Bình đẳng giới nhìn từ góc độ phát triển đô thị
Sau 2 ngày làm việc, chiều ngày 21-6, Hội thảo Quốc tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương về "Thúc đẩy bình đẳng giới ở các đô thị" do UBND TP Đà Nẵng phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức đã kết thúc tốt đẹp. Hội thảo có sự tham gia của các đại biểu đến từ 11 dự án do Ngân hàng Thế giới hỗ trợ tại Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Timor Leste và Lào. Các đại biểu đã dành phần lớn thời gian để thảo luận về các biện pháp tận dụng các hoạt động đầu tư để tối đa hóa mức sống, khả năng tiếp cận việc làm và khả năng phát triển cho cả nam và nữ.
![]() |
Các đại biểu tham dự hội thảo. |
Phát biểu tại Hội thảo, bà Lê Thị Thu Hạnh - Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ TP Đà Nẵng nhìn nhận, hệ tư tưởng có định kiến phân biệt giới vẫn phổ biến hiện nay và diễn ra trên nhiều lĩnh vực như: kinh tế, văn hóa xã hội, giáo dục, lao động... Đối tượng bị bạo hành, xâm hại là phụ nữ và các trẻ em gái vẫn chiếm đa số, các lao động nữ vẫn chịu thiệt thòi trong công việc. "Cần thu hẹp khoảng cách về giới ở tất cả mọi nơi, một môi trường đô thị phát triển cần phải kiến tạo cho sự an toàn của người phụ nữ về phẩm giá. Phụ nữ cần nghỉ ngơi, giải trí và được quan tâm nhiều hơn nữa" - bà Hạnh nhấn mạnh.
Ông Achim Fock, Giám đốc phụ trách chương trình và danh mục đầu tư chung WB tại Việt Nam thì cho rằng, quá trình đô thị hóa nhanh chóng ở khu vực Đông Á mang lại những cơ hôi to lớn, nhưng đồng thời nó cũng đi kèm một số thách thức, trong đó phải kể đến vấn đề bất bình đẳng KT-XH. Trong tương lai, các TP sẽ là địa bàn sinh sống của phần lớn dân số và trở thành các cực phát triển chiến lược tại các khu vực đó. Do vậy, các TP cũng phải có trách nhiệm giải quyết các thách thức nêu trên nhằm đảm bảo một sự tăng trưởng và phát triển tối ưu cho mọi người dân. "Vì vậy, đô thị hóa có thể làm tăng gánh nặng đối với phụ nữ và buộc họ phải đánh đổi giữa công việc nội trợ và đi làm để tăng thu nhập cho gia đình. Nhiều nước trong khu vực đang chứng kiến hiện tượng già hóa diễn ra với tốc độ nhanh chóng. Đại diện của các nước có mặt tại đây, đòi hỏi tìm ra giải pháp về dịch vụ chăm sóc lại càng cấp thiết"- ông Achim Fock đặc biệt lưu ý. Đồng thời, ông cũng cho biết thêm: "Tôi rất hy vọng các khách hàng sẽ có cơ hội chia sẻ thông tin về các dự án mới của chúng tôi tại 5 TP cấp 2 rất năng động tại Việt Nam và về một món vay chính sách dành cho chính quyền TP HCM. Các dự án mới được phê duyệt gần đây đều có các hoạt động tăng cường cơ hội việc làm cho phụ nữ theo các cách thức sáng tạo; tạo việc làm được trả công cho phụ nữ hoàn toàn phù hợp với mục tiêu phát triển của dự án, với các mục tiêu quốc gia và của địa phương, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng, hòa nhập".
Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia đến từ các nước cũng như WB đã chia sẻ nhiều vấn đề quan trọng, thiết thực, tạo cơ hội tốt trong quá trình học hỏi lẫn nhau nhằm chuyển giao, nhân rộng các kinh nghiệm thành công. Chuyên gia Cao cấp Phát triển xã hội WB Helle Buchhave đã bày tỏ quan ngại khi đặt vấn đề: "Bất bình đẳng giới và xu hướng dân số đô thị ở khu vực Đông Á". Còn Chuyên gia đô thị WB, bà Yuko Arai đặt ra và giải đáp câu hỏi "Giới trong quy hoạch đô thị - Giá trị gia tăng là gì?". Riêng ông Ammar Malik - Giám đốc Nghiên cứu, Minh chứng cho Thiết kế chính sách, Đại học Havard Kennedy lại đặt vấn đề về "Khả năng di chuyển và tiếp cận dịch vụ của phụ nữ trong thành phố" và Trưởng đại diện Cơ quan phụ nữ Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam qua việc nghiên cứu trường hợp điển hình ở Việt Nam đã đưa cách nhìn về "An toàn cá nhân của phụ nữ trong giao thông công cộng"... Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng đã đề cập đến các giải pháp đối với tác động về giới đến hệ thống giao thông thông minh, an toàn trong không gian công cộng, khó khăn của phụ nữ trong tiếp cận việc làm tại đô thị Đông Á-Thái Bình Dương, quy hoạch đô thị để chăm sóc trẻ em, phụ nữ trong di sản văn hóa và du lịch bền vững, phụ nữ sống ở vùng ven thành phố... Ngoài ra, trong quá trình diễn ra Hội thảo, các nhóm dự án cũng đã trình bày kế hoạch hành động bước đầu. Trong đó, đáng chú ý là dự án phát triển đô thị Quốc gia Indonesia, các dự án phát triển đô thị động lực I+II Việt Nam, dự án quản lý rủi ro Đông Nam Á của CHDCND Lào; dự án an ninh nước Đồng bằng sông Cửu Long, dự án phát triển bền vững Đà Nẵng của Việt Nam; dự án cấp nước vệ sinh của Đông Timor; dự án phục hồi và sáng tạo Cam Túc (Trung Quốc)...
Mặc dù không thể tham dự Hội thảo này do phải dự một hội nghị quan trọng khác tại Singapore nhưng ông Francis Ghesquiere - Trưởng ban giao thông toàn cầu (WB) cũng đã gửi đến hội thảo quan điểm của mình: "Hội thảo chính là cơ hội quý giá để các đại biểu có thể tìm hiểu về các thách thức liên quan đến giới tại môi trường đô thị cũng như các bài học và giải pháp học hỏi được từ các đô thị bạn. Hy vọng các khách hàng sau khi trở về sẽ thảo luận các kế hoạch hành động và bài học kinh nghiệm này với các đồng nghiệp của mình tại các cơ quan chính quyền thành phố và các trưởng nhóm công tác của WB. Nếu quản trị tốt, thu hút sự tham gia của nam giới, nữ giới như là các đối tác và tác nhân thay đổi bình đẳng thì ta sẽ giải quyết thành công những vấn đề đặt ra trong chương trình phát triển năng lực giới khu vực Đông Á-Thái Bình Dương".
PHƯƠNG KIẾM