Biên giới Trung - Ấn vẫn chưa yên

Thứ sáu, 11/08/2017 08:29

Mối quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc đang trở nên tồi tệ hơn khi Bắc Kinh hôm 10-8 yêu cầu New Delhi ngay lập tức rút 53 binh sĩ ở Doklam - khu vực tranh chấp giữa hai nước trong suốt thời gian qua.

Khu vực biên giới làm bùng nổ tranh cãi giữa Trung Quốc và Ấn Độ.    Ảnh: PTI

Động thái này theo sau loạt cảnh báo “sặc mùi chiến tranh” của giới truyền thông Trung Quốc. Trong đó, China Daily đăng bài xã luận cho rằng, “đã đến lúc đếm ngược thời gian cho cuộc đụng độ giữa hai lực lượng quân sự Trung-Ấn”. Bài viết của China Daily cho rằng, “đồng hồ đã điểm và có vẻ như cuộc đụng độ sẽ là “kết quả tất yếu” giữa hai gã khổng lồ Châu Á này nếu Ấn Độ không rút quân khỏi khu vực Doklam tranh chấp. Trong khi đó, tờ Global Times cũng rất mạnh miệng khi cảnh báo: “Ấn Độ nên rút quân và các trang thiết bị. Bất kể có bao nhiêu binh lính Ấn Độ vượt qua biên giới và ở lại trong lãnh thổ Trung Quốc, họ đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Trung Quốc”.

Trong tuyên bố trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, tính đến ngày 8-8, 53 binh sĩ và một máy ủi của Ấn Độ vẫn ở trong lãnh thổ Trung Quốc.  Hồi tuần trước, Trung Quốc cho biết, có 48 binh sĩ Ấn Độ có mặt ở Doklam. Bắc Kinh đã và đang khăng khăng đòi New Delhi rút quân khỏi Doklam. Trong khi đó, Ấn Độ muốn cả hai bên cùng rút quân khỏi Doklam, nơi New Delhi tuyên bố là thuộc về nước láng giềng Bhutan trong khi Bắc Kinh cho rằng khu vực này thuộc về nước mình và yêu cầu Ấn Độ đứng ngoài cuộc tranh chấp với Bhutan.

Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc thậm chí cảnh báo Ấn Độ không nên đánh giá thấp quân đội Trung Quốc. Nhân vật này cho rằng, việc New Delhi mạnh mẽ thách thức Trung Quốc có thể đến từ thực tế rằng, Ấn Độ đang phải chịu cảnh cảm giác bất an khi đối mặt với sự nổi lên của Bắc Kinh trong khu vực.

Trong khi Trung Quốc cảnh báo Ấn Độ về những hậu quả của việc “không rút quân”, New Delhi dường như không mấy mặn mà. Phát biểu trước Quốc hội hôm 10-8, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Arun Jaitley nhấn mạnh, nước này đã sẵn sàng đáp trả bất kỳ thách thức nào. Nói đến cuộc chiến tranh xảy ra vào năm 1962 giữa hai nước, ông Jaitley cho biết, Ấn Độ đã có được nhiều bài học từ đó.

Trong động thái cho thấy tình hình càng thêm căng thẳng, mạng Zee News ngày 10-8 đưa tin: Ấn Độ được cho ra lệnh sơ tán một làng nằm gần ngã ba biên giới Ấn Độ-Bhutan-Trung Quốc. Cụ thể, Lục quân Ấn Độ yêu cầu người dân làng Nathang, cách Doklam khoảng 35km, phải sơ tán ngay lập tức. Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu có phải lệnh sơ tán này được đưa ra để lấy chỗ cho hàng ngàn binh sĩ thuộc Quân đoàn số 33 - lực lượng được điều động từ khu vực Sukna đến Doklam -  hay không.

Đây được xem như là một biện pháp phòng ngừa của Ấn Độ nhằm tránh thương vong cho dân thường trong trường hợp xảy ra giao tranh. Động thái này cũng có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt sau khi giới truyền thông Trung Quốc cảnh báo một cuộc chiến tranh đang cận kề.

Nhưng không chỉ Ấn Độ, ngay cả đồng minh thân cận Bhutan cũng tỏ ra đầy thách thức với Trung Quốc. Chính phủ Bhutan ngày 10-8 thẳng thừng bác bỏ tuyên bố của một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Trung Quốc rằng, Bhutan đã chuyển qua các kênh ngoại giao tới Bắc Kinh, qua đó cho rằng khu vực ngã ba biên giới đang xảy ra tình trạng đối đầu nằm ở Doklam thuộc vùng Sikkim là không phải lãnh thổ của Bhutan.

Thông tin trên là nhằm đáp trả một tuyên bố gây ngạc nhiên nhưng chưa có gì để chứng minh của Vụ phó Vụ các vấn đề biên giới và đại dương thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Lệ rằng, Bhutan đã chuyển đến Bắc Kinh thông qua các kênh ngoại giao khẳng định khu vực đang xảy ra đối đầu nói trên là không phải lãnh thổ nước này.

KHẢ ANH