Bình mới, rượu mới
Hai phe phái đối lập của Palestine là Hamas và Fatah ngày 12-10 tuyên bố đã đạt được thỏa thuận về các khía cạnh của kế hoạch hòa giải chính trị nhằm chấm dứt một thập kỷ chia rẽ và xung đột.
Thỏa thuận đạt được trong các cuộc đàm phán giữa hai bên do Ai Cập làm trung gian tại Cairo, vốn bắt đầu từ ngày 10-10. Chi tiết thỏa thuận được công bố sau đó tại cuộc họp báo diễn ra tại thủ đô Cairo. Theo thỏa thuận, Fatah - lực lượng thống trị Bờ Tây – sẽ kiểm soát biên giới Rafah qua lại giữa Gaza và Ai Cập.
Phe Fatah được phương Tây ủng hộ đã mất quyền kiểm soát Gaza vào tay Hamas từ năm 2007 và đã đồng ý “nhượng quyền” kiểm soát Gaza cho chính phủ Fatah của Tổng thống Mahmoud Abbas, theo như một thỏa thuận do phía Ai Cập làm trung gian hòa giải. Tổng thống Abbas hồi tuần trước cử Thủ tướng chính phủ đoàn kết Palestine Rami Hamdallah cùng các quan chức trong nội các và người đứng đầu cơ quan an ninh Palestine tới Dải Gaza để tiếp quản quyền kiểm soát vùng lãnh thổ này.
Cuộc đối thoại tại Cairo được tổ chức sau khi phong trào Hồi giáo Hamas hồi tháng 9 thông báo giải tán ủy ban hành chính kiểm soát Dải Gaza. Tất cả các phe phái Palestine sẽ bắt đầu đàm phán rộng rãi hơn về việc thành lập một chính phủ đoàn kết toàn dân trong 2 tuần tới.
Trên thực tế, Hamas và Fatah đồng ý thành lập một chính phủ hòa giải quốc gia vào năm 2014, nhưng bất chấp thỏa thuận này, Hamas vẫn tiếp tục nắm quyền Dải Gaza, động thái khiến Fatah tức giận. Và Ai Cập đã đứng ra hòa giải hai phong trào để dần hình thành nên một chính phủ thống nhất chia sẻ quyền lực ở Gaza và Bờ Tây.
Hy vọng cho một đất nước Palestine hòa bình thống nhất đang nhân lên bởi các bên tham gia đàm phán đều đang cho thấy thiện chí hòa giải dân tộc. Tuần trước, Thủ tướng Palestine Rami Hamdallah đã đến thăm Gaza lần đầu tiên từ năm 2015 và các bộ trưởng của ông chính thức kiểm soát các cơ quan chính quyền ở đây.
Tuy nhiên, nhiều người lo ngại, động thái này chỉ mang tính biểu tượng khi Hamas vẫn nắm quyền trên thực tế ở khu vực có 2 triệu người này. Một trong những điểm quan trọng chính là số phận cánh quân sự của Hamas, với 25.000 quân.
Hòa giải Hamas-Fatah cũng có thể gây ra tình trạng tiến thoái lưỡng nan đối với các nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc đạt được thỏa thuận hòa bình Israel-Palestine bởi vì Hamas lâu nay khăng khăng không công nhận Israel.
THANH VĂN