Bình mới, rượu cũ

Thứ năm, 04/09/2014 08:12

(Cadn.com.vn) - Đúng như tuyên bố, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 3-9 tiến hành cải tổ nội các, trong đó gồm 18 thành viên với 12 gương mặt mới và lần đầu tiên có đến 5 nữ bộ trưởng. Tuy nhiên, Thủ tướng Abe vẫn giữ các vị trí bộ trưởng chủ chốt như: Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga; Bộ trưởng Tài chính Taro Aso; Bộ trưởng Kinh tế Akira Amari và Ngoại trưởng Fumio Kishida.

Lần cải tổ lần này của ông Abe rất được người dân mong đợi bởi như tuyên bố của vị thủ tướng có tư tưởng cứng rắn này là nhằm "đưa ra một số điều chỉnh mới trong bối cảnh Nhật bước sang giai đoạn thứ hai của công cuộc phục hồi đất nước, vốn tập trung vào các vấn đề như an ninh quốc gia và các nền kinh tế khu vực".

Đặc biệt, Thủ tướng Abe chọn 2 nghị sĩ kỳ cựu có quan hệ thân thiện với Trung Quốc vào nội các lần này, tín hiệu rõ ràng về hy vọng tan băng trong quan hệ quá lạnh giá với Bắc Kinh trong những năm qua, trước khi bắt đầu Hội nghị Thượng đỉnh với Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 11 tới.

Thay đổi quan trọng đối với các vị trí trong ban lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (LDP), trong đó có chức tổng thư ký là một phần của cải tổ thành phần lãnh đạo sâu rộng nhằm tăng cường đoàn kết đảng và đánh bóng hình ảnh của Thủ tướng Abe 20 tháng sau khi trở lại nắm quyền. Và trên hết, việc bổ nhiệm 5 nữ bộ trưởng mới trong nội các phản ánh những thông điệp khác nhau của nhà lãnh đạo này.

Từ lâu, Thủ tướng Abe luôn nỗ lực để cân bằng giới trong lực lượng lao động, kể cả lĩnh vực chính trị. Để đối phó với lực lượng lao động già cỗi và kinh tế trì trệ, Thủ tướng Abe khuyến khích phụ nữ phát huy sức mạnh. Tuy nhiên, còn đó nhiều thách thức cho mục tiêu của chính sách ưu tiên phụ nữ - "womenomics" này.

Thủ tướng Abe tuyên bố, đây là lần cải tổ nội các bảo thủ nhất của thời kỳ hậu chiến. Có thể thấy, nội các mới lần này có nhiều gương mặt mới, nhưng người ta cho rằng, tư tưởng cực hữu bảo thủ sẽ vẫn như cũ. Chính trị phe phái buộc thủ tướng xây dựng nội các gồm cả những đối thủ cạnh tranh đầy thú vị và cá tính.

Đối với một số thành viên nội các, họ có những lý do mạnh mẽ để bảo vệ thời kỳ chiến tranh. Ví dụ, ông ngoại của Thủ tướng Abe, ông Nobusuke Kishi từng giữ vị trí cấp cao trong nội các Nhật thời chiến tranh. Bị người Mỹ bỏ tù và kết án tội phạm chiến tranh năm 1945, đến giai đoạn đầu Chiến tranh Lạnh, ông Kishi trả tự do rồi bầu làm Thủ tướng năm 1957.

Ông nội đã qua đời của Bộ trưởng Nội vụ Yoshitaka Shindo cũng là một trong những sĩ quan chỉ huy của lực lượng Nhật Bản ở đảo Iwo Jima. Phó Thủ tướng Taro Aso và Bộ trưởng Nông nghiệp Yoshimasa Hayashi đều có lợi từ Cty gia đình (Aso Group và Ube Industries) vốn sử dụng lao động là các tù binh của Hàn Quốc và các nước khác.

Vì thế, dù nội các hoàn toàn mới, sẽ không nhiều thay đổi đáng kể về ý thức hệ hoặc các chính sách quan trọng.

Thanh Văn