Biểu tình biến thành bạo động, Iraq ban bố lệnh giới nghiêm

Thứ sáu, 04/10/2019 11:16

Ngày 3-10, lực lượng an ninh Iraq nổ súng trực tiếp giải tán cuộc biểu tình chống chính phủ đã bước sang ngày thứ 3 tại Baghdad mặc dù lệnh giới nghiêm đã có hiệu lực kể từ rạng sáng.

Cảnh sát chống bạo động sử dụng vòi rồng, hơi cay, đạn cao su và đạn thật để giải tán người biểu tình. Ảnh: AFP

Thủ tướng Adel Abdel Mahdi đã ra lệnh cấm các phong trào biểu tình trên toàn thủ đô bắt đầu từ 5 giờ sáng 3-10 để ngăn chặn các cuộc biểu tình chống chính phủ trong bối cảnh nạn thất nghiệp và tham nhũng nhà nước lan rộng.

Các cuộc biểu tình trở nên hỗn loạn và các cuộc đụng độ sau đó với cảnh sát chống bạo động ở Baghdad và một số thành phố phía nam khiến 12 người biểu tình và một sĩ quan cảnh sát thiệt mạng. Sáng 3-10, cảnh sát chống bạo động nổ súng chỉ thiên để giải tán hàng chục người biểu tình tập trung tại Quảng trường Tahrir bất chấp lệnh giới nghiêm. "Chúng tôi đã ngủ ở đây để cảnh sát không thế chỗ", một người biểu tình cho biết trước khi bị cảnh sát đẩy lùi.

Trước đó, vụ nổ kép đã xảy ra ở Vùng Xanh, gồm các tòa nhà chính phủ và đại sứ quán các nước. Cuộc tấn công xảy ra vài giờ sau khi lực lượng an ninh phong tỏa Vùng Xanh "cho đến khi có thông báo mới", chỉ vài tháng sau khi khu vực này được mở cửa trở lại, vì lo sợ những người biểu tình tức giận tràn vào.

Số người chết tăng

Các nguồn y tế và an ninh cho biết, trong đêm 2-10, hai người biểu tình đã bị giết tại thành phố Kut, phía nam đất nước sau khi họ cố gắng xông vào một văn phòng chính quyền địa phương. Hai người biểu tình khác thiệt mạng tại Nasiriyah, nơi cho đến nay đã chứng kiến các cuộc biểu tình nguy hiểm nhất với tổng cộng 8 người biểu tình và một sĩ quan cảnh sát thiệt mạng. Và tại Baghdad, 2 người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ, khiến số người thiệt mạng do các cuộc biểu tình trên toàn quốc tăng lên 13 người và hơn 400 người bị thương.

Cảnh sát chống bạo động thủ đô đã sử dụng vòi rồng, hơi cay, đạn cao su và đạn thật nỗ lực buộc người biểu tình ra khỏi quảng trường Tahrir và các khu vực khác ở Baghdad. Đêm 2-10, người biểu tình từ các khu vực khác nhau của thủ đô đã cố gắng tập trung đến quảng trường. Nhưng với việc truy cập Internet không thể thực hiện, những người biểu tình đã phải vật lộn để liên lạc với nhau hoặc đăng đoạn phim về các cuộc đụng độ mới nhất.

Tại thành phố thánh Najaf và tại Nasiriyah hôm 2-10, lực lượng an ninh đã nổ súng vào người biểu tình và lệnh giới nghiêm cũng được tuyên bố. Cho đến nay, các cuộc biểu tình dường như chủ yếu là tự phát, với những đám đông giận dữ mang cờ Iraq và dường như không thấy sự tham gia nào của bất kỳ nhân vật chính trị nổi bật nào của đất nước. Nhiều nhân vật truyền thống đã bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với phong trào. Giáo sĩ Moqtada al-Sadr kêu gọi tiến hành "tổng biểu tình ôn hòa". Ông al-Sadr đứng sau cuộc biểu tình lớn ở Baghdad hồi năm 2016, nhưng lần này sự tham gia của ông có vẻ hạn chế hơn nhiều.

Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo công dân không tới Iraq

Hãng thông tấn Anadolu đưa tin, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã cảnh báo công dân nước này không tới Iraq do các cuộc biểu tình nổ ra trên khắp đất nước này.

Thông cáo của bộ trên nêu rõ: “Do các cuộc biểu tình ở hàng loạt tỉnh thành của Iraq, trong đó có cả thủ đô Baghdad, các công dân nước ta được khuyến nghị kiềm chế di chuyển tới các khu vực đang diễn ra các sự kiện như vậy”. Thông cáo cho biết, trừ trường hợp bắt buộc phải đi tới Iraq, các công dân Thổ Nhĩ Kỳ nên tránh làm việc đó do có các cuộc biểu tình, vốn đã và đang xảy ra từ hôm 1-10. Chúng tôi khuyến nghị các công dân Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang ở Iraq nên theo dõi sát các cảnh báo của chính quyền Iraq, tránh tới các địa điểm tụ tập đông người và nên thận trọng về an ninh cá nhân”.

B.N

Làm gì để giảm căng thẳng?

Tối 2-10, quan chức hàng đầu của LHQ tại Iraq, Jeanine Hennis-Plasschaert, đã gặp một số người biểu tình ở Baghdad để kêu gọi "đối thoại trực tiếp" giữa họ và các quan chức chính phủ. "Khả năng bảo vệ quyền biểu tình là một dấu hiệu của sự trưởng thành chính trị và dân chủ. Hơn nữa, việc sử dụng vũ lực chỉ làm tăng thêm sự tức giận", bà cho biết. "Giảm leo thang là cần thiết và khẩn cấp", bà tuyên bố.

Bạo lực đã thu hút hàng loạt chỉ trích từ các nhà lãnh đạo Iraq, bao gồm cả Tổng thống Barham Saleh, và quốc hội Iraq đã yêu cầu mở cuộc điều tra về các vụ việc.

Các cuộc biểu tình diễn ra sau nhiều tháng người dân thất vọng vì cắt điện liên tục, thiếu nước sinh hoạt và tham nhũng tràn lan. Nhưng sự tức giận về tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên, khoảng 25%, dường như đã dẫn đến cuộc biểu tình lần này. "Chúng tôi muốn việc làm và các dịch vụ công cộng tốt hơn. Chúng tôi đã yêu cầu họ trong nhiều năm và chính phủ chưa bao giờ trả lời", Abdallah Walid, một người biểu tình 27 tuổi, cho biết. Các cuộc biểu tình về các vấn đề tương tự nhấn chìm thành phố Basra vào mùa hè năm ngoái và chấm dứt cơ hội tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai của cựu thủ tướng Haider al-Abadi.

Thủ tướng Mahdi hiện đối mặt với một thách thức tương tự, chỉ vài tuần trước khi chính phủ của ông kỷ niệm một năm nắm quyền. Ông ban bố lệnh giới nghiêm sau khi triệu tập hội đồng an ninh quốc gia họp khẩn cấp vào ngày 2-10. Ông Mahdi cáo buộc bạo lực là do “những kẻ xâm lược... cố tình tạo ra thương vong” gây ra, một tuyên bố khiến người biểu tình phẫn nộ.

AN BÌNH