nhấn mạnh, cả hai bên đều đồng ý rút lui, mặc dù Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ nói rằng, chỉ có quân đội Ấn Độ đang rút lui. “Ấn Độ và Trung Quốc đã duy trì truyền thông ngoại giao liên quan đến vụ việc tại Doklam”, New Delhi tuyên bố, đề cập đến vụ việc vốn bùng nổ từ hôm 16- 6 và khẳng định thêm: “Trong các cuộc trao đổi này, chúng tôi có thể bày tỏ quan điểm và truyền đạt những quan ngại và mong muốn của mình. Việc rút quân ra khỏi biên giới tranh chấp tại Doklam đã được nhất trí và đang diễn ra”.

Ấn Độ không tuyên bố chủ quyền Doklam nhưng có mối liên kết chặt chẽ với Bhutan, quốc gia mà New Delhi xem như là bộ đệm chống lại đối thủ Trung Quốc ở phía bắc. Trung-Ấn từng xảy ra cuộc chiến tranh biên giới vào năm 1962 và các tranh chấp vẫn chưa được giải quyết ở một số khu vực, gây ra căng thẳng leo thang theo thời gian. Nhưng theo các chuyên gia, cuộc khủng hoảng gần đây nhất giữa các nước láng giềng hạt nhân có vũ trang hạt nhân là tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.

Kể từ cuộc đối đầu bắt đầu vào tháng 6, mỗi bên đã tăng cường lực lượng của mình và kêu gọi bên kia rút lui.  Trung Quốc nhiều lần nói rằng, Ấn Độ phải rút quân trước khi đàm phán. Tuy nhiên, New Delhi khẳng định, cả hai bên cần rút lực lượng cùng lúc. Không chỉ xung đột gay gắt, giới truyền thông hai nước liên tục chĩa mũi dùi vào nhau. Trước thời điểm Ấn Độ nhất trí rút quân, tờ Global Times của Trung Quốc cho rằng, giới lãnh đạo của Ấn Độ đã đánh giá thấp “sự cả gan” cũng như quyết tâm chiến đấu của Trung Quốc và sẽ không có gì ngạc nhiên nếu họ có ấn tượng như vậy. 

Bài báo trên viết: “Đã gần 70 ngày kể từ khi binh sĩ Ấn Độ tràn qua khu vực Sikkim trên đường biên giới Trung - Ấn và tiến vào lãnh thổ Trung Quốc. Cho đến nay, vẫn chưa có bước ngoặt nào mang tính quyết định cho một giải pháp hòa bình đối với cuộc đối đầu giữa hai bên. Các hành động của quân đội Ấn Độ cho thấy họ muốn tiếp tục ở lại trong lãnh thổ Trung Quốc, buộc Trung Quốc phải chấp nhận điều kiện của họ”. Tờ báo đồng thời tuyên bố: “Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) chưa có hành động quân sự vì muốn tạo điều kiện cho quân đội Ấn Độ rút quân một cách hòa bình. Tuy nhiên, một khi PLA phản công, Ấn Độ sẽ không thể chịu đựng được những hậu quả về chính trị và kinh tế”.

Nhưng ngay sau đó, thật bất ngờ, mọi việc đã tạm yên ắng. Phía Trung Quốc tuyên bố rất “hài lòng” với việc này. Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định, binh sĩ và khí tài Ấn Độ rút khỏi khu vực tranh chấp trong khi “lính Trung Quốc tiếp tục tuần tra phần lãnh thổ Trung Quốc ở bên này biên giới”. 

Những động thái này được đưa ra trước thềm hội nghị thượng đỉnh của các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) –gồm Brazil, Nga và Nam Phi và Trung Quốc - sắp diễn ra tại Trung Quốc vào đầu tháng tới. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dự kiến sẽ tham dự hội nghị này.  Giới phân tích cho rằng, việc New Delhi nhất trí rút quân nằm trong chiến lược hòa bình mới của nhà lãnh đạo Modi khi ông đã đồng ý đến Trung Quốc dự BRICS.

KHẢ ANH