Biến thế mạnh về ứng dụng CNTT thành lợi thế cạnh tranh
Năm thứ 10 liên tiếp Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) (ICT Index). Điều này chứng minh Đà Nẵng có nền tảng hạ tầng CNTT mạnh, được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực đời sống, đặc biệt là giải quyết thủ tục hành chính.
Đà Nẵng cần triển khai nhiều dịch vụ công trực tuyến cấp độ cao hơn để biến thành lợi thế cạnh tranh trong môi trường đầu tư kinh doanh. |
Được đầu tư nền tảng CNTT từ khá sớm, Đà Nẵng đã nhanh chóng xây dựng Chính quyền điện tử, đưa các tiện ích thông minh ứng dụng trong quản lý đô thị. Đây cũng là cơ sở thuận lợi để xây dựng TP thông minh trong tương lai. Ông Lê Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam cho biết, chỉ số ICT Index cao (tức là ứng dụng CNTT tốt) thì năng lực cạnh tranh tốt, cải cách hành chính tốt, thương mại điện tử phát triển, thu nhập bình quân đầu người cao. Đà Nẵng có 10 năm liên tiếp đứng đầu chỉ số ICT Index, có nghĩa là đã giải quyết tốt bài toán nền tảng CNTT mạnh, do vậy, việc hướng tới TPTM sẽ có nhiều thuận lợi.
Hệ thống thông tin chính quyền điện tử (CQĐT) của Đà Nẵng được sử dụng từ 5 năm trước, hiện đã cập nhật nguồn cơ sở dữ liệu lớn, trong nhiều lĩnh vực. Cụ thể như dữ liệu nền của hơn 1,1 triệu công dân, cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính, doanh nghiệp, bản đồ nền, đất đai... Hiện tại hệ thống một cửa điện tử của Đà Nẵng được triển khai tại 84 cơ quan hành chính các cấp và trả kết quả trên phần mềm một cửa điện tử dùng chung. Ngoài ra có 240 cơ quan, đơn vị sử dụng hệ thống quản lý văn bản điều hành điện tử, 1,7 ngàn cơ quan và cá nhân (từ phó phòng trở lên) được cấp chữ ký số chuyên dùng. Tại Đà Nẵng hiện cũng đang triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 thuộc loại cao của cả nước. Tổng số 572 dịch vụ/1.292 thủ tục hành chính (chiếm gần 45%) được tích hợp và cung cấp tập trung trên Hệ thống thông tin CQĐT. Cổng thanh toán trực tuyến đã được tích hợp để phục vụ thanh toán trực tuyến phí, lệ phí TTHC. Theo Sở TT&TT Đà Nẵng, các ứng dụng một cửa điện tử, hệ thống thư điện tử, ứng dụng góp ý, phần mềm quản lý hộ khẩu... của TP được triển khai hiệu quả. Cũng từ đây đã hình thành nguồn nhân lực CNTT trong xây dựng, triển khai, vận hành CQĐT (khoảng 500 cán bộ chuyên trách CNTT), nguồn nhân lực tại hơn 900 doanh nghiệp CNTT trên địa bàn thành phố (khoảng 25.000 người).
