Biển Hoa Đông dậy sóng

Thứ sáu, 10/06/2016 09:35

(Cadn.com.vn) - Hàng loạt tranh cãi trong khu vực biển Hoa Đông những ngày qua càng làm nổi bật căng thẳng sâu sắc Trung - Nhật, trong bối cảnh một cuộc khảo sát mới nhất cho thấy, cả hai nền kinh tế lớn nhất Châu Á vẫn ở trong tình trạng thù địch.

Những đảo không người ở thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp
giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Ngay từ rạng sáng 9-6, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Akitaka Saiki triệu đại sứ Trung Quốc Trình Vĩnh Hoa đến để bày tỏ quan ngại sâu sắc, đồng thời trao công hàm phản đối việc một tàu khu trục nhỏ của Hải quân Trung Quốc đi vào “vùng tiếp giáp” ngay bên ngoài vùng biển Tokyo quản lý xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

“Chưa từng có tàu Hải quân Trung Quốc nào đi vào khu vực này. Đây là hành động khiêu khích làm gia tăng căng thẳng”, Bloomberg dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani nói với các phóng viên. Bộ trưởng Nakatani cũng bày tỏ “lo ngại nghiêm trọng” về vụ việc này. Chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe thể hiện quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ khi yêu cầu duy trì sự phối hợp chặt chẽ ở trong nước và với đồng minh Mỹ. Tại cuộc họp báo hôm 9-6, Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga tuyên bố, Nhật Bản đã lập một đơn vị liên lạc tại trung tâm giải quyết khủng hoảng thuộc văn phòng thủ tướng.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đáp trả rằng, “quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là lãnh thổ cố hữu của Bắc Kinh”. “Các tàu Trung Quốc có quyền đi vào vùng biển thuộc quyền tài phán của chúng ta. Các nước khác không có quyền phán xét”, Bộ Quốc phòng nước này mạnh miệng tuyên bố. Theo các nguồn tin, tàu của Hải quân Trung Quốc tiến vào khu vực phía đông bắc Kuba, một đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tàu này vào khu vực này vào khoảng 0 giờ 50 (giờ địa phương) và rời đi lúc 3 giờ 10 phút, nhưng không xâm phạm lãnh hải Nhật Bản.

Các tàu Hải cảnh Trung Quốc thường đi vào khu vực gần Senkaku/Điếu Ngư. Chỉ vài ngày trước, 3 tàu Hải cảnh Trung Quốc cũng đi vào khu vực biển do Tokyo quản lý. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Nhật Bản phát hiện một tàu Hải quân Trung Quốc xuất hiện tại đây, động thái khiến biển Hoa Đông rơi vào tình trạng căng thẳng chưa từng có.

Tình hình càng bị đẩy cao độ khi Mỹ - Trung cũng tranh cãi gay gắt quanh những hoạt động ở khu vực biển Hoa Đông. Hôm 8-6,  Mỹ tố các chiến đấu cơ của Trung Quốc đánh chặn “một cách nguy hiểm” máy bay do thám của Washington khi đang tuần tra bình thường trên vùng biển này. Bắc Kinh ngay lập tức cáo buộc Washington “cường điệu hóa sự việc” đồng thời kêu gọi Washington ngừng thực hiện “hoạt động giám sát chặt chẽ đối với Trung Quốc” để tránh sự cố tương tự xảy ra.

Nhật-Trung rơi vào vòng xoáy tranh chấp về các đảo nhỏ không người ở thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ năm 2012 sau khi một người dân Nhật Bản mua một hòn đảo ở đây. Trong khi Thủ tướng Abe đã phần nào thành công trong việc làm dịu căng thẳng, đủ để tổ chức hai cuộc họp thượng đỉnh với Chủ tịch Tập Cận Bình trong suốt thời gian qua, những sự cố gần đây có nguy cơ phủ bóng quan hệ hai nước.

Nhật Bản sử dụng Hội nghị Thượng đỉnh G7 hồi tháng 5 này để chỉ trích Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Tokyo. Các nhà lãnh đạo G7 sau đó ra tuyên bố chung, bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng gia tăng trên các vùng biển ở Châu Á, nhất là ở biển Đông và biển Hoa Đông. G7 cũng kêu gọi tất cả các bên tham gia hành động phù hợp với luật pháp quốc tế chứ không được “uy hiếp, bắt nạt”. Trung Quốc phản ứng giận dữ. Bắc Kinh cũng rất khó chịu về kế hoạch tập trận hải quân giữa Nhật, Mỹ và Ấn, sẽ diễn ra vào cuối tháng 6 này trong vùng lân cận Okinawa. “Trung Quốc nói chung là đang chơi đòn ăn miếng trả miếng tương tác với Mỹ và Nhật Bản”, một chuyên gia nhận định.

Những diễn biến này được đưa ra trong bối cảnh cuộc khảo sát của 5 quốc gia Châu Á cho thấy mối thù hận giữa Trung Quốc và Nhật Bản, bất chấp các cơ hội phát triển thông qua kinh doanh và du lịch.

Khả Anh