Biến rác thải thành sản phẩm hữu ích

Thứ năm, 29/10/2015 10:06

(Cadn.com.vn) - Với niềm đam mê nghiên cứu khoa học, Lê Duy Phương và Phan Văn Nhân, học sinh lớp 12 Trường THPT Vĩnh Định, Triệu Phong (Quảng Trị) đã biến những thiết bị điện tử nguy hại tưởng chừng không còn sử dụng được nữa trở thành những vật liệu bổ ích.

Lê Duy Phương và Phan Văn Nhân đang say mê với nghiên cứu của mình.

Tôi có dịp về lại ngôi trường cũ của mình, 3 năm xa trường nhưng trong tôi vẫn còn đó ký ức mới như ngày nào mình vẫn là học sinh cấp 3. Đó cũng là cái duyên tôi biết đến hai em học trò hiện đang học ở trường THPT Vĩnh Định, đam mê khoa học và biết tận dụng rác thải điện tử, một loại rác thải nguy hiểm hiện nay để chế tạo thành công bộ thí nghiệm “Điện trở bán dẫn phụ thuộc vào nhiệt độ và ánh sáng”. Chia sẻ với chúng tôi về lý do muốn chế tạo bộ thí nghiệm,  hai em cho biết: “Chúng em muốn tận dụng những thứ tưởng chừng như không thể sử dụng được, nhất là những rác thải điện tử hiện nay đang tác động mạnh đến môi trường, để biến chúng thành những vật dụng hữu ích, góp phần bảo vệ môi trường”.

Em Lê Duy Phương lớp 12B3 đồng tác giả bộ thí nghiệm điện trở bán dẫn phụ thuộc vào nhiệt độ và ánh sáng cho biết thêm: “Nhà em ở gần quán sửa chữa đồ điện tử nên từ nhỏ em thường lân la sang đó chơi và xin những thứ chủ quán không sử dụng nữa về mày mò tháo ra nghịch chơi. Với sự say mê đối với những đồ dùng điện tử, từ nhỏ em đã biết tận dụng các mạch điện tử của các loại máy tính, cát sét cũ để làm các mô hình đồ chơi nhỏ như thuyền chạy được trên nước bằng mô tơ..”. Nhận thấy khả năng sáng tạo của Phương, thầy giáo chủ nhiệm Thái Ngọc Ánh đã tận tình truyền đạt thêm những kiến thức bổ ích, đồng thời kết nối Phương với bạn Phan Văn Nhân, lớp 12 A1, một học sinh có cùng niềm đam mê nghiên cứu .

Từ đó hai em  dưới sự hướng dẫn của các giáo viên Vật lý, đã tìm tòi, nghiên cứu chế tạo thiết bị thí nghiệm rẻ tiền trên các nguyên liệu ban đầu là rác thải điện tử. Bộ thí nghiệm này gồm các dụng cụ: quang trở, đồng hồ vạn năng, dây nối, đèn laze bán dẫn. Đây được đánh giá là thiết bị thí nghiệm đơn giản rẻ tiền, dễ chế tạo, dễ áp dụng vào các tình huống dạy học trên cơ sở các vật liệu tái chế từ rác thải điện tử. Từ khi có ý tưởng đến khi hoàn thành sản phẩm cả thầy và trò đã tốn mất 4 tháng mới xong. Các thầy hướng dẫn hai em tìm thêm các tài liệu liên quan để các em có cơ sở lý thuyết và thực hiện niềm đam mê sáng tạo của mình.

Với những thứ rác thải bỏ đi hai em đã tạo ra sản phẩm hữu ích.

“Khi được các thầy định hướng ý tưởng, hằng ngày một buổi tới trường, còn lại chúng em tranh thủ đạp xe quanh thị xã Quảng Trị cố gắng tìm các thiết bị từ các quán điện tử, các bãi rác thải điện tử, các bộ vi mạch... Khó khăn nhất là phần lắp ráp sao cho đúng các vi mạch trong sơ đồ...”, em Phan Văn Nhân chia sẻ thêm.

Trong hội thi sáng tạo trẻ cấp tỉnh ( Quảng Trị ) năm 2015 sản phẩm của hai em đạt được giải nhì  và tự hào hơn nữa khi sản phẩm ấy được tỉnh chọn để tham dự  cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 11 năm 2015 và đạt được giải khuyến khích. Đó chính là phần thưởng quý giá và động lực để hai em cố gắng cho những sáng tạo tiếp theo, cũng như góp phần giáo dục cho học sinh về việc bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm và có hiệu quả. Thầy Nguyễn Chơn Cảm, Bí thư Trường THPT Vĩnh Định vui mừng cho biết: “Nhà trường tự hào về hai em khi biết phát huy tố chất năng động cùng sự cố gắng sẵn có của một người thanh niên hiện đại, khi biết sử dụng rác thải nguy hại để chế tạo dụng cụ học tập cần thiết cho bộ môn vật lí hiện nay”.

Thầy giáo Thái Ngọc Ánh, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 B3 đánh giá: “Ở phòng bộ môn các trường THPT đã được Bộ GD- ĐT cung cấp một số thiết bị thí nghiệm vật lý, tuy nhiên số lượng học sinh trong một trường THPT đông, nhiều thiết bị thí nghiệm thiếu, đắt tiền, dễ hư hỏng, cồng kềnh nên chưa đáp ứng tối ưu nhu cầu dạy và học. Bộ thí nghiệm điện trở bán dẫn phụ thuộc vào nhiệt độ và ánh sáng không có trong danh mục thiết bị trường học nhưng lại cần thiết cho thực tế dạy và học ở trường THPT trong toàn quốc... Hiện tại sản phẩm của hai em đang được nhà trường sử dụng vào trong các buổi học”.

Văn Cường