Tại Cục Thuế Đà Nẵng, hiện tất cả 291 TTHC thuộc lĩnh vực thuế đều đã được chuẩn hóa và 125 TTHC trong số đó được thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4. Ngành thuế đang tiếp tục rà soát đơn giản hóa 30 thủ tục thuế để nâng cao hơn nữa số lượng TTHC đáp ứng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4. Lãnh đạo Cục thuế Đà Nẵng cho biết, gần 100% người nộp thuế hiện đã kê khai thuế qua mạng. Việc nộp thuế điện tử đang được đẩy nhanh thông qua sự liên kết với các ngân hàng trên địa bàn. Hiện trong 291 TTHC thuế, ngành Thuế đã triển khai thực hiện khai, nộp thuế điện tử hơn 200 TTHC. Tương tự, Hải quan Đà Nẵng cho biết mỗi năm giải quyết trên 100.000 tờ khai xuất nhập khẩu, trong đó hơn 99% thực hiện qua hệ thống thông quan tự động VNACCS. Cơ chế một cửa quốc gia tại Cảng biển và Cảng hàng không, cơ chế một cửa ASEAN tiếp tục được triển khai, tạo thuận lợi cho cộng đồng DN trong việc làm thủ tục hải quan, giúp giảm thời gian thông quan hàng hóa và làm thủ tục cho tàu biển xuất nhập cảnh. Tại địa bàn Cục quản lý, hiện có 27/28 hãng bay thực hiện khai báo điện tử qua cổng thông tin một cửa quốc gia, đầy đủ và đều đặn; 99,90% thuế, lệ phí hải quan thực hiện bằng phương thức điện tử (e-Payment), 24/7, mọi lúc, mọi nơi, trên mọi phương tiện.
Việc ứng dụng CNTT thông qua các dịch vụ trực tuyến đã góp phần giảm thời gian, chi phí cho người dân, DN, nâng cao sức cạnh tranh cho môi trường đầu tư kinh doanh của Đà Nẵng. Tuy nhiên, trước yêu cầu ngày càng cao của người dân, DN, mức độ ứng dụng CNTT phải cao hơn, chuyên sâu hơn, thông qua nhiều tiện ích thông minh hơn. Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc VCCI Đà Nẵng cho rằng, TP cần tăng cường áp dụng CNTT trong lĩnh vực hành chính công, đẩy mạnh hành chính công trực tuyến. Mặc dù TP đã có nền tảng công nghệ để thực hiện dịch vụ công trực tuyến khá tốt, tuy nhiên tỷ lệ xử lý dịch vụ công trực tuyến vẫn chưa cao. Do vậy, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền khuyến khích người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, thì cần phải giao chỉ tiêu thực hiện dịch vụ công trực tuyến hằng năm, có thể cụ thể hằng năm phải xử lý bao nhiêu phần trăm các hồ sơ bằng dịch cụ công trực tuyến và con số này phải tăng lên. “Không chỉ cứ sẵn sàng mãi mà phải thực chất, hiệu quả, như vậy việc dẫn đầu chỉ số ICT Index của Đà Nẵng mới tạo được lợi thế cạnh tranh trong môi trường đầu tư kinh doanh”- ông Quang chia sẻ.
Hiện Đà Nẵng đang triển khai đề án TP thông minh với tổng kinh phí hơn 2,1 ngàn tỷ đồng. Theo đó, tới năm 2020 TP sẽ hình thành hạ tầng, nền tảng và cơ sở dữ liệu thông minh (A bit Smater City) đóng vai trò là nền tảng dùng chung cho các ứng dụng TPTM. Từ năm 2020-2025 hoàn thiện, thông minh hóa các ứng dụng đã hình thành, thí điểm ở giai đoạn trước để phục vụ DN, người dân, du khách đồng thời chuyển quản lý đô thị từ truyền thống thành quản lý trên dữ liệu số. Trong giai đoạn 5 năm tiếp theo sẽ phát triển TP thông mình lên tầm cao mới để thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo dựa trên dữ liệu, các công nghệ phân tích như máy học, trí tuệ nhân tạo, thực tại ảo... Những công nghệ này được ứng dụng sâu, phổ biến để phục vụ quản lý đô thị, tinh gọn bộ máy, nâng cao sức cạnh tranh và tạo động lực mới cho phát triển.
Từ thực tế kết quả ứng dụng CNTT và đề án TPTM đang triển khai, có thể kỳ vọng Đà Nẵng sẽ sớm trở thành TP thông minh, là một lợi thế cạnh tranh lớn cho môi trường đầu tư kinh doanh.
HẢI QUỲNH