Bình mới, rượu cũ
(Cadn.com.vn) - Bắt đầu từ ngày 12-4 tới, tất cả 8 ứng viên cho chiếc ghế Tổng Thư ký HĐBA LHQ sẽ phải diễn thuyết trước một phiên tòa mở của Đại hội đồng LHQ về lý do tại sao họ mong muốn trở thành người đứng đầu của tổ chức quyền lực nhất thế giới này. Đây là động thái lịch sử đầu tiên của HĐBA LHQ, tổ chức quyền lực chuẩn bị bước vào tuổi 71.
Buổi điều trần này, sẽ được truyền hình trực tiếp từ trụ sở LHQ ở New York, Mỹ và sẽ kéo dài trong 3 ngày. Trong đó, mỗi ứng viên sẽ có khoảng 2 giờ đồng hồ trình bày bài thuyết trình ngắn bằng cách trả lời các câu hỏi của đại diện 193 quốc gia thành viên LHQ. Đây là lần đầu tiên, HĐBA LHQ tổ chức “kỳ thi tuyển chọn” mới mẻ như thế này. Tuy nhiên, nhìn chung, bản chất vấn đề không thay đổi. Cái cốt lõi của quá trình lựa chọn một Tổng Thư ký LHQ mới cũng vậy.
Bởi lẽ, không có một mô hình cho các cuộc đối thoại như vậy trong LHQ, có nghĩa là không có mô hình cho các câu hỏi hoặc câu trả lời. Một số quốc gia thành viên có thể sử dụng thời gian này để đưa ra những tuyên bố chính trị hoặc có thể nói ngoài thời gian quy định của họ. Nếu thời gian quy định vẫn còn, các ứng cử viên sẽ nhận được câu hỏi từ lĩnh vực xã hội dân sự. Nếu tất cả điều này không đủ, mỗi ứng cử viên có thể tiếp tục tỏ rõ thế mạnh với giới truyền thông tại một buổi họp tổ chức bên ngoài hội trường chung.
Một tổng thư ký sẽ thay thế ông Ban Ki-moon, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 31-4 tới. Ngày 1-1-2017, lãnh đạo mới của LHQ sẽ bắt đầu một nhiệm kỳ 5 năm, có thể được các quốc gia thành viên gia hạn thêm một nhiệm kỳ 5 năm tiếp theo. Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Mogens Lykketoft mới đây nhấn mạnh, ông bắt đầu nỗ lực để tăng tính minh bạch và tính toàn diện trong quá trình lựa chọn tổng thư ký theo chính sách cải cách mà ông gọi là “quá trình lựa chọn cổ xưa” - một quá trình tương đối khép kín của HĐBA LHQ.
Việc thay đổi lần này nhằm mục đích tìm kiếm một nhà lãnh đạo tốt nhất cho LHQ, vốn đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng, chẳng hạn như thay đổi khí hậu, phát triển bền vững và chủ nghĩa khủng bố. Và có thể thấy, việc thuyết trình trước một phiên tòa mở cũng rất hữu ích cho các quốc gia thành viên LHQ, để họ có sự hiểu biết tốt hơn về tầm nhìn của các ứng viên.
3 trong 8 ứng cử viên là cựu tổng thống hay thủ tướng, và 4 người đến từ các quốc gia từng là một phần của Nam Tư cũ, còn lại, hai nhân vật hiện đứng đầu các cơ quan thuộc LHQ. Chỉ có mình bà Helen Clark - cựu Thủ tướng New Zealand - đến từ một quốc gia ngoài Châu Âu. Tại LHQ, thông thường việc chọn một tổng thư ký thường đến từ Đông Âu. Vì vậy, dù đánh dấu động thái lịch sử, về bản chất, lựa chọn mới cho chiếc ghế Tổng Thư ký LHQ không phải là một vấn đề do Đại hội đồng quyết định mà thuộc trách nhiệm của HĐBA LHQ gồm 5 quốc gia thành viên gồm Nga, Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Anh.
Thanh Văn