Biển Hoa Đông lại dậy sóng

Thứ sáu, 13/06/2014 11:52

(Cadn.com.vn) - Trung Quốc lại khiến biển Hoa Đông căng thẳng khi thực hiện những chuyến bay “gần sát bất thường” với máy bay quân sự của Nhật.

Tokyo ngày 12-6 quyết định triệu Đại sứ Trung Quốc để phản đối hành động họ gọi là “quá nguy hiểm” và làm leo thang căng thẳng này.  Theo AFP, Đại sứ Trung Quốc Trình Vĩnh Hoa bị Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Akitaka Saiki triệu tới trụ sở bộ, nơi ông hối thúc Bắc Kinh thiết lập cơ chế liên lạc hàng hải với Tokyo.

Trong cuộc đối đầu mới nhất giữa hai bên, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho biết, các máy bay chiến đấu của Bắc Kinh liên tiếp thực hiện những lộ trình bay “bất thường” khi tiến sát gần 2 máy bay quân sự của nước này trên biển Hoa Đông. Theo Tokyo, 2 chiếc SU-27 của Trung Quốc chỉ bay cách máy bay Nhật Bản 30m tại Vùng xác định phòng không (ADIZ) chồng chéo nhau của hai nước. “Đó là hành động rất đáng tiếc và không thể dung thứ”, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nhấn mạnh.

Ảnh máy bay chiến đấu Su-27 của Trung Quốc do phía Nhật  Bản cung cấp. Ảnh: AP

Đây là lần thứ 2 trong vòng chưa đầy 3 tuần, Tokyo tố cáo Bắc Kinh  có hành động tương tự trên không phận gần quần đảo Senkaku do Nhật  Bản kiểm soát mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền. Tuy nhiên, Bắc Kinh lại chơi ván bài tố ngược vô lý Tokyo như cách họ đang làm với những diễn biến tại biển Đông. Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng, chính hành động của phi công Nhật Bản là “nguy hiểm và có tính chất khiêu khích”. Trung Quốc lên án những tuyên bố của Nhật Bản là nhằm mục đích “lừa dối cộng đồng quốc tế”.

Những lời tố cáo qua lại giữa Tokyo-Bắc Kinh bùng phát trong bối cảnh Nhật Bản và Australia tổ chức vòng đàm phán lần thứ 5 – thường gọi là hội đàm “2+2” giữa bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao hai bên tại Tokyo. Cuộc họp là một phần của xu hướng tăng cường liên minh quân sự và chính trị giữa hai nước nhằm đảm bảo an ninh khu vực Châu Á-Thái Bình Dương khi các nước đang thật sự lo ngại với những tuyên bố vô lý và những hành động hung hăng của Bắc Kinh trong tranh chấp lãnh thổ. Cuộc họp kết thúc thành công khi hai bên nhất trí tăng cường quan hệ đồng minh và đạt được thỏa thuận cho phép nghiên cứu và mua bán thiết bị quốc phòng.

Thành công này cũng đánh dấu chiến thắng của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người có công giúp nới lỏng luật lệ chặt chẽ về ngành công nghiệp vũ khí, cho phép Tokyo bán các loại vũ khí công nghệ cao ra nước ngoài. Ông Abe cũng đang tìm kiếm thay đổi hiến pháp sau Thế chiến II, vốn hạn chế quyền lực của quân đội Nhật, nhằm ủng hộ những quốc gia đang quan ngại trước sự độc đoán của Trung Quốc. Australia cũng bày tỏ ủng hộ chủ trương của Thủ tướng Abe về việc mở rộng sử dụng quân đội Nhật Bản, coi đây là một “tầm nhìn quốc phòng bình thường hơn”. Phát biểu trong cuộc họp báo tại thủ đô Tokyo, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop cho rằng, “bất cứ quyết định nào của Nhật Bản nhằm thực thi quyền phòng vệ tập thể sẽ chỉ giúp hợp tác hai bên phát triển mạnh hơn”.

Trên thực tế, tranh chấp Nhật-Trung mang rất nhiều màu sắc bởi sự khác biệt lịch sử và lòng tự tôn dân tộc. Những diễn biến căng thẳng ở biển Hoa Đông khiến người ta lo ngại về một cuộc xung đột quân sự tiềm tàng. Nhưng nhiều người cảnh báo, nguy cơ lớn nhất vẫn là một vụ va chạm ngẫu nhiên, chẳng hạn như nếu các máy bay của Trung-Nhật lần này va chạm nhau dẫn đến tai nạn chết người. Bởi rõ ràng, bất kỳ vụ tai nạn nào như thế sẽ nhanh chóng đi theo đường xoắn ốc dẫn đến cuộc đối đầu mang nặng ý nghĩa địa chính trị.

Khả Anh