Bình Định: Môi trường nông thôn đang bị “bức tử”

Thứ năm, 07/05/2015 10:55

(Cadn.com.vn) - Hiện nay, ở nhiều vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Định, dịch vụ vệ sinh môi trường chưa phát triển; cùng với đó, một bộ phận người dân thiếu ý thức trong việc bảo vệ môi trường nên tình trạng vứt rác thải ra môi trường rất phổ biến, khiến tình trạng ô nhiễm môi trường (ÔNMT) ở khu vực nông thôn trở nên đáng ngại.

Nhức nhối nạn rác thải

Cách xử lý rác thải phổ biến nhất ở các vùng nông thôn là người dân dồn tất tần tật mọi thứ vào bao tải, đợi lúc trời tối thì mang đi đổ tại hệ thống kênh mương nội đồng hoặc khu vực đầu cầu, bụi rậm... Ngoài ra, các chợ ở nông thôn cũng là nơi sản sinh đủ các loại rác thải; trong khi đó, đơn vị hữu quan chưa có biện pháp xử lý hữu hiệu nên chỉ quét dọn, tập trung tại một điểm, sau đó để phân hủy tự nhiên.

Đơn cử như: bãi rác tự phát bên hông chợ Háo Lễ (xã Phước Hưng, H. Tuy Phước, Bình Định); khu tập kết rác ven kênh phía sau chợ Gò Bồi (xã Phước Hòa, H. Tuy Phước); những bãi tập kết rác ở xóm mua bán, sơ chế phế liệu tại thôn Phong An, xã Cát Trinh (Phù Cát, Bình Định); bãi rác tự phát ở đầu nguồn hồ chứa nước Hưng Long (xã An Hòa, H. An Lão, Bình Định)…, cứ ngày một phình to, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống và sức khỏe của chính người dân nông thôn.

Ông Nguyễn Ngọc Phước, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Trinh, nhìn nhận: Tình trạng ÔNMT tại xóm mua bán, sơ chế phế liệu ở thôn Phong An nói riêng, nhiều vùng nông thôn khác trong toàn tỉnh nói chung ngày càng đáng báo động. Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm, có hiệu quả thực trạng này, ngoài nỗ lực của các cấp, các ngành, thì ý thức tự giác của người dân trong việc bảo vệ môi trường rất quan trọng.

Ngoài ra, những năm gần đây, môi trường nông thôn còn bị đe dọa bởi việc lạm dụng hóa chất trong nông nghiệp như phân bón hóa học, thuốc BVTV. Do yêu cầu tăng năng suất, sản lượng, mở rộng sản xuất..., một bộ phận người nông dân sử dụng hóa chất nông nghiệp ngày càng nhiều. Theo thống kê, hàng năm, trên địa bàn tỉnh Bình Định, người dân tiêu thụ hàng trăm tấn thuốc trừ sâu bệnh, trừ cỏ và hàng ngàn tấn phân bón hóa học các loại. Theo thói quen, hầu hết bà con nông dân vứt các loại bao bì, chai thuốc ngay ra môi trường khi vừa sử dụng xong.

Những bãi rác thải tự phát như thế này hiện đang rất phổ biến tại các vùng nông thôn.

Cần biện pháp xử lý hiệu quả

Bên cạnh những hiện tượng trên, thời gian gần đây, ở một số địa phương, nhiều làng nghề truyền thống được xây dựng, phát triển. Việc làm này góp phần không nhỏ vào nhu cầu giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn. Thế nhưng, do các cơ sở sản xuất thường nằm ngay trong khu dân cư, lại chưa có biện pháp xử lý nước thải, chất thải rắn, khí thải... nên nguy cơ gây ô nhiễm, ảnh hưởng cho cộng đồng càng lớn. Có thể kể ra một số làng nghề tác động xấu đến môi trường như nghề nấu đúc kim loại, chế biến nước mắm ở TX An Nhơn (Bình Định); chế biến tinh bột mì ở H. Tây Sơn, Hoài Nhơn (Bình Định); làng nghề bún số 8, bánh tráng ở xã Tam Quan Nam (Hoài Nhơn); các làng nghề nấu rượu, làm nhang...

Hiện nay, nhiều địa phương đang thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, một trong những vấn đề khiến nhiều nơi “đau đầu” đó là tiêu chí về môi trường. Dù có nhiều cố gắng, nỗ lực trong thực hiện tiêu chí môi trường, nhưng thực tế không thể phủ nhận, tại hầu hết các xã nông thôn, thực trạng ÔNMT vẫn còn phổ biến. Đơn cử như: xã Cát Trinh; xã Nhơn Lộc (TX An Nhơn), xã Tam Quan Bắc và Hoài Châu (Hoài Nhơn)…, là những địa phương đạt 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới; nhưng thực trạng ÔNMT - nhất là tình trạng người dân xả các loại rác thải trực tiếp ra môi trường - không phải là không xảy ra.

Liên quan việc này, ông Trần Đình Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường - Sở TNMT Bình Định, cho biết: Sở TNMT đã lập chuyên đề “Báo cáo hiện trạng môi trường nông thôn 2013 - 2014” để đánh giá thực trạng ÔNMT tại khu vực nông thôn và các làng nghề. Khó khăn nhất hiện nay trong việc xử lý rác thải ở nông thôn là quy hoạch điểm thu gom tập trung, xử lý; kinh phí thực hiện; cũng như ý thức tự giác thực hiện của một bộ phận người dân còn hạn chế.

“Để giải quyết có hiệu quả vấn đề trên, việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho người dân nhận thức được hiệu quả, tác dụng của thu gom, phân loại, xử lý rác thải là rất cần thiết. Ngoài ra, cần sự đồng thuận, nhất quán của các cấp, các ngành liên quan và người dân trong việc thu gom, xử lý rác thải ở nông thôn. Mặt khác, cần tính toán đến phương án xã hội hóa việc thu gom rác thải ở nông thôn nhằm tận dụng sự đóng góp của những cá nhân, tổ chức có tâm huyết”, ông Trung cho biết thêm.

Trước thực trạng này, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, vận động để thay đổi tập quán, thói quen xả rác tùy tiện của người dân. Đồng thời, lồng ghép việc phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường, cung cấp dịch vụ thu gom rác thải. Ở những vùng chưa tổ chức được dịch vụ này, cách làm hiệu quả và đơn giản nhất là không vứt rác bừa bãi; tận dụng môi trường vườn, ruộng để xử lý rác thải hữu cơ…

C.Luận